Wednesday, May 27, 2015

Đọc thơ LÊ TRINH



                      ĐC THƠ  LÊ TRINH



    Ngòi bút Lê Trinh chọc thẳng vào nỗi đau thời thế cộng thêm kiếp ô nhục của bản thân và đồng bào. Chẳng hạn , trong bài Thời thuộc địa :

“Đây là thời kỳ đau buồn của một dân tộc
Danh sách bị bắt rất dài dòng, trừ ra quân trộm cướp
Đây là thời kỳ cả dân tộc được đánh đập kĩ lưỡng…
Đây là thời kỳ một phần dân tộc bị đột quỵ
được đưa đi nằm bệnh viện và chăm sóc bằng mũi súng…

  Đọc đến đây, ta bàng hoàng hiểu ra Thời thuộc địa vừa mang cả nghĩa đen nghĩa bóng, hé lộ một thi pháp cùng ý thức nghệ thuật không tránh né hiện thực tối ám của đất nước thời chuồng trại. Nhưng khác với một số văn thơ diễu cợt và đểu cáng, lắp ráp ngôn từ loạn xị theo loại thi pháp “hậu hiện đại”  đã đánh mất mọi la bàn giá trị của nhiều cây viết   hôm nay trong cũng như ngoài nước, thơ Lê Trinh là tuyên ngôn của lương tâm kèm nỗi phẫn nộ đạo lý:

“ Tôi không thể sống bằng tinh thần đồi bại của đêm này
Và không đủ sức băng qua bóng tối
Tôi kêu gọi bình minh
Nhưng chỉ nghe tiếng vọng lại của những kẻ trá hàng…

                                               (Đêm của những kẻ trá hàng )


 Bằng cách phát biểu mệnh đề trực diện pha với các hình tượng tôn giáo-chính trị và dụ ngôn như nhật ký của vua, thi sĩ của cổ tích, cha và con, đứa con trở về…,Lê Trinh đã nâng độ sâu tư tưởng cho những bài thơ không cần đa ngôn hoặc tiểu xão phù phiếm. Riêng tôi, chùm thơ được phổ biến trên mạng Da Màu khiến tôi liên tưởng đến dòng thơ nhân chứng Trung Âu, đặc biệt là thơ Ba Lan hay Hungari của Rozewicz, Pilinzky, Georgy Petri… Nếu trước đây ta từng biết đến Trần Dần, Phùng Cung, Văn Cao… điều kỳ diệu hôm nay ở Việt Nam là đôi lúc vẫn cất lên một tiếng thơ nhân chứng có trọng lượng -  chứng tỏ rằng thế hệ thi sĩ trẻ đang ươm trồng các tác phẩm nghệ thuật không phản bội sự thật lịch sử đất nước trong giai đoạn quá độ tư bản chủ nghĩa rừng rú này.   

   Hoan nghênh thi sĩ - công dân  LÊ TRINH !

                                                                                                  CHÂN  PHƯƠNG

                                                                                Cambridge, ngày 24 tháng 5 năm 2015


Thời thuộc địa


1
Không được chết ngày hôm nay 
Anh còn nợ thuế. 
Anh còn để mũi súng của ta lùa, 
Vào nhà thờ anh còn co ro, ngơ ngác.

2
Đây là thời kỳ đau buồn của một dân tộc 
Danh sách bị bắt rất dài dòng, trừ ra quân trộm cướp 
Đây là thời kỳ cả dân tộc được đánh đập kĩ lưỡng để không chường ra cảm xúc muốn bay lên 
Đây là thời kỳ một phần dân tộc bị đột quỵ 
được đưa đi nằm bệnh viện và chăm sóc bằng mũi súng, an ủi bằng răn đe, hăm dọa 
Đây là thời kỳ một phần chuyển phe sùng bái 
phải chạy bằng tiền để được vào hang ổ, bưng bê cho quân trộm cướp 
nhìn thấy hàng ngày chúng lần lượt đục khoét sạch sẽ niềm tin.
Đây là thời kỳ của một số anh hùng và những vĩ nhân. 

 

 

Chia tay ở K


Chúng tôi ôm nhau rất gọn 
Trong cánh tay mùa thu và thì thầm những lời thừa thãi 
Mà đáng ra chỉ cần một ánh mắt lặng nhìn, 
ta có thể lừa được nhau 
trong suốt quãng thời gian xa cách 
Mọi thứ đã sẵn sàng 
Để chạy tới hai chân trời mới 
Những cảm xúc cũ đã được đóng gói 
chờ dịp ném đi.



 đội quân xâm lược

1
Lũ xâm lăng đã đến nơi này
Và mê sảng
                trong dòng máu đen
                                     của chúng.
Chúng nóng lòng đốt cháy ca dao
Nhưng chúng lại khổ tâm
Không tìm lấy đâu ra lửa.
Chúng cố công chiêu dụ đầu hàng
Nhưng trái tim đã rơi xuống đất.

2
Chúng tôi vẫn đứng đấy thôi và giả bộ
Tay nắm chặt ngọn cờ
Chịu làn đạn từ hai phía,
Thời như đứa trẻ say men chiến thắng đã không còn
Cũng thật khó mà vun vén
Phải đi cùng quân trộm cướp ban đêm
Thành quách cũ mèm, khó mà trụ nổi
Đạn sắp cạn dần, cũng như người ủng hộ
Nhưng bỏ chạy về phía nào – thôi nguy hiểm quá
Nên chúng tôi vẫn đứng đấy thôi và giả bộ
Tay nắm chặt ngọn cờ.  


Bây giờ đêm gần tới


Bây giờ đêm gần tới 
Vài nhà thơ say khướt trở về khu ổ chuột 
Nằm chờ bình minh tác phẩm. 
Trung tâm tỏa sáng ánh tiền 
đặt hy vọng sức mua đêm này đừng giảm. 
Các mùa được tạo đủ tư thế 
trên đám ma-nơ-canh non choẹt. 
Thành phố già nua 
run lên bần bật tiếng còi cảnh sát 
xô vào tôi một gái điếm đang tháo chạy trên đường, 
còn kịp liếc mắt đưa tình, nàng quả là hết mình thực dụng. 
Rác rưởi khắp nơi, gió rét lùa đi từng đợt 
Nghe như tiếng khóc lẫn trong tiếng chào của một người bán dạo 
Lũ dân chơi ngổ ngáo gườm gườm, 
bước chân của tôi gõ một khúc buồn như chết. 



Đêm của những kẻ trá hàng


Tôi không thể sống bằng tinh thần đồi bại của đêm này 
Và không đủ sức băng qua bóng tối 
Tôi kêu gọi bình minh 
Nhưng chỉ nghe tiếng vọng lại của những kẻ trá hàng:
Đừng 
Một ngọn lửa từ ngôi đền này 
có thể lan ra toàn vũ trụ 
Những đám rước của chúng ta rồi hóa thành tro bụi.
Hãy để đêm 
những lưỡi dao sét gỉ thống trị những lưỡi cày 
Cưỡng đoạt đôi môi 
                              lời nói thì thầm 
và canh gác đến tận răng nụ cười, tiếng khóc.


Nhật ký của vua


Ta giành hết phần thắng lợi về mình 
Thành trì, gái đẹp trong một không gian lung linh 
như vàng thỏi, nhưng khoái trá nhất là chuyện kẻ thù quỳ gối 
Cuối cùng chúng cũng hiểu được mạng sống, 
là đứng đầu mọi giá trị.
Bây giờ để chiếm giữ lâu dài, ta sẽ thay thượng đế 
Phá sập ngôi đền chúng quen sùng bái, 
đổi luật chơi, đá bóng một mình 
Và nơi ta ngửa mặt đi qua, chúng phải quỳ gối xuống 
Tượng đài ta đứng giữa trung tâm 
Khêu gợi kỷ niệm cho ngày hội nhập.
Nhưng mộ của ta phải giữ gìn tuyệt mật 
Đề phòng lũ hai mặt đào lên.                               

 

Thi sĩ của cổ tích


Không có cái thời này thì anh đã bị xuống cấp 
được giao một việc hèn theo đúng sức của mình 
hơn là thi sĩ rền rĩ với đạo đức nửa vời nguy hại 
Bạn của tôi, bây giờ 
anh dành sân khấu diễn luôn từ A đến Z 
thứ tình yêu theo Mốt rất nặng mùi cái bãi rác 
xú uế của ngôn từ 
bóng bẩy và chìm thẳng 
như những gói mì độc hại 
được nhai đi nhai lại: 
chúng ta đủ sức tới thế giới cổ tích 
ăn quả thần miễn phí mà không cần lo nghĩ 
không ai được rời bỏ con đường này 
Tất cả phải cùng một ý chí.



Đứa con trở về


Trở về với đất mẹ xưa trầm lặng 
Đang đổi mới hàng ngày 
Với mớ bảng hiệu đeo đầy trên cổ 
Trở về với đền đài, đêm quỳ nhặt lấy 
ánh trăng, không bao giờ còn nữa 
Dòng sông thiêng vật vờ, méo mó 
đục dần dần, từ tổ quốc bị rình mò –  
Một bà mẹ với đàn con nghiện 
Sao có thể giữ gìn chút gia sản cuối cùng 
Và những đứa con đã yêu thương người da diết 
buồn bã lang thang trong di ảnh của người.



Cha và con


Cha có thể lo cho con những tháng năm thơ ấu vẹn toàn 
Nhưng không thể tính được một cánh chim vụt bay 
vào bầu trời của nó 
mọi điều cha có thể tha thứ cho con 
Trừ một điều con không thể trở thành người lương thiện 
(không đứng thẳng được vì nhiều thanh niên bây giờ 
chỉ toàn giống như xác sống) 
nhưng cha vẫn yêu con bằng tình thương sâu thẳm 
nhỏ giọt nước mắt buồn luôn luôn 
vào những đêm một mình câm lặng.


                                                                   Lê Trinh