Tuesday, May 30, 2017

ĐÔI LỜI VỀ NHÀ THƠ TÔ THÙY YÊN



Nhà thơ TÔ THÙY YÊN được đại học YALE mời đọc thơ để tưởng niệm ngày Sài Gòn Thất Thủ (The Fall of Sài Gòn) vào chiều 26 - 4 - 2017 cùng với hai thi sĩ ĐINH LINH và PHAN NHIÊN HẠO. Tôi được vinh dự lên nói đôi lời giới thiệu TÔ THÙY YÊN bằng Anh ngữ truớc thính giả, phần lớn là sinh viên đại học ; rồi sau đó tôi cũng đã đọc lời giới thiệu qua tiếng Việt tại trung tâm VIỆT-AIDS ở Boston khi thi sĩ TÔ THÙY YÊN nói chuyện và đọc thơ với đồng bào tại đây đêm 28 - 4 - 2017. Dưới đây là bài phát biểu của tôi dịch sang Việt ngữ với đôi chỗ hiệu đính. CHÂN PHƯƠNG



                      ĐÔI LỜI VỀ NHÀ THƠ TÔ THÙY YÊN

   Kính chào thính giả và các bạn tham dự đêm đọc thơ,

   Có lẽ những độc giả quan tâm đến văn học tiếng Việt hôm nay ít nhiều đã đọc qua Tô Thùy Yên. Tôi chỉ xin nhắc lại vài con số để phác hoạ chân dung lịch sử của nhà thơ. Sinh năm 1938, khi cuộc chiến VN lên cao điểm năm 1968, Tô Thùy Yên được 30 tuổi. Sau 1975, qua nhiều trại tù cải tạo cho đến khi được tha năm 1988, nhà thơ đã 50. Năm năm sau, ông theo chương trình H.O. qua Mỹ với gia đình và sống cuộc đời di dân cho đến hôm nay. Những năm tháng và biến cố ấy là những cột mốc giúp chúng ta đi sâu vào thế giới thi ca của ông .
   Tôi xin kể một giai thoại cá nhân. Mùa xuân 1986, tôi hân hạnh được hội kiến Thanh Tâm Tuyền trong một quán cà phê ở Đa kao, Sài gòn. Lúc ấy tôi là một nhà thơ chui, còn Thanh Tâm Tuyền là thi sĩ đầu đàn vừa là một trong những vị khai sáng văn học hiện đại ở Việt Nam.(Ông là một thành viên của nhóm Sáng Tạo sáng tác và cỗ xúy thơ văn tiền phong avant-garde.) Lúc ấy, ông vừa được trả tự do sau nhiều năm học tập cải tạo trong khi Tô Thùy Yên thì còn bị tù giam ngoài Bắc.  Cũng khá trớ trêu, phần lớn các tên tuổi Sáng Tạo đều trải qua các trại tù cải tạo; vài người nhanh chân trốn thoát thì lưu lạc xứ người như Mai Thảo...Trong cuộc nói chuyện và đôi lần gặp mặt sau đó, Thanh Tâm Tuyền đã nhắc đến Tô Thùy Yên với nhiều cảm tình và quí mến - đặc biệt đối với sự tu luyện về ngôn từ và nghệ thuật của nhà thơ chúng ta. Tôi được biết biệt hiệu "Ông Tiên" do chính Thanh Tâm Tuyền nói ra.  (Tên thật của thi sĩ Tô Thùy Yên là Đinh Thành Tiên).
   Năm 18 tuổi, nhà thơ sáng tác bài Cánh Đồng Con Ngựa Chuyến Tàu

Tàu chạy mau tàu chạy rất mau  
Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu...
                     
 Tàu chạy mau càng mau càng mau
 Ngựa ngã lăn mình mượt như cỏ
 Chấm giữa nền nhung một vết nâu

   Bài thơ bộc lộ tài năng trẻ tuổi - một Rimbaud của Sài gòn - với nỗi ám ảnh rất Nietzsche luôn luôn vươn lên đỉnh cao bất chấp mọi gian truân.Theo tôi, hình tượng con ngựa chạy đua với chiếc tàu chính là thi nhân đuổi theo Sáng Tạo và Vinh Quang, hoặc Lịch Sử và Định Mệnh. Nhưng bài thơ đồng thời cũng mang một linh cảm - hai mươi lăm năm sau , không phải thần mã Pegasus rượt đuổi Sáng Tạo mà là người lính bại trận giữa các đồng hành tù tội trên chuyến tàu phóng về các trại lao cải tăm tối. Tôi xin đọc lại vài đoạn trong bài Tàu Đêm

Tàu đi. Lúc đó, đêm vừa mỏi.
 Lúc đó, sao trời đã ngủ mê.
Tàu rú. Sao ơi, hay thức dậy
Long lanh muôn mắt tiễn tàu đi.  ...

Toa nêm lúc nhúc hồn oan khóc
Đèn bão mờ soi chẳng rõ ai
Ta gọi rụng rời ta thất lạc
Ta còn chẳng đủ nữa ta đây.  ...

Tàu đi như một cơn điên đảo
Sắt thép kinh hoàng va đập nhau
Ta tưởng chừng nghe thời đại động
Xô đi ầm ĩ một cơn đau.

Ngồi đây giữa những phân cùng bụi
Trong chuyển đời xung xát bạo tàn
Ta trở thành than, thành súc vật.
Tiếng người e cũng đã quên ngang.

Ta nghe rêm nhói thân tàn rạc
Cac thỏi xương lìa đụng chỏi nhau
Nghe cả hồn ta bị cán nghiến
Trên đường lịch sử sắt tuôn mau.  ...

Tàu đi khoan xoáy sâu đêm thép
Tiếng nghiến ghê người, thác lửa sa.
Lịch sử dường như rất vội vã
Tàu không đỗ lại các ga qua.  ...

   Trên chuyến tàu lịch sử âm u, không chỉ nhà thơ-chứng nhân cùng những kẻ bất đồng chính kiến hay các tù nhân lương tâm , mà cả một dân tộc đọa đày lầm than cũng bị chở mang về một nhà tù vô hình - về trại Gulag của chế độ toàn trị Việt Nam.
   Tụ lại bên nhau trong đêm đọc thơ này để tưởng niệm ngày SÀI GÒN THẤT THỦ, làm sao chúng ta quên được những gì đã xảy ra sau đó! Hơn bốn thập niên đã trôi qua; sau bao nhiêu tan nát và tai ương, gia đình chia ly, thảm kịch thuyền nhân, lao động cải tạo, xã hội ngột ngạt bế tắc...hôm nay cho dù mức sống vật chất được nâng cao hơn nhưng cái giá phải trả cho phát triển kinh tế là khủng hoảng môi trường như vụ Formosa, là oan ức nông dân như vụ Đồng Tâm...Việt Nam bây giờ vẫn là một quốc gia bị chiếm đóng, hố ngăn cách giữa chế độ cầm quyền và nhân dân càng ngày càng sâu rộng.
   Trong khi nhà nước toàn trị kiểm duyệt tin tức , những oan khiên thống khổ của dân lành được phổ biến trên các mạng xã hội nơi mà ý thức chính trị của công dân Việt càng ngày càng lan rộng. Đã đến lượt các nhà trí thức và văn nghệ sĩ của thế hệ hôm nay lên tiếng, tiếp tục sứ mệnh chứng nhân của những ngòi bút bất khuất.
   Dù Sài gòn bị thất thủ, nhưng thơ văn Sài gòn không thất thủ. Trước khi chấm dứt, cho phép tôi trích dẫn nhà thơ Ba lan Zbigniew Herbert: 

Nếu Đô Thành thất thủ nhưng có một người trốn thoát
Người ấy sẽ mang Đô Thành theo mình
Trên các nẻo đường lưu vong
Đô Thành chính là con người ấy!

HONNEUR AU POÈTE! Xin nhường lời cho nhà thơ Tô Thùy Yên .



YALE University, New Haven, April 26, 2017 & VIET-AIDS Center, Boston, April 28, 2017

Sunday, May 21, 2017

BILLY COLLINS poetry 180






Năm 2001, khi Billy Collins được chọn làm Nhà Thơ Đại Biểu (Poet Laureate), ông có sáng kiến lập ra Mạng Thi Ca POETRY 180, tuyển và giới thiệu một ngày một bài thơ cho học sinh trung học toàn quốc (niên học ở Mỹ là 180 ngày). 
Trong lời tựa thi tuyển POETRY 180 ông nhận định: "Trung học là trọng tâm của chương trình bởi lẽ rất thường đây là nơi giết chết thơ. " Giới thiếu niên vì ham sống gấp sống vội, không còn thời giờ đọc thơ mà họ chán ngấy dù các giáo chức cố mang hết tâm huyết ra giảng dạy môn học này. Theo kinh nghiệm của ông, số thi sĩ ở Mỹ hiện nay còn đông hơn độc giả đôi chút.
Billy Collins phát biểu một điều đáng lưu ý:  " Tôi tin chắc rằng đâu đó vẫn có bài thơ nằm chờ người không đọc thơ để nối lại mối liên hệ giữa thơ với giới này." Để tái lập thói quen đọc thơ trong công chúng Mỹ, ông kêu gọi sự hợp tác của các thi sĩ và giáo chức. Đồng thời ông chủ trương tuyển chọn những bài thơ không cầu kỳ rối rắm, đi thẳng vào tim óc người đọc.
Dù thi tuyển này nhằm đối tượng học sinh trung học, Billy Collins hy vọng nó sẽ tìm được nhiều người đọc bởi phẩm chất chung của ấn phẩm thi ca này.Người dịch sang Việt ngữ cũng đã chọn các bài sau đây theo tinh thần của nhà thơ chủ biên. Mong các độc giả Việt quan tâm đến thi ca Âu-Mỹ tìm được sự thích thú cũng như học hỏi được đôi điều về nghệ thuật ngôn từ đương đại.
                                                                                            CHÂN PHƯƠNG


CHỌN MỘT ĐỘC GIẢ         Ted Kooser

Trước tiên tôi mong nàng xinh đẹp,
và thận trọng bước trên thơ tôi
vào lúc buổi chiều hiu quạnh nhất
mái tóc mới gội còn ướt
nơi gáy nàng. Nàng sẽ mặc áo che mưa,
chiếc áo cũ bẩn vì không có tiền mang đi tiệm giặt.
Nàng sẽ gỡ cặp kính ra, ngay trong nhà sách,
lật qua các bài thơ tôi xong đặt sách lên kệ lại.
Nàng sẽ tự nhủ:  " Với số tiền này,  ta có thể
giặt sạch áo mưa." Và nàng sẽ đi tiệm giặt.


96  ĐƯỜNG VAN DAM   Gerald Stern

Tôi sẽ khuân giường vào phố New York đêm nay
với đủ bộ chăn đắp rách và vải trải nệm lòng thòng;
Tôi sẽ đẩy nó xuyên qua ba xa lộ tối tăm
hay dọc tuyến duyên hải dưới 600.000 vì sao yếu ớt.
Tôi muốn mang giường theo để khỏi van xin
đám bạn bè ươn hèn mệt mỏi một nơi tá túc.
Tôi muốn được tối đa kề cận chiếc gối nằm
phòng khi có giấc mơ hoặc ảo tưởng nào đó vụt qua.
Tôi muốn thiếp ngủ trên cầu thang thoát hỏa
và tỉnh giấc đói meo váng vất
vì tiếng xe rác nghiến phế liệu dưới đường
cùng mùi thơm cà phê đang nấu nơi cửa sổ tầng trên.

QUẢ CHUÔNG       Richard Jones

Cô độc trên tháp
quả chuông tựa một người trong phòng
nghĩ ngợi và nghĩ ngợi

Chuông làm bằng sắt
cần trọng lượng một người để khởi động nó

Xa xa dưới kia nó cảm thấy
hai bàn tay nắm sợi thừng
chuông trầm ngâm rồi ngẩng lên

Cách đó nhiều dặm
một người trong phòng mình
nghe tiếng ngân trong trẻo
lắng tai ngước đầu


NGƯỜI CHẾT   Susan Mitchell

Suốt đêm người chết ra bờ sông nhậu nhẹt.
Họ truất khỏi người các mối sợ sệt, 
lo âu về chúng ta. Họ lấy mớ ảnh cũ ra.
Họ vuốt mấy đường chỉ tay chúng ta rồi tiên đoán
tương lai, nứt gãy ố vàng.
Vài kẻ tìm thấy đường về nhà.
Họ leo lên gác xép.
Họ đọc thư từ họ từng gửi chúng ta, khao khát
tìm những dấu hiệu thương yêu của họ.
Họ kể chuyện cho nhau nghe.
Họ làm ồn đến nỗi
họ đánh thức chúng ta
như thuở ta còn thơ ấu khi họ không ngủ
và nhậu nhẹt thâu đêm dưới bếp



HÚT THUỐC           Elton Glaser

Tôi thích chất kim khí vô cảm, mát lạnh, nằng nặng trong lòng tay,
Và tiếng bật rít, tia lóe xì xèo thành ngọn lửa
Hung hăng, thịnh nộ, biếc xanh dưới gốc,
Triền mép vàng óng, châm khối thuốc lá nén, đầu điếu
Bật đỏ như đèn báo động, bừng sáng theo hơi thở.
Hít rồi nhả , và màu giấy trắng
Nay chuyển nhẹ qua tro trong khi ngụm khói nuốt vào nhả ra
Luồn qua vỏ ngoài ố đen của hai lá phổi,
Men nhựa cùng chất độc thẩm thấu sắc hồng, 
Và máu phân loại các thứ, mớ tĩnh mạch thắt bóp với trái tim đập chậm,
Hơi thuốc phì phà , chùm khói bay vào không khí
Như đàn ngựa lôi cỗ xe tang vựơt chặng chót thế kỷ,
Đây Luân Đôn, cuối tháng Chạp, sương khói âm u.


CÓ THỂ KHÁC ĐI    Jane Kenyon

Tôi ra khỏi giường
trên đôi chân khỏe chắc.
Điều này có thể
khác. Tôi ăn ngũ cốc,
sữa ngọt, trái mận chín
tuyệt hảo. Điều này
có thể khác.
Tôi dẫn chó leo đồi
vào rừng bạch dương.
Suốt buổi sáng tôi làm
những việc mình ưa thích.

Giờ Ngọ tôi nằm
với bạn tình. Điều này
có thể khác.
Chúng tôi ăn tối với nhau
trên cái bàn có cặp bạch lạp
chân đế bạc. Điều này
có thể khác.
Tôi ngủ trên chiếc giường
trong căn phòng có tranh treo
quanh tường, và tôi
trù định một ngày khác
y hệt hôm nay.
Nhưng một ngày kia,
sự việc sẽ khác đi,
tôi biết.


VỀ BƠI LỘI       Adam Jagajewski

Những dòng sông trên đất nước này êm ả
như bài du ca thuở trước,
vầng dương nặng trịch lang thang về hướng Tây
trên các toa tàu xiếc màu vàng. 
Mấy nhà thờ làng nhỏ
căng giữ mảnh lưới của im lặng mong manh
già nua đến nỗi thoáng hơi thở
có thể xé tan hoang.
Tôi thích lội giữa biển, nghe biển tự trò chuyện
với giọng đơn điệu của kẻ vô gia cư
chẳng còn nhớ chính xác
hắn đã bỏ nhà ra đi từ khi nào.
Bơi lội cũng tựa nguyện cầu:
hai bàn tay chắp lại rồi mở ra
chắp mở, chắp mở
gần như bất tận.



CHÂN PHƯƠNG tuyển dịch từ BILLY COLLINS  poetry 180 ;  N.Y. Random House, 2003.