Friday, August 15, 2014

Ngu Yên về SIMIC

Nháp 3: Charles Simic Làm Thơ


   Chuyện quan trọng đối với thi sĩ là làm thơ, không phải là bài thơ. Nhà phê bình có thể chú trọng đến văn bản. Người thưởng ngoạn có thể thích thú về tác phẩm. Người sáng tác đặt trọng tâm trong hành trình sáng tác.
Hành trình sáng tác chứa đựng cả đời sống của tác giả. Tất cả những kiến thức, kinh nghiệm, suy tư, luận lý; Đúng, sai, giá trị, tào lao; đều gắn bó suốt hành trình này và yếu tính nhất, chính là sự trưởng thành của sáng tạo dọc theo sáng tác và hiển hiện trong văn bản.
Sáng tạo tự thân có giá trị riêng trong mỗi bài thơ, mỗi tác phẩm và mỗi giai đoạn. Đã là sáng tạo tất nhiên sẽ bất ngờ, sẽ đặc thù hoặc sẽ độc đáo. Đã là sáng tạo, không sáng tạo nào giống sáng tạo nào. Nhưng sáng tạo khi mới bắt đầu trong hành trình sáng tác chưa có cá tính riêng của tác giả. Mãi có một lúc tự dưng sáng tạo xuất hiện trong cá tính của thi sĩ (nghệ sĩ). Sáng tạo đã trưởng thành.
Trưởng thành không có nghĩa là lớn hay nhỏ, giá trị hay không có giá trị, hay hơn dở hơn mà chỉ có nghĩa sáng tạo đã thuộc về một người.
Sáng tạo trước hết là của chung. Mỗi người sẽ tự tìm lấy theo khả năng. Không ai biết từ đâu, bao giờ, nó sẽ đến nhưng một nghệ sĩ quyết tâm sáng tác, sẽ chờ đợi. Làm và chờ. Một hôm nó đến. Nó đến quen đường sẽ đến nhiều lần dù không hẹn trước. Dần dà nghệ sĩ cảm nhận được sáng tạo đến như thế nào, bằng cách nào. Dễ dàng hoặc khó khăn. Ở lại lâu hay bỏ đi bất chợt. Không phải chỉ nghệ sĩ quen dần với sáng tạo mà chính sáng tạo cũng quen dần nghệ sĩ. Sáng tạo sẽ xuất hiện bên trong và nghệ sĩ thể hiện bằng cá tính. Nói phân ly cho dễ hiểu nhưng một khi sáng tạo và cá tính là một. Sáng tạo đã trưởng thành.
Charles Simic cũng không ngoại lệ. Mỗi người viết có một cách viết, một chỗ viết, một không gian, một thời gian riêng để đón sáng tạo. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác khi viết Mùa Biển Động, mỗi ngày lái xe ra một gốc cây, ngồi viết ở đó. Nhà thơ Nguyễn Bá Trạc làm thơ bất chợt bên lề du lịch, du hí của ông. Tôi làm thơ lúc lái xe. Viết vào cuối tuần. Trong bài viết My Secret (*), Charles cho biết ông thường sáng tác trên giường. Những văn sĩ, thi sĩ khác như Mark Twain, James Joyce, Marcel Proust, Truman Capote và nhiều nữa cũng cùng một thói quen.
Trong một bài thơ thuộc phái Siêu Thực, André Breton đã viết: Poetry is made in bed like love. Và câu thơ này đã đến với Charles lúc ông còn trẻ và giúp ông sáng tác trên giường, một cách thoải mái với gối mền loạn xị.
" Khi nhu cầu thôi thúc tôi muốn viết, Tôi sẽ phải nằm ngang trên giường…..Im lặng hay ồn áo không ảnh hưởng tới tôi" Khi còn ở Việt Nam, tôi có một cô bạn, tập làm nhà văn. Đã chọn một thế ngồi chò hỏ, ngồi hàng giờ để viết mà không biết tê chân. Tuy nằm ngang, nhưng nếu nằm ngang, nằm sấp lâu sẽ bị tức ngực, ông Charles làm thơ, ghi nốt trong tư thế này. " Nếu ở trong khách sạn, tôi sẽ dùng bảng ‘ Don’t Disturb, xin đừng làm phiền" treo trước cửa để người dọn phòng khỏi quấy rầy"…. và cũng nên tắt chuông điện thoại. Không có gì bực bội cho bằng tiếng chuông quái ác kia cứ réo lên. Làm những ý tứ đang rộn rã bị nghiêng ngã. Mong cho nó im mà nó cứ từng hồi léo nhéo. Đứng dậy đi tắt thì mất hứng mà cố giả ngơ thì lại nghe rõ vô cùng. Tôi không hiểu làm sao ông Charles lại cho rằng ồn ào không ảnh hưởng.
"Khi ngồi ở bàn viết, tôi không khỏi có cảm giác đang diễn tuồng. Trong bài thơ ngắn của James Tate, bạn có thể nói, tôi vừa là một con khỉ vừa là một ông bác sĩ điên điên đang làm cuộc thử nghiệm"…

TEACHING THE APE TO WRITE POEMS
They didn’t have much trouble
teaching the ape to write poems:
first they strapped him into the chair,
then tied the pencil around his hand
(the paper had already been nailed down).
Then Dr. Bluespire leaned over his shoulder
and whispered into his ear:
“You look like a god sitting there.
Why don’t you try writing something?”

Người ta không mấy khó khăn. Dạy cho con khỉ học làm bài thơ Trói ngồi lên ghế đợi chờ Cột vào tay khỉ ngẩn ngơ bút chì (Giấy bày trước mặt chờ ghi) Bác sĩ Bluespire thầm thì ngang tai “Mày ngồi đúng mực anh tài Sao không cố viết một vài điều chi?…”

Ông cho biết, có lẽ thói quen từ nhỏ. Khi không làm hết bài tập tại nhà, ông thường giả bệnh. Mẹ ông vội vã đi làm, ra đến cửa không quên la lên: "Vào giường nằm". Thế là ông leo lên giường cùng chăn nệm mộng mơ. Ông còn cho biết vào năm 1930, mẹ ông có ý định làm vợ của một nhà soạn nhạc người Xéc-bi. Ông nầy sáng tác trong bồn tắm. "Cái ý nghĩ ông có thể là cha ghẻ của tôi vừa làm tôi sờ sợ lại vừa làm tôi khoai khoái. Thử tưởng tượng tôi đang nằm trên giường làm thơ và ông đang nằm trong bồn tắm viết nhạc. Trong lúc mẹ tôi đang la gào, gọi một trong hai đứa tôi xuống, đi đổ rác"…
Thi sĩ là một người bình thường, có khi tầm thường, như mọi người thường thường khác. Không có gì ghê gớm như lời tâm sự của ông hàng xóm Mỹ của tôi. Ông nói, anh làm thơ. Vợ tôi cũng làm thơ nhưng tôi không chịu được khi đọc thơ của bà. Mỗi khi đọc thơ của bà trên các tạp chí thì tôi không thể không nhớ lại cảnh bà làm thơ trong nhà cầu. Có những khi bà ở trong đó hàng giờ không chịu ra… You’re…crazy.. Ông kết luận:

The Poet
Someone awake when others are sleeping,
Asleep when others are awake.
An illiterate who signs everything with an X.
A man about to be hanged cracking a joke.

Là thi sĩ là thức khi người ngủ Là ngủ khi người thức Là kẻ dốt chuyên ký tên chữ X Cổ sắp treo còn gàn kể chuyện cười.

The Poem
It is a piece of meat
Carried by a burglar
To distract a watchdog.

Bài thơ là thịt sống Đạo chích dùng ăn trộm Nhử chó đang giữ nhà
(Đọc thơ của Charles Simic)

(*) http://www.nybooks.com/blogs/nyrblog/2012/feb/10/my-secret/
Phần nháp 3 được viết từ thú vị khi đọc Charles Simic từ cái link do Da Màu gửi đến. Xin cảm ơn. Nếu có thời giờ, mời bạn lên link đọc cho vui.

Nốt:
Charles Simic ra đời tại Belgrade, Yugoslavia, ngày 9 tháng 5 năm 1938. Sau đó, đất nước này đã bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Sau Đức là chế độ cộng sản. Ông cùng gia đình đến Hoa Kỳ 1954. Năm 1961, ông nhập ngũ vì chế độ quân dịch. Giải ngũ ông theo học Đại Học New York về ngôn ngữ. Cho đến năm 1973, ông nhận công việc dạy học tại đại học New Hampshire.

Những tác phẩm đã xuất bản:

What the Grass Says, 1967
Somewhere Among Us a Stone is Taking Notes, 1969
Dismantling the Silence, 1971
White, 1972
Return to a Place Lit by a Glass of Milk, 1974
Charon’s Cosmology, 1977
School for Dark Thoughts, 1978
Classic Ballroom Dances, 1980
Austerities, 1982
Weather Forecast for Utopia & Vicinity: Poems 1967-1982, 1983
Unending Blues, 1986
The World Doesn’t End: Prose Poems, 1989
The Book of Gods and Devils, 1990
Hotel Insomnia, 1992
Dime-Store Alchemy, The Art of Joseph Cornell, 1993
A Wedding in Hell, 1994
Walking the Black Cat, 1996
Jackstraws, 1999
Night Picnic, 2001 A Fly in the Soup: Memoirs, 2002
The Voice at 3:00 A.M.: Selected Late and New Poems, 2003
Selected Poems, 1963-2003, 2004
My Noiseless Entourage, 2005
Aunt Lettuce, I want to Peek Under Your Skirt, 2005
Monkey Around, 2006
Sixty Poems, 2008
That Little Something, 2008
Monster Loves His Labyrinth, 2008



Nốt:  Hết Giờ

Trong ba chương đầu của Tạng Thư Sống Chết, ông Đạt Lai Lạt Ma nói về lúc hết giờ thật là thuyết phục. Người nào cũng biết chuyện hết giờ nhưng hình như họ nghĩ rằng giờ người khác sẽ hết. Còn của họ thì chưa.
Chết là chưa hết hay là dứt khoát hết? Những hiền triết, tôn sư, triết gia, kẻ nhiều người ít, thuyết phục một mớ nhân loại. Nhưng rốt ráo cũng chết. Sau khi chết không ai biết. Chẳng thấy ai cụ thể trở về loan báo. Chỉ có ma. Ai mà tin được ma.
Người giao dịch tài chánh quốc tế có suy nghĩ giản dị hơn. Giữa chết là hết và chết là còn, cái nào có nhiều rủi ro hơn? Quản trị rủi ro sẽ chọn chết là hết làm sự việc xảy ra tệ nhất. Nếu chết là còn, tức là còn cơ hội khác. Ai biết được cơ hội ấy như thế nào? Có chọn lựa ra sao? Chúa nói về đất trời. Phật nói về trời đất. Thượng đế nào, chung chung cũng phải có con người mới hiện hữu. Không có người, Thượng đế ra sao? Lạ: Phật không biết Chúa. Chúa cũng không biết Phật. Đọc kinh Phật, đọc Thánh kinh của Chúa, không thấy họ nhắc đến nhau.
Nếu chọn chết là hết làm cái tận cùng, thì đương nhiên cái sống là quan trọng. Chết lúc nào không biết, thì tự nhiên hôm nay có thể là ngày cuối. Giá trị của người là gì? Thật ra, có giá trị không?… Hoang tưởng là một trong thói tính lớn của người.
Và hoang tưởng lại là một phần yếu tính của thơ. Đó là vì sao thơ tồn tại.
Con phù du hết giờ thoáng chốc làm con muỗi tự hào sống lâu. Ba ngày sau, con cóc hãnh diện tồn tại lâu hơn muỗi. Năm, bảy mươi năm, con người tưởng mình ghê gớm. Trường thọ, bách niên…. Thần thánh sống một triệu năm, thấy thương xót. Hết giờ có giá trị ra sao, còn tùy.

Thời giờ rơi tàn phai Như ngọn nến tàn lụn Rừng rậm và núi cao Mang tháng ngày của nó Một kẻ sống đám đông Với hồn lửa bừng cháy Sẽ tắt liệm khi nào?
(Đọc The Moods của Wiiliam Butler Yeats)

NGU YÊN
nguồn: da mau. org 

No comments:

Post a Comment