Friday, August 8, 2014

SIMIC về THƠ






                                                                                                                       

        Nháp 2:           Nghe Kể Charles Simic Trò Chuyện

                                                                                                                   NGU YÊN


  Người đọc, nhất là người đọc Việt, chắc không có mấy thời giờ dành cho thắc mắc về thơ, về những người làm thơ. Nếu có, cũng không thấy mấy ai trả lời. Có một lần, một nhà thơ Việt hỏi tôi:

- Những điều mình viết đưa đến độc giả như những viên đá quăng ra và rơi vào im lặng. Không có tiếng vọng lại?

- Anh có chắc là anh quăng đá không? hay chỉ là những nắm giấy vo tròn?.. Không. Tôi chỉ hỏi cho hiểu rõ thêm. Nào có ngụ ý gì đâu….. Vì sao anh lại cần có sự hồi âm? Người đọc có mặt khắp nơi, lúc nào cũng có. Văn chương Việt mang lý tính thâm trầm. Quân tử ít khi khen nhau mà để dành lời chỉ trích tiểu nhân. Tiểu nhân vừa nhiều, vừa giỏi lại vừa giàu, vừa có đảng phái nên quân tử dần dần học ra điều đáng quí: Thủ khẩu như bình. Vì vậy được khen chưa chắc đã là điều đáng mừng.
Ví như Đức Khổng chuyên nói lời hay lời ngay mà vẫn không dẹp được tiểu nhân. Đến lúc gần chết, còn xin thêm mười năm nữa để học cho thông cái đạo đất trời. Giả như Đức Khổng được thêm mười năm như ý, tôi tin rằng tiểu nhân vẫn thắng thế. Vậy thì quăng giấy, quăng đá, quăng sắt không có gì khác nhau. Nói cho anh hay, nên cẩn thận vì nếu có độc giả quăng trả lại một tảng đá to, liệu anh bắt nổi không?

Tôi có ý muốn dùng lời của ông Charles Simic trả lời những câu hỏi về thơ, như những câu trả lời cho những thắc mắc chung và riêng của vài độc giả Việt. Không phải những gì ông nói cũng hạp ý tôi nên xin cho tôi bàn vào, góp vui. Vả lại, những gì tôi làm hôm nay cũng chỉ là nháp. Khi nào rảnh rỗi và khôn hơn, sẽ viết thật.

Trong tác phẩm The Uncertain Certainty và những bài phỏng vấn tìm thấy trong Paris Review, Boston Review và trên mạng, tôi xin được trích như sau:

Crazy Horse: Có một lần ông đã nói: "Thơ đã không còn là một vấn đề lựa chọn cho tôi". Ông có thể giải thích thêm về câu nói nầy?

Charles Simic: Khi nói điều này, trong trí tôi bị ám ảnh bởi tính tự nhiên của sinh hoạt về thơ. Bản tính của tôi là một người cực đoan. Hoặc là tất cả hoặc không có gì cả. Từ sự tham lam "Tôi muốn" qua nhiều năm tháng đã trở thành "Tôi không có sự chọn lựa". Thi Sĩ Hài Cú Nhật Bản Basho đã từng nói:"Thi sĩ không làm ra thơ. Những gì trong thi sĩ tự nhiên trở thành bài thơ". Khi đạt đến mức này, đôi khi rất kinh ngạc vì bạn đã cảm nhận những gì bạn đang làm rất là nghiêm chỉnh, cưu mang đời sống và định mệnh của bạn. Nói một cách khác bạn đã thấy rõ hoặc tỉnh táo hơn về con người của bạn và thơ ca.

  Làm thơ, theo người Việt đã từng có tranh luận về Thi sĩ nên viết mỗi ngày rồi tuyển chọn những bài thơ hay? Hoặc chỉ làm thơ khi nào có hứng, có thôi thúc? Câu trả lời của Charles cưu mang từ nhà thơ Ba Tiêu, một nhà thơ trầm tư rất nhiều về đạo và đời; một người đi rất nhiều khắp nước Nhật để thu thập những góc nhìn và cảm nhận qua kinh nghiệm sống. Thi sĩ có thể viết mỗi ngày nhưng không làm thơ mỗi ngày. Thi sĩ không đi tìm thơ mà thơ sẽ đến với thi sĩ. Nhưng phải có sự chuẩn bị liên tục và chờ đợi, mỗi khi thơ đến, ghi nhận sẽ thành bài thơ. Có điều quan yếu là, việc làm thơ có một quá trình mang đi suốt một đời. Mang sức sống và triết lý sống và kết quả của đời sống vào bài thơ khi thơ chợt xuất hiện.

Tôi cho rằng điều này chỉ đúng một phần. Qui tắc: hễ đã tìm, tất sẽ phải có. Câu hỏi sẽ là cái có đó có phải là cái ta tìm hay không? Một người đi tìm việc kỹ sư. Tìm mãi không có, Phải nhận tạm chân thư ký. / Một chàng đi tìm vợ đẹp, hay, tài giỏi như ước mơ. Tìm mãi không được. Bị năng lực tình ái thôi thúc. Lấy vợ./ Có người chẳng tìm gì cả, sống thể hiện tài năng và cá tính. Sống tử tế mỗi ngày. Một hôm có mỹ nhân tìm đến. Xong./ Còn anh chàng kia, cứ tiếp tục tìm việc. Môt hôm có việc kỹ sư. Anh ta xin nghỉ việc thư ký. /

Nói một cách khác, không thể thỏa mãn về gia tài thơ của mình đang có, cho dù gia tài này lớn lao ra sao. Nghệ thuật luôn luôn là hành trình thám hiểm. Một người thám hiểm chuyên nghiệp không thể mang nhiều hành lý. Hãy để cái đang có lại bên đường để có thể mang cái sắp có trên lưng.

Thơ tự dưng tìm đến ta từ những ý tứ đã cưu mang từ lâu. Thơ khơi động trong một hoàn cảnh nhưng đã mọc rễ từ những sự kiện và kinh nghiệm trong quá khứ. Có gì muốn nói, nếu quả thật điều đó đáng phải nói, tự dưng có ngày sẽ nói ra.

Nhà thơ suy tư về một điều muốn nói. Loay hoay mãi nói không ra hồn. Câu thơ tắt nghẽn. Quên thơ đi nhưng mang theo điều muốn nói. Mỗi ngày, đôi ngày, thử nói điều đó bằng nhiều cách khác nhau. Tự dưng một hôm nói ra "lốc cốc" suông sẽ và vừa ý. Mồi thơ là một việc nên làm. Vừa giữ được mình trong thế giới thơ, vừa đào sâu vào điều muốn nói và vừa luyện tập cho vô thức bốc lên những tứ thơ bất ngờ.

Trong một bài phỏng vấn khác về sau, tôi tìm thấy ông trả lời về quan điểm này, có phần như tôi đã trình bày bên trên.

Wayne Dodd và Stanley Plumly: Trở lại lúc ban đầu, ông không phải là nhà thơ sáng tác theo thời khóa biểu. Kế hoạch một số giờ hoặc định sẵn thời giờ để viết. Ông sáng tác ra sao? Ông có phải là loại người viết theo cảm hứng hay không?

Charles Simic: Tôi cố viết một ít mỗi ngày, cho dù chỉ vài phút. Đây là cách nhạy cảm với chữ nghĩa cần phải tiếp tục. Nói căn bản là có hai cách tôi làm thơ. Tôi có một đề tài nào đó hoặc tứ thơ nào đó cất giữ trong trí qua năm này tháng nọ. Thỉnh thoảng đem ra làm thử. Vì tôi là người thích viết, tôi ngồi xuống viết ra bài thơ theo bất cứ thể điệu nào. Kể cả thơ vần. Tôi làm như vậy khi tôi tự biết mình không đủ cảm xúc và vật liệu để làm thơ nghiêm chỉnh. Đây là cách tự giải trí, tự nghỉ ngơi. Giả ngộ như những câu thơ này không đáng kể.

Thỉnh thoảng, bỗng nhiên bốc lửa. Bạn sẽ thấy mình như đang lạc hướng, vào một nơi nào không biết. Một lần nữa, mọi thứ trở thành huyền bí. … Trong nhiều trường hợp bạn sẽ thấy mình đang lập lại những điều cũ kia nhưng cơn lốc mê man đã đưa bạn đến một góc cạnh khác. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy.

Crazy Horse: Tôi nhớ Robert Bly và một số thi sĩ khác đã tin tưởng mạnh mẽ vào tầm quan trọng của tình trạng cô đơn và im lặng cần thiết cho thi sĩ làm thơ. Tôi có cảm giác trong một số bài thơ của ông đã dùng dữ liệu cô đơn và im lặng, móc nối vào nhau để sáng tác. Ông có thể trình bày đôi lời về việc này không?

Charles Simic: Sự im lặng, sự cô đơn, còn có gì thiết yếu hơn cho nhân loại? "Sự lặng lẽ của mẹ", tôi thích gọi như vậy, trong đời sống của đứa bé trước khi biết nói. Từ đó, chúng ta bắt đầu nghe tiếng nói vô tri của con trẻ. Thơ là đứa con mồ côi của im lặng. Chữ nghĩa không bao giờ diễn đạt hết kinh nghiệm đã có trong chữ đó. Chúng ta luôn luôn bắt đầu, như người mới học, quay lui rồi quay lui rồi quay lui vào trạng thái ban sơ này. Việc quay lui sẽ tạo ra sự rối rắm phức tạp cần phải giải thích bằng những chữ tương đương. Dĩ nhiên, không thể dùng lý trí phán xét. Tôi chấp nhận sự bất lực của chữ nghĩa ____và đó là thơ.

Điều mà tất cả chúng ta đều biết, ở điều kiện này, nội dung và hình thể là một. Tiếng nói từ nỗi im lặng của mẹ càng sâu thẳm thì càng vang vọng. Trong vài trường hợp có người cho rằng nỗi im lặng là điều tiêu cực. Theo tôi, im lặng là năng lượng của tinh thần. Dĩ nhiên, ngược lại chúng ta biết không có nỗi im lặng tuyệt đối và không có người nào hoàn toàn cô đơn. Nhưng thú thật, tôi tin vào Thượng Đế.

Phải chăng vì Thượng Đế là nỗi im lặng lớn nhất, đầu tiên và sau cùng? Phải chăng Thượng Đế là nhân vật mãi mãi cô đơn tuyệt đối?

Cầm viết là cô đơn. Nếu không chịu nỗi sự cô đơn này, lập tức cây viết sẽ rơi xuống. Nhà thơ sẽ đứng dậy, bước đi và làm những chuyện khác. Cho dù thành công cũng không phải là thơ.

Khi thơ xuât hiện, nhà thơ chìm vào im lặng, cho dù xung quanh đang náo động, ồn ào đến cỡ nào. Chốn im lặng đó tuyệt nhiên chỉ còn nhà thơ và tiếng thơ đang vang lên. Sáng tác là hành trình lặng lẽ. Những nói năng, ngâm diễn, phê phán đều là chuyện về sau.

Crazy Horse: Đạt đến mức độ cao trong cuộc đời thi sĩ như thế này, ông có còn theo dõi và tin tưởng vào những lời khen chê của bằng hữu? Hoặc là thơ ông đã xa rời những lời phê phán mà tự mình đánh giá lấy cho mình?

Charles Simic: Tôi luôn luôn thích thú và tiếp tục thích thú lời phản hồi. Mỗi bài thơ là một cố gắng thông đạt. Như vậy, thật là tò mò để nghe người đọc cảm nhận ra sao. Đôi khi, tôi rất ngạc nhiên về những gì tôi cho là đơn giản lại trở thành khó hiểu với độc giả, hoặc ngược lại. Khi bài thơ đã hoàn tất, chỉ có thời gian mới phán xét đúng đắn. Bây giờ việc còn lại, như một người nghe lời khuyên xấu. Người này phải giữ lấy sự cứng đầu. Cái cứng đầu mà đã làm cho bạn trở thành thi sĩ.

Cứng đầu là sao?

Nếu bài thơ là một công trình ngầm lâu ngày rồi phát tác, tất bài thơ không thể hời hợt, mộng du mà là máu thời gian của thi sĩ. Nếu bị chê mà bỏ liền; Nếu được khen, vội vã làm giống như vậy thì nhà thơ này không có bản lãnh để xứng tên gọi Thi Sĩ. Cái cứng đầu này có từ thuở khi người ấy muốn trở thành thi sĩ thật. Hỏi thử bố, hỏi thử mẹ, hỏi thử những người ủng hộ mình hàng ngày, có hân hoan chờ bạn thành thi sĩ thật sự? Nếu bạn không cứng đầu, bất chấp cái bằng cấp làm tiền; Nếu bạn không cứng đầu rứt tình nuôi thơ, thơ đã chết lâu rồi.

Tôi đã từng viết về lời chê khen nhiều lần. Tôi không rõ hết sinh hoạt của các thi sĩ Hoa Kỳ ra sao. Tranh luận của họ mà tôi đọc được thông thường chủ yếu về văn học, văn chương. Cũng có những kẻ tranh luận hồ đồ. Lý luận thô thiển. Khi đuối sức lại chửi đổng rồi tiếp tục quấy phá như ông Jackson. (không để nguyên tên).

Ở đây tôi chỉ xin nhắc lại, người Việt cầm viết, có sáng tác thật sự hay không? Có tác phẩm hay không? đều vô cùng trân trọng tên: Thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ…..nói chung là danh vị nghệ sĩ. Xin hỏi các bạn có bao giờ chúng ta có sự công nhận chính thức nào về các danh hiệu này? Có bao giờ chúng ta thấy có ai là cựu thi sĩ, cựu nhạc sĩ, cựu họa sĩ……? Rất là lạ lùng ơn sủng của Thượng Đế đã cho người danh hiệu từ một hôm âm thầm, từ một hôm gửi bài đi đăng báo, đăng net, từ một hôm bạn gọi ta là… Từ đó trở đi, chỉ còn một danh hiệu, cấp bực cao hơn, đó là cố thi sĩ, cố nhạc sĩ, cố văn sĩ, cố….. nghệ sĩ. Chắc các bạn đang nghĩ tôi nhạo báng các bạn phải không? Không đâu, tôi chính là một thi sĩ loại này. Tôi biết rõ và thường xuyên xấu hổ khi đối diện với thi sĩ cổ nhân và với thi ca thế giới.

Phê phán và sáng tác đều phải động não như nhau. Phê phán sai, phê phán không có căn cứ, không bằng chứng sẽ bị người đọc cười ruồi hoặc sẽ không đọc nữa. Phê phán đúng, phê phán hay, phải động não. Có khi phải sáng tạo. Như vậy, phê phán nhiều, sử dụng năng lực nhiều tất sáng tác sẽ yếu đi. Dĩ nhiên thời giờ dành cho phê phán nhiều sẽ mất đi thời giờ sáng tác. Nếu bạn không phải là nhà phê bình, hãy tự hỏi mình, vì sao ta thích làm việc phê phán mà không thích sáng tác?

Có anh bạn hỏi tôi rằng: Thơ cũng để chơi thôi. Làm gì dữ vậy. Xem nào, ông thi sĩ này, đoạt giải Nobel thơ ca; ông thi sĩ kia được ca tụng là thi vương; còn ông nữa làm thơ mà được xưng thánh; rồi sao? Chết là hết. Dù có để lại da để lại tên cũng không mấy ai lưu tâm.

- Nói hết sức là đúng.

Nhưng mỗi người đều cần phải có một trò chơi trong khi chờ chết, trong khi chờ Godot. (Samuel Beckett). Khác nhau chăng là chơi trò gì và cách chơi ra sao. Chơi tốt, người ta ưu ái. Chơi xấu, người ta khinh bỉ. Thắng được trò chơi chưa chắc đã thắng được mình. Thắng được mình chưa chắc sẽ thắng cái bí mật đang chờ ở cuối đường. Đàng nào cũng sẽ hết giờ. Chơi cho thanh lịch mới là chơi. (Xem bài đọc thêm: Hết Giờ, ở cuối).

Wayne Dodd và Stanley Plumly: Rồi, ông là thi sĩ Hoa kỳ và trong thơ của ông nặng giọng thơ Hoa Kỳ. Ông có cảm thấy bị ảnh hưởng chút nào bởi giọng thơ Yugoslavia? Hơn thế nữa có thể là màu sắc của thơ mà ông vừa nói đến?

Charles Simic: Điều này có lẽ là ảnh hưởng của ngôn ngữ hơn là thi ca. Gần đây tôi mới đọc thi ca của Yugoslavia. Đây là ngôn ngữ đầu đời của tôi. Đã bị dang dở vì sự thay đổi. Nói một cách khác, khi tôi còn là một nhà thơ trẻ, tôi đã từng buồn bã vì không viết đượcbài thơ đúng phong cách bằng tiếng Anh. Nhưng khi tiếng Yugoslavia xảy đến trong tôi, tôi cũng không viết được bài thơ vì không đủ từ ngữ. Nhưng tiếng mẹ đẻ này vẫn tồn tại như một âm điệu riêng. Để xác định, tôi nghĩ rằng đây là một yếu tố diễn ra liên tục trong tôi. Cuối cùng rồi tôi cũng đọc được một số thơ Yugoslavia. Tôi cảm thấy những thi sĩ nầy đã làm tôi rung động hơn là những thi sĩ Đức hoặc Pháp.

  Ông đã trả lời được một phần nào cho những nhà thơ trẻ người Việt ở hải ngoại. Không kể những nhà thơ bản lãnh, có khả năng Anh ngữ giỏi và sáng tác bằng tiếng Anh. Câu trả lời sẽ giúp cho những người mới làm thơ còn vướng bận sự khác biệt của ngôn ngữ. Tiếng mẹ đẻ và tiếng mẹ nuôi. Chales đến Hoa Kỳ năm 16 tuổi. Ông ra trường đại học New York với văn bằng ngôn ngữ học. Và dạy học tại đại học New Hampshire. Với quá trình này, chúng ta thấy được quyết tâm làm người sáng tác của ông. Và ông sáng tác bằng Anh ngữ ngay từ đầu.

Lại hiểu thêm một phần nào cho những nhà thơ giỏi tiếng Việt nhưng lại ước mơ làm thơ bằng tiếng Mỹ. Có phải vì làm thơ bằng tiếng Mỹ thì hay hơn làm thơ bằng tiếng Việt? Có phải vì làm thơ tiếng Mỹ thì dễ gửi đăng báo, tạp chí Mỹ? Có phải vì làm thơ tiếng Mỹ thì sẽ dễ được nhận giải thưởng văn chương? Và sau cùng, có phải làm được thơ tiếng Mỹ thì các thi sĩ khác còn loay hoay với tiếng Việt sẽ lé mắt?

Có lắm thi sĩ thế giới làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ mà được thế giới biết tới. Họ còn lãnh giải văn chương Nobel bằng tác phẩm viết tiếng địa phương. Vậy thì không phải do ngôn ngữ mà do tác phẩm có giá trị hay không? Toàn bộ tác phẩm của bạn có giá trị văn chương hay không? Hễ có giá trị đủ, sẽ có người dịch ra tiếng quốc tế. Không có giá trị dù có nhờ vả, dù có trả tiền, dù có mượn sức của chính trị …… để được dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Pháp hoặc năm ba thứ tiếng thế giới….. cũng chỉ lòe nhau chút đỉnh, vui thôi.

Thử tự hỏi mình vì sao lại cần in một cuốn thơ song ngữ? mà phần dịch thì xa vời với phần tiếng mẹ đẻ? Làm thơ thì không cần phải hỏi ai. Mỗi người tự biết mình dùng ngôn ngữ nào giỏi. Ngôn ngữ nào cũng được. Miển là nó có thể cưu mang thơ, diễn đạt thơ và làm cho tác giả tự hào. Cái phẩm chất của thơ nó tới từ phẩm chất của người làm thơ. Nếu người không thể xem thơ mình có phẩm chất, tính cả nội dung và hình thể, thì người đọc cũng sẽ nhìn ra chỗ kém phẩm chất này.

- Tôi vừa gửi tặng ông tập thơ song ngữ thì ông lại chọc ghẹo tôi, phải không?

- Không phải một mình ông có thơ song ngữ. Nhiều lắm. Tôi cũng có, học giả Huỳnh Sanh Thông và vài ông bạn học cao dịch mươi bài thơ của tôi. Thỉnh thoảng tôi cũng mang khoe anh bạn Mỹ hàng xóm. Anh này vừa uống bia, vừa gật gù:…. You’re poet… hum…hum… My wife’s poet too…(Đầu ông lúc lắt gục gặt) …. You’re crazy… Ông này làm tôi thức tỉnh. Không dám in.

Rod Steier: Việc dịch thơ có làm cho ông mở rộng sự nhận thức về thi ca không?

Charles Simic: Tôi nghĩ những gì bạn học hỏi được từ dịch thuật là cách đi vào một bài thơ mà bạn không thể nào tự mình vào được. Bạn thật sự phải tháo gỡ bài thơ ra từng phần rồi mới ráp nó lại. Đây là một việc làm tinh tế, hết sức tỉ mỉ. Tuy nhiên, không phải là tháo gỡ cụ thể trên bài thơ mà chỉ là những linh cảm, những nghĩa bóng, những hiện tượng, những ẩn dụ, đại khái như vậy chứ còn nhiều nữa….

Rod Steier: Ông có nghĩ rằng dịch thuật làm cho tầm nhìn của ông rộng lớn hơn không?

Charles Simic: Ồ, đương nhiên. Tôi nghĩ rằng tôi đã học hỏi rất nhiều. Đúng là như thế này……Rất khó cho tôi kể hết những gì tôi đã học được… nào là kỹ thuật, nào là chú trọng về chi tiết… nào là đi vào trí óc của người lạ để đưa ra một cái nhìn khác….

Student trường Interlochen: Ông đã dịch nhiều tác phẩm của các thi sĩ Pháp, Nga và Yugoslavian. Ông dịch như thế nào?

Charles Simic: Tùy vào nguyên bản. Phải là một bài thơ nguyên bản mà mình yêu thích. Phải là một bài thơ hết sức thành công theo cảm nhận của bạn và bạn cảm thấy thôi thúc chuyển sang tiếng Anh để thấy bài thơ đó như thế nào.

Khởi đầu, tôi sẽ đọc sơ qua một lần. Không cần phải quan tâm nhiều nếu gặp phải những ngữ vựng mà tôi không biết hoặc không rõ nghĩa. Tôi muốn có một sự phản hồi ngay lập tức bởi vì rất quan trọng trong việc dịch thuật là phải nắm bắt ngay cái không khí, không gian, phong thái, giọng điệu, những nét chính yếu của bài thơ nguyên bản. Như một họa sĩ vẽ phác họa trước rồi mới tô điểm chi tiết sau. Dĩ nhiên bạn có thể vấp phải những trở ngại lớn sau lúc cảm nhận lần sơ khởi. Có thể có những phần không cách nào xử lý hoặc diễn tả.

Hoặc khi đọc kỹ bài thơ, bạn nhận ra bài thơ có nhiều tầng lớp mà bạn chỉ thấy bề mặt trước đây. Cũng có thể có những sự việc khác mà bạn muốn đưa vào..v..v.. Để hoàn tất việc dịch một bài thơ có thể sẽ mất rất nhiều thời giờ.

  Việc đọc thơ ngoại quốc là một việc khó khăn cho đa số người Việt, kể cả tôi. Đọc được nguyên bản lại càng khó hơn. Đa số chúng ta chỉ đọc được bản dịch qua tiếng Anh. Lắm khi đọc bằng tiếng Anh cũng không thông. Nhiều cách dùng chữ và viết câu trong thơ rất lạ lùng, mới mẻ và có ý nghĩa khác thường. Biết làm sao hơn? Người ta có súng thì bắn đạn, có cung thì bắn tên. Mình chỉ có cây nhọn thì chọt chớ sao. Nói cho vui. Trong chúng ta thiếu gì người tài giỏi sinh ngữ, mong các bạn quan tâm đến việc mang văn chương ngoại quốc vào tiếng Việt.

Mark Ford: Tôi được biết là ông đã xóa bỏ hết tất cả những bài thơ thời trẻ mà ông chưa in phải không?

Charles Simic: Chuyện này xảy ra khi tôi còn ở trong quân đội. 1961, tôi nhập ngũ theo chế độ quân dịch. Và đồn trú ở Pháp. Khoảng một năm sau, Tôi nhờ em trai tôi gửi cho tôi những bài thơ cũ. Khi nhận được một hộp giày chứa đầy bài thơ, tôi đọc lại. Những bài thơ gây cho tôi cảm giác là một tên lừa đảo . Những bài thơ thiếu sáng tạo, dở quá và đầy sai lầm. Tôi chưa bao giờ cảm thấy xấu hổ như vậy trong đời. Tôi chạy ra khỏi trại lính trong đêm, xé tan những bài thơ này rồi quăng chúng nó vào thùng rác với cảm giác đã đời.

Mark Ford: Theo ông, một nhà thơ nên tìm học sách vở gì?

Charles Simic: Không có tài liệu, sách vở gì để học thơ cho đúng. Bốn năm dập vùi với những bài thơ hoặc một cuốn sách triết học loại bỏ túi là đủ dùng như những chương trình đại học.

J.M. Spalding: Ông có đưa thơ của ông cho ai xem trước khi ông gửi đến tòa soạn của các tạp chí không?

Charles Simic: Tôi thường đưa cho thi sĩ Wallace Stevens và Emily Dickinson. Nếu tôi bắt gặp nét mặt khó coi của họ, tôi sẽ vội mang bài thơ về nhà, trùm mền viết lại.

J.M. Spalding: Điều gì khó khăn nhất để ông sáng tác?

Charles Simic: Tất cả đều khó. Có nhiều bài thơ rất ngắn và đơn giản vậy mà tôi phải mất nhiều năm mới vừa ý. Nhưng rồi tôi vẫn tiếp tục sửa cho dù đã in thành sách. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ còn tiếp tục việc này trong quan tài khi người ta bỏ xuống đất.

Crazy Horse: Thử tưởng tượng bây giờ ông đã 70 tuổi (lúc tôi viết bài này, ông đã gần 74 tuổi). Ông đang trên đường từ giã cuộc đời. Một nhà thơ trẻ, tuổi hai mươi, đang ngồi bên giường và xin ông một lời khuyên về sáng tác. Trong hơi thở cuối cùng, ông sẽ nói gì?

Charles Simic: Hãy sống và tự tìm hiểu bạn là ai.






No comments:

Post a Comment