Wednesday, July 30, 2014

Thơ CHÂN PHƯƠNG I



BÀI THƠ NGUYÊN ÂM

 




đất trời mở quyển tập vỡ lòng



nhịp nhàng những phím sóng

mây gió bắt đầu chuyển động



ếch nhái oàm oạp

chim chóc líu lo



cổ họng cất tiếng

răng lưỡi đánh vần



xanh non

       xanh biếc

               từng đọt mầm nguyên âm

Saturday, July 26, 2014

Dino CAMPANA

Vườn thượng uyển BOBOLI - danh thắng ở Firenze gợi hứng cho bài VƯỜN THU.
BÊN   LỀ   MỘT   BẢN   DỊCH

CHÂN  PHƯƠNG


    VƯỜN  THU ( FIRENZE )

Khu vườn ảo hoặc   nguyệt quế câm
các vòng xanh đan kết
mảnh đất mùa thu
chào vĩnh biệt!
dọc mấy triền đồi trọc
ráng chiều đỏ rực
cuộc đời xa xăm gào gọi khản hơi
vầng dương đang hấp hối
trên những vồng hoa thẫm máu
trổi lên tiếng kèn đồng
chói lói:  dòng sông mất hút
vào dải cát vàng : lũ tượng trắng
đứng đầu cầu lặng lẽ
quay đi:  và sự vật không còn có thật
như bản đồng ca tráng lệ dịu êm
từ đáy sâu niềm im lặng dâng lên
phả vào bao lơn tôi
trong thoáng hương ngát không rời
với mùi nguyệt quế vấn vương
giữa các pho tượng bất tử trước hoàng hôn
ngay khoảnh khắc này đây
nàng hiện ra cho tôi thấy
DINO  CAMPANA

Wednesday, July 16, 2014

Dịch thơ Lý Thương Ẩn

                             ĐỌC  VÀ  DỊCH  MỘT  BÀI  THƠ  ĐƯỜNG
                                                                                                                                                                                                      Chân Phương



登樂遊原

向晚意不適,
驅車登古原。
夕陽無限好,
只是近黃昏。



 ĐĂNG LẠC DU NGUYÊN     thơ Lý Thương Ẩn (812?-858)

Hướng vãn ý bất thích,
Khu xa đăng cổ nguyên
Tich dương vô hạn hảo
Chỉ thị cận hoàng hôn



 LÊN ĐỒI LẠC DU      Chân Phương dịch

Chiều xuống, lòng sầu muộn;
Giục xe lên bình nguyên.
Ô! tà dương đẹp tuyệt!
Lúc sắp lặn vào đêm...

Lý Lịch của Lời

                                                                        




   Rimbaud gọi nhà thơ là Suprême Savant như phương Đông có chữ Đấng Toàn Giác. Ở đây mở hai dấu ngoặc bỏ hết vào đó thư tịch cổ kim là việc dễ làm. Tôi xin nhắc thêm ý kiến quen thuộc cho rằng thi nhân là miệng lưỡi của Tạo Hóa, và ở đây lại có thể mở dấu ngoặc để nói đôi lời chẳng hạn về kinh Hoa Nghiêm hoặc về sự bất khả tư nghị của thời gian và cái đẹp. Nhưng có thể ai đó bất giác đã thấy trùng điệp những cánh chim…


   Vào thời đại khủng hoảng tột cùng của hình nhi hạ chỉ có cửa mồm ozone mở hoát họa chăng còn minh giải được ít điều về Tạo Hóa. Cho tôi múa thử ít chiêu siêu-ngữ…, biết đâu sẽ có một bàn tay đơn độc họa theo?

Tuesday, July 15, 2014

Ý Tưởng về Thi Ca





                                                     Ý TƯỞNG VỀ THI CA
                                                               
                                                  CHÂN PHƯƠNG tuyển dịch

  La poésie est une pratique de la vigilance dans tous les actes de la vie quotidienne devenus contemplation, un exercice spirituel, un sacerdoce. Michel JOURDAN
  Thơ là thực tập canh thức trong mọi hành vi đời sống thường ngày đã trở thành chiêm nghiệm. Thơ là thể dục tâm linh, một chức vụ tôn nghiêm.

  La poésie, c’est la lutte contre l’usure, non seulement l’usure des mots, mais à l’occasion de cette usure-là, celle de toute notre vie. Lutte contre la routine, contre la répétition  monotone de nos gestes quotidiens. Maxime ALEXANDRE
  Thơ là chống trả sự xói mòn, không chỉ xói mòn từ ngữ mà thông qua đó là sự xói mòn của trọn một đời người. Chống lại tập quán, sự lặp đi lặp lại nhàm chán những động tác thường ngày của chúng ta.

Sunday, July 13, 2014

TED KOOSER


   Trên trang Da Màu  qua bản dịch của Lê Đình Nhất Lang , tôi đã đọc lại mấy trang viết về chuyện bếp núc của nghề thơ (The Poetry Home Repair Manual) được Ted Kooser thuyết trình với phong thái từ tốn thân tình của một ngòi bút lịch nghiệm cùng những bạn đọc có quan tâm đến thi ca hoặc đang nuôi mộng trở thành thi sĩ. Đọc Ted khiến tôi nhớ đến Rilke, thi hào đã từng viết “Những bức thư gửi một nhà thơ trẻ”, và không tránh khỏi có ý nghĩ so sánh hai lối truyền dạy kinh nghiệm. A/ Một đằng chịu ảnh hưởng từ các phong trào lãng mạn-tượng trưng Đức-Pháp nên dùng thuật đàm đạo tâm truyền chú trọng về phần tâm lý chiều sâu của chủ thể sáng tạo (Rilke); B/ Một đằng mang tính thực dụng Hoa Kỳ, phân tích rạch ròi kinh nghiệm với quá trình sáng tác một bài thơ với những mẹo (tips) cụ thể mà bất cứ ai cũng áp dụng được (Kooser).

“Thời gian và lòng kiên nhẫn biến lá dâu thành lụa”, ngạn ngữ được TK đề dẫn là một bí quyết của hoạt động nghệ thuật, ngày nay có vẻ lâm nguy trước xu hướng sáng tác cấp thời gõ phím bấm chuột “mì ăn liền”… Thi hào La mã cổ đại là Horace từng có lời khuyên:
“Nên cất bản thảo trong tủ tám, chín năm trước khi trình làng.”, cũng như Giả Đảo đã thở than: “Nhị cú tam niên đắc”! Chỉ xem những trang internet của giới làm thơ trẻ VN ngày nay là giới độc giả có ý thức văn hóa có thể tìm ra nhiều bằng chứng không lạc quan lắm về chứng lên sốt ngôn từ (verbal fever) trong không gian ảo.

Saturday, July 12, 2014

CHAR nói về THƠ


René Char (1907-1988) là gương mặt hàng đầu của thơ Pháp tk20. Sinh trưởng tại vùng Provence, thiên nhiên miền Nam ghi dấu ấn trong các  bài thơ đầu tay và tập Arsenal (1929) đã được Éluard khen tặng. Với tập thơ tiếp theo, Ralentir Travaux (1930) - tác phẩm chung của Char, Éluard và André Breton – ông gia nhập trường phái siêu thực một vài năm rồi vĩnh viễn chia tay vì cảm thấy nhóm này bị Aragon tìm cách thao túng. Là một thủ lĩnh bí mật trong cuộc kháng chiến chống quân Đức xâm lược, những sáng tác giai đoạn ấy được tập hợp trong tập Feuillets d’Hypnos (1946) đề tặng Camus. Từ đó ông một mình một cõi; vừa thám hiểm vùng bất khả tri giáp giới thi ca và tư tưởng, vừa sáng tác gần ba mươi tác phẩm thơ và kịch để tạo nên một sự nghiệp văn  học lớn. (Ông được vinh dự hiếm có khi Tủ sách Pléiade xuất bản Toàn Tập các trước tác của ông vào năm 1983.) Trong hành trình nghệ thuật ông kết bạn với nhiều danh họa như Picasso, Braque, Matisse, Kandinsky, Giacometti, de Stael, Wilfredo Lam… Char từng hợp tác với nhạc sĩ Porte và Braque để dựng vở ballet La Conjuration (1947); Pierre Boulez đã chọn ba bài thơ trong Le Marteau sans Maitre (1955) để phổ thành một tổ khúc avant – garde. Một điều lạ thường là Char không thắng giải Nobel trong khi ông được các tên tuổi như Camus, Pasternak, Saint-John Perse … ngưỡng mộ. Khó tính với bản thân trong từng câu, ngoài sáng tác thơ ông còn thử thách ngòi bút với loại mỹ học khắt khe nhất của ngôn từ, tiêu biểu trong thể loại cách ngôn (aphorisme) mà ông đã tiếp thu từ các hiền triết thời tiền-Socrate như Parménide, Empédocle hay Héraclite. Chính nội dung hàm súc giàu tư tưởng trong tác phẩm của nhà thơ đã đem đến cho ông những người bạn trong giới triết gia như Bataille, Grenier, Blanchot, Beaufret, và đặc biệt nhất là Martin Heidegger. Trong một lần viếng thăm Char tại vùng quê miền Provence, Heidegger đã làm tặng ông  bài thơ tri âm nhan đề Cézanne với câu cuối:
 “Zeigt sich hier ein Pfad, der in ein Zusammengehören des Dichtens und des Denkens führt? ( Nơi đây có mở ra chăng một lối đi cho tư tưởng và thi ca hội ngộ?).

Nghiệp Thơ





NGHIỆP  THƠ
                                                                            Chân Phương
                                                                         
         Có lần Tố Hữu hỏi Nicolas Guillén về thiên chức của thi sĩ. Nhà thơ danh tiếng đất Cuba đáp gọn :  Trước hết đừng làm thơ dở.

        Từ thời La mã thi hào Horace cũng nói tương tự. Vérité de la Palice. Người làm thơ nào mà chẳng biết điều này. Nhưng tránh được hay không là chuyện khác.

        Các tòa soạn hình như lúc nào cũng bị thơ dở tràn ngập. Hugh Kenner thời làm biên tập thơ cho một tạp chí lớn bán khắp nước Mỹ thường xuyên phải ném bỏ chín mươi chín phần trăm bản thảo nhận được. Thời gian biên soạn tuyển tập thơ tiếng Pháp được in ra trên thế giới trong vòng ba mươi năm (1950-80) Alain Bosquet đã vứt sọt rác 18.000 ấn phẩm thơ tồi.

Friday, July 11, 2014

Nhà Thơ

Tượng  LONGFELLOW trước nhà thi hào tại Cambridge gần đại học Harvard.
           
                      NHÀ  THƠ  QUA  QUANG  TUYẾN

                                                                                    CHÂN PHƯƠNG



               Đây là một bài viết còn trong dạng bản thảo chưa 
  hoàn chỉnh, phần lớn đã được trình bày trước thính giả vào
 đêm nói chuyện và đọc thơ CP tại McGuinn Hall ở đại học 
 Boston College, ngày 10-5-2008.



            Vì sống với ngôn từ như là cứu cánh và chất liệu sáng tạo, có thể nói nhà thơ là  chủ thể có ý thức cao nhất trong giới văn nghệ nói chung. Không là một cái Tôi biệt lập mà là sự tổng hòa năng lực nơi giao thoa, hội ngộ, tranh biện của nhiều chủ thể và nhân cách trong quá trình sinh thành và thăng hoa. Tóm lại, nhà thơ không là một cá tính định hình bất biến mà là một DỰ ÁN CAO CẤP của BIỆN CHỨNG NHÂN TÍNH. *

            Tưởng tượng một cái máy siêu quang tuyến vừa được phát minh cho giới lý luận văn học soi rọi các phần cấu tạo vô hình của nhà thơ. Trong lăng kính tối tân ấy sẽ hiện ra ba kích thước: 1- THI CÔNG, 2- THI SĨ, 3- THI NHÂN. Tôi xin lần lượt phác họa các điểm này .

AU COMMENCEMENT...


                          Le poète parle au seuil de l'Être.
                                                        BACHELARD


cửa mở toang
xuân đến  hè qua

mây trôi đêm trôi ngày
chim bay đi bay về

mọc giữa biến dịch với biển trời 
ký hiệu của đơn độc tự tại

trong không gian chưa có ngôn từ

cây trơ trụi

             trổ lộc 
                   nhú mầm 

tôi
        tập nghe 

                       tập nhìn 
  
            tập nói








BẾN  TẠM



dòng chữ chợt chia trăm ngả


*

gió bay khỏi chiêm bao

mưa rơi vào hư cấu


*

treo cuốn kinh lên cột buồm

tôi đẩy chiếc thuyền về quên lãng


*

giữa những cánh tay cát lấp

rạng đông lại vén màn


*

con mắt thứ ba

là bến tạm





ars poetica



thủ dâm bằng ngòi bút
giao hợp cùng giấy trắng

ngoại tình với mưa
đồng tính với trăng

thi nhân hạ sinh

lũ con chữ
bất toàn

què
       cõng
                  mù

đi tìm
chân thiện mỹ

 


                                                                           CHÂN PHƯƠNG