Trên trang Da Màu qua bản dịch của Lê Đình Nhất Lang , tôi đã đọc lại mấy trang viết về chuyện bếp núc của nghề thơ (The Poetry Home Repair Manual) được
Ted Kooser thuyết trình với phong thái từ tốn thân tình của một ngòi bút
lịch nghiệm cùng những bạn đọc có quan tâm đến thi ca hoặc đang nuôi mộng trở
thành thi sĩ. Đọc Ted khiến tôi nhớ đến Rilke, thi hào đã từng viết “Những bức
thư gửi một nhà thơ trẻ”, và không tránh khỏi có ý nghĩ so sánh hai lối truyền
dạy kinh nghiệm. A/ Một đằng chịu ảnh hưởng từ các phong trào lãng mạn-tượng
trưng Đức-Pháp nên dùng thuật đàm đạo tâm truyền chú trọng về phần tâm lý chiều
sâu của chủ thể sáng tạo (Rilke); B/ Một đằng mang tính thực dụng Hoa Kỳ, phân
tích rạch ròi kinh nghiệm với quá trình sáng tác một bài thơ với những mẹo
(tips) cụ thể mà bất cứ ai cũng áp dụng được (Kooser).
“Thời gian và lòng kiên nhẫn biến lá dâu thành lụa”, ngạn ngữ được TK đề dẫn là một bí quyết của hoạt động nghệ thuật, ngày nay có vẻ lâm nguy trước xu hướng sáng tác cấp thời gõ phím bấm chuột “mì ăn liền”… Thi hào La mã cổ đại là Horace từng có lời khuyên: “Nên cất bản thảo trong tủ tám, chín năm trước khi trình làng.”, cũng như Giả Đảo đã thở than: “Nhị cú tam niên đắc”! Chỉ xem những trang internet của giới làm thơ trẻ VN ngày nay là giới độc giả có ý thức văn hóa có thể tìm ra nhiều bằng chứng không lạc quan lắm về chứng lên sốt ngôn từ (verbal fever) trong không gian ảo.
Ted Kooser phán một câu (mà đây cũng là kinh nghiệm đã được đúc kết từ bao nhiêu đời thi sĩ thi nhân trên trái đất này): MỘT NHÀ THƠ LÀM MỘT BÀI THƠ THẬT HAY TRONG SUỐT CUỘC ĐỜI ĐỂ LẠI CHO ĐỜI NHIỀU HƠN NHIỀU SO VỚI MỘT NHÀ THƠ XUẤT BẢN HAI MƯƠI CUỐN THƠ XOÀNG! Không cần học đến đại học hay ôm bằng thạc sĩ tiến sĩ, trong giới công chúng thông minh ai cũng có thể nhận ra sự khác biệt căn bản giữa CHẤT và LƯỢNG, cái chuẩn mực phổ thông hàng đầu trong thế giới văn nghệ, đồng thời cũng là ý thức văn hóa then chốt trong thời buổi mà sự thương phẩm hóa thẳng tay mọi giá trị sang hèn trong thị trường chữ nghĩa đã khuyến khích lắm trò lừa bịp ngôn từ vào phút hoàng hôn “hậu hiện đại” xám xịt…
Cảm ơn bạn Nhất Lang đã dịch, và dịch như một nghệ nhân của tiếng Việt, nhiều trang giá trị từ cuốn cẩm nang của Ted Kooser, cẩm nang mà những ai thạo tiếng Anh nên đọc đi đọc lại nguyên tác để có thể “biết người biết ta” trong cõi phê bình nhận định văn chương.
CHÂN PHƯƠNG
“Thời gian và lòng kiên nhẫn biến lá dâu thành lụa”, ngạn ngữ được TK đề dẫn là một bí quyết của hoạt động nghệ thuật, ngày nay có vẻ lâm nguy trước xu hướng sáng tác cấp thời gõ phím bấm chuột “mì ăn liền”… Thi hào La mã cổ đại là Horace từng có lời khuyên: “Nên cất bản thảo trong tủ tám, chín năm trước khi trình làng.”, cũng như Giả Đảo đã thở than: “Nhị cú tam niên đắc”! Chỉ xem những trang internet của giới làm thơ trẻ VN ngày nay là giới độc giả có ý thức văn hóa có thể tìm ra nhiều bằng chứng không lạc quan lắm về chứng lên sốt ngôn từ (verbal fever) trong không gian ảo.
Ted Kooser phán một câu (mà đây cũng là kinh nghiệm đã được đúc kết từ bao nhiêu đời thi sĩ thi nhân trên trái đất này): MỘT NHÀ THƠ LÀM MỘT BÀI THƠ THẬT HAY TRONG SUỐT CUỘC ĐỜI ĐỂ LẠI CHO ĐỜI NHIỀU HƠN NHIỀU SO VỚI MỘT NHÀ THƠ XUẤT BẢN HAI MƯƠI CUỐN THƠ XOÀNG! Không cần học đến đại học hay ôm bằng thạc sĩ tiến sĩ, trong giới công chúng thông minh ai cũng có thể nhận ra sự khác biệt căn bản giữa CHẤT và LƯỢNG, cái chuẩn mực phổ thông hàng đầu trong thế giới văn nghệ, đồng thời cũng là ý thức văn hóa then chốt trong thời buổi mà sự thương phẩm hóa thẳng tay mọi giá trị sang hèn trong thị trường chữ nghĩa đã khuyến khích lắm trò lừa bịp ngôn từ vào phút hoàng hôn “hậu hiện đại” xám xịt…
Cảm ơn bạn Nhất Lang đã dịch, và dịch như một nghệ nhân của tiếng Việt, nhiều trang giá trị từ cuốn cẩm nang của Ted Kooser, cẩm nang mà những ai thạo tiếng Anh nên đọc đi đọc lại nguyên tác để có thể “biết người biết ta” trong cõi phê bình nhận định văn chương.
CHÂN PHƯƠNG
CHỜ BÀI THƠ NGUỘI
Thời gian và lòng kiên nhẫn biến lá
dâu thành lụa.
ngạn ngữ Serbia Bạn vừa viết xong một bài thơ. Bước đầu tiên trong việc tìm ra những sai sót của nó là một bước đơn giản. Đặt nó qua một bên và để nó nguội một thời gian, càng lâu càng tốt. Giở nó ra coi sau hai mươi bốn giờ nếu bạn thấy cần phải như vậy, mầy mò với nó một lúc. Dòng nào có nhịp kỳ quặc? Chỗ nào có thể đưa vào chi tiết cụ thể hơn? Vân vân. Rồi lại đặt nó qua một bên lâu tới mức nào bạn còn chịu đựng nổi. Giống như một cái đĩa đựng mẫu vi khuẩn, bạn để yên một bài thơ càng lâu, càng có nhiều nấm mốc hiện lên. Như Edward Weeks viết, “Khi ý tưởng bắt đầu chạy êm ru, chúng có thể cùng chúng ta chạy thoát hết sức dễ dàng, bỏ lại phía sau những trang giấy mà trong một trạng thái lạnh lùng hơn có vẻ đầy những cuồng vọng.” Cuồng vọng, chắc chắn, nhưng thuần xuẩn ngốc, cũng có.
Nếu có thể, bạn hãy bỏ mặc bài thơ một chỗ cho tới khi nào nó bắt đầu giống như do một người nào khác viết ra. Khi đó bạn có thể trông thấy bộ dạng thật của nó, một tạo vật độc lập với bạn, tự xoay sở lấy. Một bài thơ phải được trang bị đầy đủ để sống vững trong một thế giới hầu như dửng dưng. Bạn không thể kè kè bên nó, như cha mẹ, nói giùm nó những lời giải thích, với một người đọc hiểu lầm, “Đúng, nhưng đây mới là điều tôi muốn nói!” Một bài thơ phải làm toàn bộ công việc giải thích của mình.
Vội vàng làm gì? Sự thật là, không ai chờ bạn giúi bài thơ vào tay họ. Không ai biết bạn đang viết ra nó, không ai đói nó, không ai thèm nó muốn chết. Không có một linh hồn đang sống nào có những trông đợi to lớn về sự thành công của bài thơ của bạn hơn là bạn. Dĩ nhiên, bạn muốn nó tuyệt vời—thiên tài, toàn mỹ, rung động, đáng nhớ—và tình cờ đó lại chính là điều mà người đọc muốn đọc. Vì vậy hãy để thời gian cho bạn thấy một số sai sót của bạn, trước khi bạn đưa bài thơ cho người khác xem, rồi sẽ phải ngượng ngùng vì một vấn đề, hay hai hay ba vấn đề, mà bạn không thể nhìn thấy trong niềm phấn khích khi mới viết ra.
Và đừng ngừng viết trong khi bạn đang chờ một bài thơ chín tới. Hầu hết chúng ta đều bị cám dỗ phải chờ được công nhận trước khi tiếp tục. Ta muốn mẹ ta khen chiếc bánh kem của ta ngon, trước khi ta làm chiếc bánh khác. Nhưng nếu bạn muốn viết hay hơn, bạn phải viết nhiều. Bạn phải lao tới. Isak Dinesen nói, “Viết từng chút mỗi ngày, không hy vọng, không tuyệt vọng.” Khi bạn hoàn thành một bản nháp, hay mắc kẹt, đặt nó vào một chỗ khuất trong hộc bàn. Sau chừng một tháng, bạn có thể lôi bài thơ đó ra lại cùng với những bài thơ khác và xem qua một lượt, bắt đầu bằng bài cũ nhất. Bạn sẽ kinh ngạc vì thời gian trôi qua đã giúp bạn nghĩ ra những giải pháp cho các vấn đề mà bạn gặp phải trong những bản nháp đầu đó. Bạn cũng sẽ ngạc nhiên vì mức độ lủng củng của một số bài khi đọc lên.
Đừng lo là quá trình xem lại có vẻ chậm. Các dụng cụ của người viết đã được phát triển từ xưa—giấy, bút, và mực; một con mắt chăm chú; một trái tim mở rộng—và tác phẩm tốt vẫn là tác phẩm làm bằng tay một cách cần mẫn với những dụng cụ đó. Một nhà thơ làm một bài thơ thật hay trong suốt cuộc đời để lại cho đời nhiều hơn nhiều so với một nhà thơ xuất bản hai mươi cuốn thơ xoàng. Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ không vươn tới ngành tác văn cho tới mãi gần đây, và ngày nay từng đám mây đen bồ hóng phun ra từ những cột khói bên trên những trường dạy tác văn. Thơ được sản xuất và chất đống trên các sàn bốc dỡ của nhà kho nơi chúng phần nhiều bị mục nát vì thiếu phương tiện chuyên chở. Có phải là tình cảnh của chúng ta sẽ đỡ hơn nếu không chú trọng vào năng suất đến thế?
Có lần tại một buổi tiệc, tôi nghe một bà nói rằng quả là “có tội” khi Harper Lee chỉ viết mỗi một cuốn tiểu thuyết, To Kill a Mockingbird. Kỳ lạ thay cái cách chúng ta nuôi lớn những trông đợi dành cho các nhà văn! “Có tội?” Chúng ta phải cám ơn Lee đã dùng thời gian của mình để viết cuốn sách tới mức toàn hảo nhất mà bà có thể, rằng bà đã không vội vã đưa một đống sách còn dang dở tới nhà in.
Thế thì hãy thoải mái. Bạn có thừa thời giờ để làm tốt việc viết của mình và, nếu may mắn, làm được một hay hai bài thơ nổi bật.
Học từ văn xuôi
Đây là một việc khác bạn có thể thử trong khi chờ bài thơ của mình đủ tuổi. Bởi vì người đọc cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều với văn xuôi, cho nên thỉnh thoảng viết lại bài thơ của mình thành văn xuôi cũng có ích. Không cần hủy bỏ bản đầu tiên của bài thơ, mà hãy viết một bản khác bằng văn xuôi, chạy từ lề này sang lề nọ. Đừng thay đổi gì hết, chỉ bỏ hết những chỗ xuống dòng. Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên về mức độ vụng về của các từ ngữ của mình khi bạn trông thấy chúng bằng văn xuôi. Có phải một số câu của bạn trông như đứng ngược đầu? Có chỗ nào kỳ quặc như “Hãy ném Mẹ khỏi xe lửa một nụ hôn”?
Một số nhà thơ còn bắt đầu bằng văn xuôi. Tôi biết có một ông thầy bắt học trò lớp làm thơ của ông soạn những đoản văn rồi biến chúng thành những bài thơ. Ông nhận thấy đối với những người viết mới, việc này làm cho quá trình làm thơ bớt đe dọa. Học trò ông đi từ văn xuôi, thoải mái hơn, ra tới thơ, một vùng đất mới khiến họ lúng túng. Mặc dù tôi không nghiên cứu kết quả của ông thầy này, tôi đoán những bài thơ ra lò từ quá trình này sáng sủa và dễ hiểu hơn là những bài thơ được sáng tác không qua bước này. Kỹ thuật này xét tới việc làm thơ như một quá trình, việc phát triển một hứng khởi thành một tác phẩm hoàn tất.
Dĩ nhiên, có những bất lợi khi đi từ thơ sang văn xuôi rồi trở về lại. Ta biết rằng ta không thể làm ra một bài thơ chỉ bằng cách cắt một bài văn xuôi thành từng đoạn và đặt nó rải rác xuống trang giấy. Nó sẽ không cho cảm giác thơ. Nó sẽ cho cảm giác hơi quá lỏng lẻo, quá loãng. Các năng lực của văn xuôi nói chung không được kiểm soát chặt chẽ như các năng lực của thơ. Những bài thơ sử dụng nhiều công cụ khác nhau như xuống dòng và nhịp để gia tăng các tác động. Thỉnh thoảng một bài thơ có vẻ như nóng lên với năng lượng chỉ vì nó được kiềm chế bởi hình thức của nó. Một con ngựa có thể đẹp khi phi nước đại, nhưng một con ngựa trông có vẻ còn mạnh mẽ hơn khi nó được thắng yên cương, lồng lộn, phì phò và tung vó lên không.
Trích chương 12 (“Chapter 12: Relax and Wait”) trong cuốn sách của Ted Kooser, The Poetry Home Repair Manual (Cẩm nang hướng dẫn sửa chữa thơ tại nhà) (University of Nebraska Press, 2005); tựa của bản dịch tiếng Việt do người dịch đặt.
No comments:
Post a Comment