Thursday, August 7, 2014

Thơ CHÂN PHƯƠNG 2






PHIM TRƯỜNG CỦA GIÓ ĐÓI VÀ TRĂNG CHỘT





con đường vắng
hiện trên âm bản thời gian


bài thơ góc biển

                              từ biệt

                                             trang giấy chân trời


các gương mặt nhòa phai 
cút bắt mấy hàng cây trong bão tuyết







*



quay cuồng trên các ruộng muối khô

xé mình theo những đường dây thép



ngọn gió khát  

                             ngọn gió đói 



băng qua mọi địa hình mất trí

rượt đuổi dòng âm phù giá băng



*



mở to tròng chột



trăng ngó nhìn quanh quẩn

nhưng chẳng thấy chi



trước thinh không tối nghĩa

mông lung điều khải thị 



*



       khi nào tấm gương hoát ngộ ?



                                            bao giờ mộ bia tỉnh giấc ?




*


khập khiễng

hai bánh xe lăn



tuổi tác

lọc cà lọc cọc

lùi dần vào mặt sau các phim trường



*



chiếc lá vô thừa nhận

thay tin cáo phó






LẠI TỰ THÁN VỚI TỰ TRÀO


                                                                     cơn say có mấy tròng mắt?
                                                                     mê cung có bao lối vào?


từng thập niên khép lại

dòng sông băng giá -             
dòng ý thức đông miên -


khắp nẻo dương trần
tro tàn lấp mọi dấu tích lưu vong

chai rượu cùng tôi
             thức trắng với các thiên hà
                                          chờ rạng đông như bản án                     

*

phố chợ thiêm thiếp 
núi đồi đờ đẩn

xoay quanh ảo ảnh
bản mặt nào là mặt thật?

*

các mặt gương tiếp tục trò mê hoặc

 nhớ quên
       quên nhớ
                   một bờ môi


             có thật tôi là vai chính trong kịch bản đời mình?


*

mực đêm từ từ dâng
trong cốc cạn

giông gió đồng loạt
cuốn phăng mọi tấm màn bụi cát

                                                                                              
         xuyên qua hằng hà gáy sách mối mọt 
 
 bất chợt khúc xạ ánh đèn đường


                    đó là lóe chớp của vô ngôn ?

                                          hoặc hừng đông kiếp trước ?


 


No comments:

Post a Comment