NGHIỆP
THƠ
Chân
Phương
Có lần Tố
Hữu hỏi Nicolas Guillén về thiên chức của thi sĩ. Nhà thơ danh tiếng đất Cuba
đáp gọn : Trước hết đừng làm thơ dở.
Từ thời La mã thi hào Horace cũng
nói tương tự. Vérité de la Palice. Người làm thơ nào mà chẳng biết điều
này. Nhưng tránh được hay không là chuyện khác.
Các tòa soạn hình như lúc nào cũng bị thơ dở tràn ngập. Hugh Kenner thời làm
biên tập thơ cho một tạp chí lớn bán khắp nước Mỹ thường xuyên phải ném bỏ chín
mươi chín phần trăm bản thảo nhận được. Thời gian biên soạn tuyển tập thơ tiếng
Pháp được in ra trên thế giới trong vòng ba mươi năm (1950-80) Alain Bosquet đã
vứt sọt rác 18.000 ấn phẩm thơ tồi.
Có lẽ so với số lượng truyện ngắn tiểu thuyết thất bại, các bài thơ dở vẫn vượt
xa. Tại sao vậy ? Xét hình thức bề ngoài, một bài thơ đôi lúc chỉ cần dăm
ba câu ngắn. Điều này dễ tạo thành ấn tượng rằng thi ca là một thể loại tài tử,
một món ăn chơi cho đám sính thơ…Đó là một sai lầm nghiêm trọng.
Ezra Pound có lời khuyên : Chưa ba mươi tuổi đừng làm thơ. Sự từng
trải với kinh nghiệm và vốn sống vô cùng quan trọng. Tuổi đời sẽ dạy chúng ta
những điều không trường, sách nào có thể chỉ ra. Nhà thơ Ấn độ thời trung cổ
Rajasekhara căn dặn : Thi nhân phải tu thân trước tiên. Khi Chế Lan
Viên hỏi xin Nazim Hikmet lời khuyên về nghề thơ, thi sĩ nước Thổ nhĩ kỳ cười
đáp : Trong cái nghề cực kỳ khó khăn của chúng ta, cuộc sống với số
phận là thầy.
…những câu thơ không đơn giản là
cảm xúc như người ta thường nghĩ, chúng là kinh nghiệm. Để viết được một bài
thơ, thi sĩ phải viếng thăm nhiều thành phố, con người và sự vật ; phải
biết rành muông thú và những mùa chim, và các cử động của từng đóa hoa nở chào
buổi sáng. Nhà thơ phải biết cách quay về các nẻo đường băng qua những vùng xa
lạ, các cuộc gặp gỡ bất ngờ, những biệt ly được tiên tri từ trước ; …Phải
có kỷ niệm của nhiều đêm ân ái, không lần nào giống lần nào, phải từng nghe các
sản phụ gào la (…). Nhưng còn phải canh chừng người hấp hối, phải từng ngồi
cạnh người chết trong một gian phòng cửa sổ mở toang cùng tiếng nức nở vang lên
từng chập. Mà như thế vẫn chưa đủ, nếu mới chỉ có kỷ niệm. Phải biết quên hết
kỷ niệm và nhẫn nại bền bỉ chờ ngày chúng trở lại. Bởi lẽ kỷ niệm tự chúng
không là gì cả. Cho đến khi chúng biến thành máu huyết của chúng ta (…).
Rainer
Maria Rilke ( Tập chép của M.L. Briggs)
Bởi thế
các thi phẩm con so thường non kém. Rilke hủy xé tập thơ đầu đời; Neruda thú
nhận mình vay mượn giọng Sabat Ercasty trong mấy bài thơ trai trẻ một cách
không ý thức; Borges hối hận chưa nắm vững thơ tự do mà đã dám sáng tác thi
phẩm thứ nhất của ông theo thể loại này; William Carlos Williams bắt chước
tiếng thơ John Keats; Yeats, Lawrence, Paz thì liên tục hiệu đính những bài
những câu bất cập mỗi lần tái bản về sau. Horace có lý khi ông khuyên chúng ta
nên cất bản thảo trong hộc tủ chín năm rồi hãy trình làng, bài thơ chưa ra
mắt thế gian thi sĩ có thể xé bỏ, nhưng một chữ khi đã lọt ra thì không cách
nào thu hồi được nữa.
Theo lời Âu Dương Tu, Châu Phác làm thơ như nấu quặng luyện kim, lao tâm khổ tứ
từ tháng này qua mùa khác, thơ chưa in thành sách đã được người cùng thời
truyền tụng : nguyệt đan quí luyện, vị cập thành thiên, dĩ bá nhân khẩu (Lục
Nhất Thi Thoại). Gần chúng ta hơn, Donald Hall ở Mỹ có bài sửa đi sửa lại
trên năm trăm bận, và hối tiếc vì đã cho đăng hơi vội một số bài thơ chưa có
đoạn kết vừa ý. Ông tiết lộ trong hồi ký mới in Lifework rằng mười lăm
năm chỉ viết được hai phần ba bài thơ dài “Mấy cô gái của Edward Boit” chẳng
hiểu còn đủ ngày giờ để hoàn tấc với chứng ung thư dạ dày giai đoạn hai. Cũng
may là các nhà thơ Việt tiền chiến, bên cạnh bài sử học bắt buộc “Tổ tiên chúng
ta là giống Gôloa, còn phải thuộc lòng mấy câu Boileau sau đây :
Hâtez-vous
lentement, et, sans perdre courage,
Vingt fois sur le métier remettez votre ouvrage :
Polissez le sans cesse et le repolissez;
Vingt fois sur le métier remettez votre ouvrage :
Polissez le sans cesse et le repolissez;
Ajoutez
quelquefois, et souvent effacez.
Ars longa…Stanley Kunitz
nhà thơ hàng đầu nước Mỹ trung bình một năm sáng tác một bài, tương tự phụ nữ
sinh con. Giả Đảo để đời mấy chữ :Nhị cú tam niên đắc. Rilke sau
mười năm im lặng nhập thần hạ sinh được Khúc Ai Bi ở Duino. D. H.
Lawrence tâm sự có những bài thơ hai mươi năm mới làm xong. Gary Snyder thì hy
vọng tám mươi tuổi sẽ viết được kiệt tác. Ars longa… Dù được coi là
thiên tài, Victor Hugo vẫn bị giới phê bình chê trách tật cẩu thả vì ông sản
xuất thơ tràn lan dễ dãi.
Rilke thường nhắc đến lời dạy của Rodin : Hãy làm việc và nên kiên
nhẫn. Seferis viết trong nhật ký : Không thể tưởng tượng được mức
kiên nhẫn phải trải qua để nhìn ra các sự vật bình dị nhất. Để viết ra vỏn vẹn
một câu thơ tôi cần không biết là bao nhiêu nhẫn nại.
Max Jacob
khuyên nhà thơ trẻ : Đừng bao giờ quên lời này : « Bắt đầu sự
nghiệp nào cũng là phép màu của lao động. » Và lao động có nghĩa là cô
đơn. Khi Valéry gửi Mallarmé mấy bài thơ đầu tay để hỏi ý kiến bậc thầy,
tác giả Un coup de dés đáp : Những lời khuyên bảo chỉ có
cô đơn mới trả lời được.
Gặp nhau lần
đầu Baudelaire bị Gautier cật vấn : Anh có thích đọc tự điển
không ? Max Jacob căn dặn : Nên yêu thích chữ, từng chữ một.
Lặp đi lặp lại, xúc miệng bằng chữ. Nhưng Pound cảnh giác chúng ta đừng để
ngôn từ mê hoặc, nhất là tiếng mẹ : Một thời ông khổ sở vì tiếng Anh
truyền thống bám chặt đầu óc mình khó cách thoát khỏi : Phải mất sáu
hoặc tám năm để thấu đạt nghệ thuật của mình, rồi phải mất thêm mười năm để tự
giải phóng khỏi những gì đã học.
Louis Simpson
khuyên : Đọc càng nhiều nhà thơ càng tốt. Đọc cho đến khi đầu óc đầy
ngập từ ngữ, hình tượng, tiết nhịp. Nghiêm Vũ cuối đời Tống yêu cầu các nhà
thơ đương thời phải thông suốt từ đầu nền thơ Trung Hoa kể từ Sở từ, Nhạc Phủ
trở đi. Đối với thi sĩ hiện đại, Pound đề nghị cách đọc hệ thống từ Hy-La bắt
đầu với Homer, Sappho, Catullus, Propertius, Ovid… Eliot đòi các nhà thơ phải « hấp
thu toàn bộ lịch sử văn học Âu châu ». Trước đây Diễm Châu và vài
anh em trong nhóm Trình Bầy đã thực hiện Tủ sách Thơ Thế Giới, dự định sẽ
giới thiệu sang tiếng Việt đại bộ phận các nhà thơ hàng đầu của thế kỷ này. Nói
chung, thi nhân phải học thơ trước khi làm thơ, và thơ thì xưa nay chưa bao giờ
có biên giới.
Đọc các nhà thơ chưa đủ. Trong khi
Balzac định nghĩa tiểu thuyết gia là người thư ký của xã hội, Victor Hugo yêu
cầu « các thi sĩ thứ thiệt phải tiếp thu toàn bộ tư tưởng của thời đại
mình » Không những cần am hiểu học thuyết kinh tế, lịch sử khoa học,
và đời sống thật chung quanh, Maiakovski còn đòi « nhà thơ phải có mặt
ngay trung tâm các biến cố và sự vật ». Nietzsche thì mượn lời
Zarathustra để phê phán gay gắt đám thi sĩ hợm hĩnh và hời hợt, bọn khuấy nước
đục nơi biển cạn, có đầu óc con công trên hết các giống công : Họ
chưa suy tư đầy đủ tận chiều sâu : bởi vậy tình tự của họ không chạm được
đến đáy.
Cô đơn, kiên nhẫn, đọc nhiều hiểu
rộng, dấn thân, trầm tư --- cái nghiệp thi nhân thật là nhiêu khê vất vả. Đỗ
Phủ tập bắn cung để học phép xuyên tâm chữ, Valéry vùi đầu vào toán học để trau
dồi bút lực, Yeats theo huyền phái, Snyder tu thiền,… Mài kiếm, luyện đan, diện
bích, v.v… Làm sao kể hết những môn pháp và bí quyết của chốn Thi sơn !
Này người thi sĩ trẻ. Lên núi được bao lâu mà đã vội vàng xuống núi ?
nguồn amvc.fr
No comments:
Post a Comment