Sunday, July 12, 2015

ẨN DỤ LÀ GÌ ?





   Sau khi đã công bố 10 chương sách trên DA MÀU (damau.org), nhà văn-học giả TRẦN HỮU THỤC (bút hiệu TRẦN DOÃN NHO) đã giao việc ấn hành cho nhà xuất bản Người Việt. Vào hè 2015 này quyển khảo luận ẨN DỤ, cuộc phiêu lưu của chữ chính thức ra mắt độc giả bốn phương. Bức tranh bìa đậm chất ý niệm trừu tượng của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi cùng Lời Tựa do nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc cũng góp phần không ít cho  phẩm chất chung của tác phẩm này.

   Là chỗ thân tình, có lúc là hàng xóm gần nhau, tôi tham gia từ đầu vào quá trình biên khảo khi được tác giả gửi những chương còn trong dạng bản thảo nhờ đọc rồi góp ý . Trong nhiều buổi cà phê hè phố hoăc nhậu nhẹt party, chúng tôi đã có những dịp đàm đạo văn chương hoặc tranh luận học thuật sinh động quanh Ẩn Dụ - chủ đề muôn thuở của triết học về ngôn ngữ cũng như thi pháp học Đông-Tây. Tôi cũng từng đề nghị với nhà văn lột xác hóa học giả này dăm ba ý kiến về thuật ngữ và dịch thuật. 
   Sau cùng, tác giả ngỏ ý nhờ tôi viết đôi giòng giới thiệu cho cuốn sách sắp in xong. Thế là tôi lại được hân hạnh tiếp tay điểm tô cho đứa con tinh thần của ông bạn.  Và tôi xin chấm dứt lời giới thiệu ngắn này bằng bài viết ấy, hôm nay được in lại trên bìa sau tác phẩm :

   Từ tư duy đến diễn đạt, con người cần ngôn ngữ làm trung gian. Ngôn ngữ đồng thời là cây cầu chữ nghĩa nối chúng ta vào thế giới. Xuyên qua cầu đôi khi rực chói một hiện tượng lạ - một năng lượng sáng tạo đặc biệt biến cây cầu thành mống trời lấp lánh các sắc màu của thi ca, văn chương, tín ngưỡng... ẨN DỤ là tên của phép mầu ấy và là đề tài học thuật của cuốn sách do nhà văn-học giả Trần Hữu Thục biên soạn. 

   Từ Aristotle qua Fontanier, Richards, Black, Ricoeur... cho đến Lakoff và Johnson, tác giả đã tra lại nhiều chương về triết học cùng tu từ pháp phương Tây để soi sáng các bí mật xoay quanh ẩn dụ và dụ pháp, vừa chứng minh rằng ẩn dụ không chỉ là các thao tác ngữ nghĩa mà còn là một phương thức tự nhiên gắn liền với hoạt động tư duy và nhận thức. Ưu điểm đáng kể của khảo luận này là nỗ lực tổng hợp những phát kiến của triết học ngôn ngữ cùng khoa học về tri giác (cognitive science) của thế kỷ 20 chung quanh vấn đề ẩn dụ.

  Đây là một công trình công phu, với nghệ thuật hành văn sáng tỏ, mạch lạc, rất hữu ích cho các môn Văn, Triết đang cần thêm các chuyên khảo lý thuyết về ngữ nghĩa học và dụ pháp học (tropology) nói chung.


                                                                    CHÂN  PHƯƠNG

                                                                                      Cambridge, vào hè 2015






No comments:

Post a Comment