Friday, July 22, 2016

MỘT CHUYẾN DU XUÂN -4B



                                


  Trước lối vào Nhà Trưng bày Lịch sử JAMESTOWN với hai hàng cờ đại diện cho 50 tiểu bang.                           
 
    Nghĩ cũng buồn cười, đường hoàng là công dân Mỹ mà tôi chưa đặt chân tới Jamestown dù tôi không thuộc loại armchair traveler biếng nhác chỉ ngồi nhà du lịch bằng tưởng tượng theo trang sách hoặc màn hình. Hơn nửa thế kỷ lưu lạc trên quả đất, tôi từng lê mòn đế giày qua Angkor, Beijing, Athens, Roma, Paris... Hè rồi, tôi còn chịu khó sưu tập selfies tận Edinburg và Budapest . Dĩ nhiên tôi cũng chắng lạ gì các thành phố trên lục địa Bắc Mỹ – từ Québec City sang Vancouver, từ Seattle xuống San Diego, từ Portland, Maine đến Orlando, Florida...Vậy mà gần ba mươi năm sống trên đất nước này, tôi lại chưa biết mặt Jamestown – cái nôi chào đời của lịch sử Hoa Kỳ. 


   Tâm sự dông dài như thế để nhắn với bạn đọc gần xa một sự thật bình thường: Khoan bàn đến các chuyện lớn lao, một cuộc du lịch trong tầm tay cũng không xong nếu ta cứ chần chờ.   Nợ giang hồ hay mộng tang bồng ? Cuối cùng tôi đã đến Jamestown ! Khi cho xe vào bãi đậu, tôi nói đùa với các bạn : Voir Jamestown et mourir !


    Ai có đọc qua lịch sử Hoa Kỳ đều biết. Vào cuối tháng 4 - 1607 ba hải thuyền dưới sự chỉ huy của Christopher Newport chở 104 di dân từ Anh đã cặp vào vùng đất mới. Trong lúc người Tây ban nha và Bồ đào nha xâm chiếm khai thác Trung-Nam Mỹ cả thế kỷ trước, còn người Pháp theo chân hai nhà hàng hải Cartier và Champlain đã lần lượt thám hiểm miền Đông Canada, nước Anh vẫn thất bại trong kế hoạch định cư trên lục địa mới dù đã đóng tàu đưa di dân sang vài lượt, như ở Roanoke năm 1585. Lần này, dù gian nan và hiểm nghèo vì bị thổ dân rình rập ám hại, họ đã xây cất  thành công đồn trại cùng thôn ấp để định cư lâu dài. Xã ấp chiến lũy đó được mang tên vua Anh lúc ấy là James- Jamestown.   


       Trên tàu Godspeed, phía sau là hải thuyền dẫn đường Susan Constant được phục chế.


   Cuộc vượt biển này đã diễn ra khác với dự án của giới thương nhân Luân Đôn tài trợ nhằm tìm lợi nhuận nơi Tân Thế Giới. Bài toán mà di dân phải giải quyết trước tiên là sự sống còn giữa rừng thiêng nước độc và các bộ lạc algonquin không thân thiện. Lương thực dự trữ cạn dần sau vài tháng, vài kẻ liều mạng chạy vào làng thổ dân xin ăn. Phần còn lại bị bệnh tật và nạn đói giết lần hồi. Sang tháng Giêng năm sau, khi thuyền trưởng chỉ huy Newport từ Anh trở qua tiếp tế, chỉ còn 38 mạng sống sót trong tình trạng kiệt sức. Nếu không có 150 di dân mới theo Newport kéo qua tiếp sức, chắc chắn là Jamestown sẽ trở thành cổ tích hoang phế.

Đồn lũy cùng các kiến trúc thôn xã được kiến thiết lại như xưa.
  
   Những gì tiếp theo sau đó đã trở thành kiến thức khá phổ thông . Thôn xã bên bờ sông James ở Virginia kia đã vượt qua các thử thách gian truân thuở khai hoang để trở thành thị trấn thành công đầu tiên của di dân gốc Anh . Năm 2017, Jamestown sẽ ăn mừng 410 năm hiện diện trên lục địa Bắc Mỹ; và mùa xuân này du khách khắp các tiểu bang đã nhộn nhịp tụ về cái nôi lịch sử thiêng liêng này. Chỉ cần tấm vé hai chục đô, ai cũng có thể vào học lại trang sử lập nghiệp trong các phòng trưng bày giàu hiện vật và tham quan thực địa được khai quật hay phục chế theo các mô hình trước kia. Tại đây, khách thăm viếng sđược ngắm tượng đồng của Powhatan - thủ lĩnh 32 bộ lạc thổ dân algonquin sống rải rác khắp vùng duyên hải  b người da trắng kéo sang dần dà chiếm đất và sát phạt.
   Đằng sau rào lũy là đồn trại, nhà kho, vài hộ dân cư, có cả một giáo đường nhỏ - sự nghiệp của đế quốc số một đã bắt đầu như thế! Cạnh đó là nhiều chứng tích của chính sách nô lệ khi dân Phi châu bđưa sang Virginia để canh tác các đồn điền mênh mông trồng bông vải hay thuốc lá.
   Tivi, báo chí Mỹ trong thời gian gần đây rầm rộ vấn đề da đen.  Cho đến ngày nay các hậu quả tâm lý-văn hóa của chính sách nô lệ da đen vẫn chưa biến mất. Theo sử liệu, vào khoảng 1625 đã có 23 người da đen làm tôi tớ trong vài đồn điền sơ khai ở Jamestown và quanh đó. Vì sản xuất nông nghiệp cần lao động nhiều và rẻ, chính sách dùng người da đen như “nông súc” (human chattel) được pháp luật thuộc địa công nhận vào năm 1664. Luật nô lệ truyê`n kiếp “Cha nô lệ, con cũng nô lệ” ra đời ở Virginia và Maryland. Phải chăng quan hệ da trắng chủ nhân và  dân da đen nô lệ là động cơ nằm sau các hiện tượng bạo lực và phạm pháp hôm nay, giải thích cho những cảnh trái tai gai mắt vẫn diễn ra ở các thành phố lớn có nhiều dân cư da đen.


Mấy con gà vẫn được thả rong trong làng.
   Nhìn gà chạy rong với nhân viên hóa trang mặc y phục thường dân hay lính tráng từ mấy thế kỷ trước, du khách đâu thể ngờ rằng đây chính là hiện trường khốc liệt nơi đã diễn ra màn kịch của chủ nghĩa tư bản nguyên thủy. Một số nhỏ trong đám dân tha phương đã trở thành tầng lớp địa chủ-thương nhân ban đầu của Virginia nhờ cướp đoạt đất đai và bóc lột sức lao động nô lệ. Họ là đợt sóng tiên phong của giai cấp tư sản Bắc Mỹ đã biết vận dụng phương thức sản xuất tiên tiến của Âu châu để khai thác một lục địa bao la cùng vô số tài nguyên chưa ai đụng đến. Chỉ cần ba trăm năm, giai cấp này sẽ biến một đất nước sơ khai thành đế quốc siêu cường đứng đầu thế giới về kinh tế và kỹ thuật. Có đọc Tư Bản Luận hay không, các bạn nên ghé qua Jamestown một lần để suy nghiệm lại về học thuyết duy vật sử quan của Marx.

Một nhân viên hóa trang đang biểu diễn cách lính tráng bắn súng hỏa mai.



   Du khách dạo quanh chụp hình cảnh trí thanh bình trong khu làng nhỏ với vài  diễn viên thổ dân đóng kịch sinh hoạt bộ lạc giữa các chòi tranh khó thể hình dung thảm kịch máu me đã diễn ra khi các làn sóng di dân da trắng đấu tranh sinh tồn với các bộ lạc miền biển Virginia. Để có đất canh tác kèm với các sách lược tự vệ, di dân đã không tránh được biện pháp bạo lực như cướp phá, giết hại, bao vây để tiêu hao sinh lực… Giai thoại về cuộc hôn phối lãng mạn giữa Pocahontas - con gái yêu của thủ lĩnh Powhatan - với chàng John Rolfe hào hiệp chỉ là thiên tình sử được điện ảnh Disney thêu dệt để giải trí cho trẻ con. Sự thật thô bạo là sau khoảng ba mươi năm dân Anh và châu Âu kéo sang xâm lấn và tàn sát, các bộ lạc thổ dân vùng duyên hải Virginia hầu hết bị tiêu diệt nếu không trốn chạy vào rừng sâu!


Vài mái tranh làng thổ dân trong khu trưng bày.


Thổ dân săn thú có da quí để trao đổi hàng hóa với di dân.


   JAMESTOWN và 1607 là hai cột mốc quyết định trong lịch sử lập quốc Mỹ. Nhưng người du khách có ý thức cũng nên biết những gì đã diễn ra nơi hậu trường trong khoảng thời gian đen tối khi dân Anh và châu Âu kéo sang xâm chiếm lục địa Bắc Mỹ, đặc biệt ở Virginia, mà nhà sử học hàng đầu Bernard Bailyn ở Harvard đã gọi là Những Năm Dã Man- THE BARBAROUS YEARS – tên đặt cho cuốn khảo cứu công phu về giai đoạn di dân và khai hoang thuộc địa của chính phủ Anh vào đầu thế kỷ 17. Nhờ được đặt chân đến Jamestown, kẻ viết mấy dòng du ký này xin được chia sẻ với các bạn đồng hành cùng độc giả đôi điều “Ôn cố tri tân” cần thiết.




Tầm quan trọng của Jamestown - nơi bắt đầu lịch sử nước Mỹ.