Friday, July 11, 2014

Nhà Thơ

Tượng  LONGFELLOW trước nhà thi hào tại Cambridge gần đại học Harvard.
           
                      NHÀ  THƠ  QUA  QUANG  TUYẾN

                                                                                    CHÂN PHƯƠNG



               Đây là một bài viết còn trong dạng bản thảo chưa 
  hoàn chỉnh, phần lớn đã được trình bày trước thính giả vào
 đêm nói chuyện và đọc thơ CP tại McGuinn Hall ở đại học 
 Boston College, ngày 10-5-2008.



            Vì sống với ngôn từ như là cứu cánh và chất liệu sáng tạo, có thể nói nhà thơ là  chủ thể có ý thức cao nhất trong giới văn nghệ nói chung. Không là một cái Tôi biệt lập mà là sự tổng hòa năng lực nơi giao thoa, hội ngộ, tranh biện của nhiều chủ thể và nhân cách trong quá trình sinh thành và thăng hoa. Tóm lại, nhà thơ không là một cá tính định hình bất biến mà là một DỰ ÁN CAO CẤP của BIỆN CHỨNG NHÂN TÍNH. *

            Tưởng tượng một cái máy siêu quang tuyến vừa được phát minh cho giới lý luận văn học soi rọi các phần cấu tạo vô hình của nhà thơ. Trong lăng kính tối tân ấy sẽ hiện ra ba kích thước: 1- THI CÔNG, 2- THI SĨ, 3- THI NHÂN. Tôi xin lần lượt phác họa các điểm này .

I. THI CÔNG
   Thi công là đặc điểm dễ thấy nhất. Lê Đạt từng gọi hắn là phu chữ. Cũng như nhạc công, họa công, thủ công…thi công là kẻ có tay nghề cao về mặt thi pháp với ngữ văn, ngày đêm ăn nằm với các loại sách từ điển , ngữ pháp, phong cách học. Không chỉ sống chết với Tiếng Mẹ, hắn còn phải  khảo cứu Tiếng Bà (cổ văn, ngữ nguyên học, dân tộc học ngôn ngữ …). Chưa đủ, hắn chịu khó học ngoại ngữ và làm dịch thuật, đặc biệt là tuyển dịch thơ nước ngoài (trong lịch sử thi ca hiện đại các nhà thơ lớn phần nhiều cũng là những dịch giả lớn).  Đây còn là một bí quyết của nghề thơ vì người nào không rành ngoại ngữ sẽ chẳng am hiểu được tiếng mẹ đẻ của mình (Goethe).
   Thời đại toàn cầu hóa buộc các phu chữ phải đi xa hơn truyền thống. Bên cạnh các thi luật và thể thơ Đông Á (lục bát, hài cú, từ phú, niêm luật Hán-Việt) họ có thể học hỏi ở pantoum mã lai hoặc ghazal á rập… Thi học phương Tây là một kho tàng còn chờ chúng ta khai phá với hàng núi tài liệu biên khảo công phu từ Phục Hưng đến nay. Nhưng cái thần của tiếng Việt với ngữ điệu (prosodie) xuyên thời gian của nó vẫn tiềm tàng trong thành ngữ, trong ca dao tục ngữ, hay hiện hình sinh động trong khẩu ngữ thường ngày. Cái mà nhiều nhà thơ như Hoàng Hưng vẫn gọi là nhạc tính của tiếng Việt thật ra chính là ngữ điệu. Vì phần lớn các nhà thơ VN đã quay lưng với vần điệu trong cuộc phiêu lưu phá thể luật của thơ tự do và thơ văn xuôi nên công việc tìm hiểu cặn kẽ về ngữ điệu tiếng Việt là yêu cầu sống còn. Thiếu phần tri kiến này chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ của một nền thơ của người câm điếc! Người làm thơ không thể dốt nhạc vì thi ca với âm nhạc chia  chung một linh hồn: Nhịp Điệu (rythme); cũng như không thể dốt hội họa vì lẽ thi trung hữu họa. Nói gọn như Ezra Pound từng khái quát: người làm thơ phải nắm được hai lợi khí của nghệ thuật thi ca là melopoiea (thi pháp của nhạc điệu) phanopoiea (thi pháp của hình tượng).(1)
   Chúng ta vừa bàn qua công việc và nỗi đam mê của đám phu chữ trong việc rèn luyện tay nghề với đồ nghề. Hơn ai hết những vị này làm đúng theo câu phán của Mallarmé: Thi sĩ làm thơ với chữ, không làm thơ với ý. Nhưng nếu coi lời dạy này là chân lý duy nhất của nghề thơ thì nguy to! Và lại rơi vào tật giản lược hóa quen thuộc của kẻ lười suy nghĩ. Đâu đó trong cuốn  Đấng Tiên Tri, Kahlil Gibran đã cảnh giác rằng: Nếu bị giam trong cái lồng chữ, tư tưởng -vốn là con chim của không gian- vẫn có thể dang mở đôi cánh của nó nhưng sẽ không thể bay đi.  

II. THI SĨ
   Thi sĩ là kẻ sĩ, đúng theo cái nghĩa sâu xa mà văn hóa Á Đông đã trao cho. Vì con người theo Aristote là sinh vật chính trị nên thi sĩ không thể đứng ngoài lịch sử hay quay lưng với xã hội và thế sự. Vào thời đại của lũ sát nhân (Rimbaud) bất kể ai còn lương tâm cũng phải bất bình và tìm cách ngăn chặn hoặc ít ra không đồng lõa với tội ác. Trong hơn hai thế kỷ qua phần đông các thi sĩ trên quả đất đã đứng về phía những nạn nhân, đã gánh chia số phận của loài người bị chà đạp và lên tiếng.

                        Mi được thoát chết không phải để mà sống
                        Mi không có nhiều thời giờ mi phải làm kẻ chứng nhân
                                                                                      Zbigniew  Herbert

   Độc giả VN không lạ gì với các thi hào như Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát…đã từng phất cao lá cờ nghĩa khí chống cường quyền phong kiến. Sau các cuộc cách mạng tư sản và vô sản ở Âu-Mỹ lại xuất hiện một nhân cách mới trong đời sống văn hóa chính trị: người THI SĨ-CÔNG DÂN mà Hugo, Whitman, Akmatova, Mandelstam, Brecht, Aragon, Ritsos, Hikmet, Milosz, Neruda, Cardenal…là một số các gương mặt lớn đại biểu.Giữa công đường của lương tâm hay trước các vụ án của lịch sử các thi sĩ-công dân đã  hầu tòa, vừa lắng nghe âm thanh và cuồng nộ vừa làm chứng bằng những bài thơ.
   Cũng như các sinh vật chính trị hiện đại khác, người thi sĩ hôm nay có ý thức cao về tính liên đới sống còn giữa mọi công dân và những cộng đồng người. Bên cạnh bạo lực man rợ của chiến tranh với lò sát sinh và trại cải tạo chúng ta đừng quên bạo lực tinh vi của kinh tế và ý hệ. Có biết bao trẻ em chết đói chết bệnh mỗi ngày trên trái đất vì sức mạnh vô địch của thị trường tự do? Chẳng lẽ mối quan tâm lớn nhất của nhà thơ là sự cạnh tranh của mass media và bestsellers? Octavio Paz có nói một câu: Chủ yếu mang tính xã hội thơ phục hồi lại cộng đồng từ nền tảng. Cũng như văn chương nói chung, thơ có thể là chất keo nhân văn kỳ diệu hàn gắn lại các chấn thương của tình người. Điều gì sẽ đến nếu các nhà văn nhà thơ lơ là với trách nhiệm này? Mời các bạn đọc đi đọc lại bài thơ sau đây: CÁI CHẾT CỦA MỘT CÔNG DÂN,

                        Không phải cái chết đột ngột

                        Không phải cái chết của người lính
                        bị  một cú đấm đại bác
                        té bật ngửa nhìn trời

                        Cũng không phải cái chết của lão nông dân
                        yên lặng trở vào ruột đất
                        như trở lại mái nhà

                        Một ngày kia
                        một ngày như bao nhiêu ngày
                        y hệt giống nhau
                        tương tự hai giọt nước
                        dưới ánh mặt trời
                        hay giữa đêm khuya
                        bắt đầu cơn hấp hối

                        Không phải một cái chết đột ngột

                        Ngày lại ngày
                        khi mi không còn
                        biết yêu biết ghét
                        khi mi khám phá được cách sống chừng mực quí giá
                        cơn hấp hối bắt đầu

   Bài thơ này thi sĩ Ba lan Tadeusz Rósewicz cho in năm 1952. Ít lâu sau hai chữ yêu, ghét lại xuất hiện tại Hà Nội,

                        Yêu ai cứ bảo là yêu
                        Ghét ai cứ bảo là ghét
                        Dù ai ngon ngọt nuông chiều
                        Cũng không nói yêu thành ghét
                        Dù ai cầm dao dọa giết
                        Cũng không nói ghét thành yêu
                                                            Phùng Quán

   Sự rõ ràng của yêu ghét là thước đo chính xác của nhân tính vừa là cán cân của ý thức xã hội. Thì ra các nhà thơ không cần ngôn thuyết rắc rối về các môn luân lý hay chính trị; tình cảm chân thật vẫn là cái gốc muôn thuở của đạo làm người.


III. THI  NHÂN
                                                      Comment vivre sans inconnu devant soi?  René Char

   Sau cái Đức của thi sĩ tôi xin mạn đàm về cái Đạo của thi nhân. Từ xa xưa cổ đại các nhà tư tưởng Đông Tây như Khổng tử, Platon.. đã bàn luận và nêu ra nhiều câu hỏi về thơ. Đến giai đoạn Phục Hưng rồi Lãng Mạn, các tranh luận triết học hay thẩm mỹ về thi ca lại sôi nổi diễn ra trong tác phẩm của Vico, Diderot, Novalis, Coleridge…Vào thời hiện đại Heidegger khám phá trong các bài thơ của Hoelderlin và René Char nguồn cội siêu việt  của tiếng nói tâm linh chống lại nền văn minh kỹ thuật và sự sùng bái lý tính như công cụ vạn năng (raison instrumentale) ngày càng tha hóa con người: như thủy triều xuống thế gian càng lúc càng mất hút bởi chúng ta tăng phần tư duy và bớt ngắm nhìn(Gilles Hénault). Không thể tóm lược trong vài trang tham luận vấn đề hệ trọng của thi ca và tư tuởng! Theo chỗ hiểu biết của tôi - Thiên chức của thi nhân nơi trần thế? và Yếu tính của thi ca? là hai câu hỏi chủ yếu  vẫn trở đi trở lại vì chưa tìm được lời đáp thỏa đáng.(2)
Nếu có người yêu cầu tôi đưa ra một khái niệm hay định nghĩa về thơ  tôi sẽ né tránh bằng cách niêm hoa vi tiếu của Bồ tát hoặc mượn câu bất khả đạo bất khả danh của Đạo gia. Nếu ai đó không chịu buông tha và tiếp tục gặng hỏi về nhà thơ tôi đành phải lật mấy trang sổ tay riêng tư để chép ra điều suy nghiệm này:  Mang trên đầu hào quang của Số Không, thi nhân là kẻ suốt đời bị Số Một ám ảnh.

Số Một trước tiên là bản sắc độc đáo của nhà thơ qua những bài thơ có một không hai. Nhưng Số Một trên hết là gạch nối hữu cơ của Tam Tài –Thiên-Địa-Nhân, là thiên địa chi tâm mà Lưu Hiệp đã khắc họa ngay chương đầu trong Văn Tâm Điêu Long để vinh danh con người, nguồn gốc của ngôn ngữ với văn chương. Đồng thời cũng là chữ Nhất của trực giác Á Đông: vạn vật đồng nhất thể; là mạch thiêng nuôi các thi nhân-đạo sĩ như Khuất Nguyên, Đào Tiềm, Mạnh Hạo Nhiên…Sau khi Trung Hoa tiếp thu Phật giáo chữ Nhất tiến thêm một bậc hóa làm tinh thần bất nhị Thiền tông. Cuối cùng hai từ đồng nhất khiến ta liên tưởng đến thiên hạ đại đồng, giấc mơ bốn bể một nhà của không ít thi nhân,

Vì nhà ta mở toang, cửa không then khóa
Và các tân khách vô hình tự tiện vào ra.
                                                Czeslaw Milosz

                                         Còn Hào Quang của Số Không? Đây vừa là tư tưởng nhà Phật vừa là triết học hiện đại (Sartre, L’Être et Le Néant). Nhưng thi nhân đến với nó không bằng phép thiền định hoặc tư biện kiểu hiện tượng luận ( mise en parenthèses, bracketing) lột dần các lớp vỏ ngoài của sự vật để tìm cốt lõi tự tính (noumena). Nhà thơ sống chết đến cùng trong mê trận sắc tướng để trải nghiệm các lẽ tan hợp hưng vong trong máu thịt, ngậm trái vú Maya chờ mọc răng học nói(CP). Trước khi ông gặp tư tưởng nhà Phật, Mallarmé từng tâm sự rằng quá trình trực diện lâu năm với chữ và im lặng đã giúp nhà thơ tự mình ngộ được tính Không. Kinh nghiệm này cũng xảy ra với các nhà thơ lớn của tk20 như Artaud, Daumal, Paz hay Juarroz…Khi vũ khúc choáng váng của các mặt gương đã đánh lạc hướng mọi ngữ điệu với dụ ngôn, cái còn lại chính là trang trắng – poésie purevia negativa -

                                          Hình dung sắc tướng, chụp bắt thần tư là giấc mơ đã cũ
                                          Sáu con rùa kéo thư án về đâu?    
                                                                                          CP

                                 Sau cái chết của các thần linh và sự phá sản của mọi tín điều thế tục con người như  cá mắc cạn trên sa mạc. Trước khi triết học hiện sinh lập thuyết ồn ào, nhiều nhà thơ đã đối diện với cái Phi Lý (l’absurde); Tôi chẳng qua là con mắt ngó vào tròng mù ghê rợn của sự vô nghĩa (Ekelund). Trớ trêu hơn nữa là sự tiến bộ chóng mặt của khoa học, càng soi sáng những bí mật của vũ trụ càng  cho thấy sự nhỏ nhoi buồn cười của hạt bụi Địa cầu giữa bao nhiêu tỉ thiên hà tinh đẩu! Không còn huyền thoại, không còn tôn giáo, chẳng lẽ trạm cuối của chuyến hành hương nhân loại là Siêu Thị? Và sản xuất để tiêu thụ/tiêu thụ để sản xuất là lẽ sống còn của mọi chúng sinh?
                                 Vừa phản kháng chống các thế lực với âm mưu phi nhân nhà thơ còn gánh vác câu hỏi đời đời không lời giải của thân phận con người giữa vô minh. Như Sisyphus vần tảng đá quẩn quanh, sự kháng cự lặng lẽ và vô vọng ấy chính là ngọn lửa nuôi dưỡng tâm linh và sáng tạo. Sờ soạng đi trong cõi nghịch lý như một ẩn số, thi nhân khước từ mọi bản đồ với mũi tên chỉ đường quen thuộc. Là du mục và hành giả, là di dân chung thân với tấm thẻ tị nạn siêu hình, thi nhân là trích tiên rời xa mọi miền đất hứa không ngừng truy tìm TERRA INCOGNITA.

                                                      Đàn chim không quốc tịch bay qua Vạn lý trường thành
                                                      Áng mây giông chẳng dừng lại trước các trạm hải quan

                                                      Địa chỉ thi nhân là đường chỉ tay hoang vắng…
                                                                                                                                           CP



                              TẠM  KẾT

                                 Người xưa mượn các giai thoại lý thú và thâm trầm để bàn về thi ca. Không được là thi thoại, bài viết này có nguy cơ biến làm thi thuyết (discours poétique) dông dài và nặng nề.  Luận về Đạo của thi nhân tôi còn có thể miên man suốt đêm với những trích dẫn chép kín sổ tay; chẳng hạn của Jean de Boschère về nhà thơ, chứng nhân lớn của thời gian và thực tại, hoặc nhận định sau đây của Charles Simic, nhà thơ kêu gọi triết gia trong mỗi chúng ta quan tâm đến thế giới qua sự hiện diện đầy nghi vấn của nó. Nhưng tôi xin tạm ngừng và hẹn một dịp khác để đi sâu hơn về vấn đề này. Hi vọng máy siêu quang tuyến trên kia sẽ giúp các bạn làm thơ phần nào chiếu rọi được nội tâm và cốt cách, thấy rõ các sở trường cũng như yếu điểm bản thân để tiếp tục chân cứng đá mềm trên hành trình gian truân của kẻ lao công khốn khổ -horrible travailleurs (Rimbaud) – đi khai hoang và mở rộng các bờ cõi của ĐẤT THƠ.
  
                               * Tôi đang viết bài khảo luận về đề tài CHỦ THỂ : hành trình cùng cộng đồng hay phiêu lưu đơn độc ?


                              CHÚ THÍCH

  1. Tác giả bài tham luận này có viết một vài tùy bút và biên khảo về kinh nghiệm làm thơ hay về nghệ thuật thi ca. Bạn đọc có thể tham khảo trên internet các bài Nghiệp Thơ;Vũ Điệu của Lời; Thơ-Phút Ngẫu Sinh . (Website: amvc.free.fr).
  2. Hai vấn đề này là trọng tâm của học thuật và lý luận về thơ ở Âu Mỹ từ khi Heidegger phát hiện được Hoelderlin. Các khảo cứu của Harold Bloom cũng xoáy vào yếu tính thi ca. Một tài liệu đáng chú ý là Wozu, À Quoi Bon, Why Poets in a Hollow Age?, Paris,Le Soleil Noir,1978, in lại các tham luận, bài phỏng vấn của khoảng 160 nhà thơ và nghệ sĩ quốc tế về vai trò, thiên chức của thi nhân vào thời
      hiện đại. Trung Tâm Quốc Tế về Thi Ca MARSEILLE có tổ chức một hội thảo           chuyên đề về thi ca và triết học vào tháng 10-1997 và in lại các tham luận trong       Poésie&Philosophie, Marseille,cipM, 2000. Đầu năm 2000 tạp chí EUROPE cho       ra mắt số chủ đề Littérature & Philosophie  để khai mạc thiên niên kỷ mới. Các   sự kiện văn học vừa kể - giữa nhiều sinh hoạt văn hóa khác có liên quan đến thơ ở       phương Tây – tiêu biểu cho sức thu hút của thi ca như một hoạt động tư tưởng     cao cấp ngang hàng với triết học. Đề tài này cho đến nay hình như vẫn còn khá xa            lạ với giới cầm bút VN dù trước đây Bùi Giáng, Tuệ Sĩ, Phạm Công Thiện… từng        viết nhiều trang khảo luận nên đọc lại về triết và thơ.
                                           


       

No comments:

Post a Comment