Sunday, September 27, 2015

PETRI GYöRGY

Petri György (Budapest,December 22,1943- Július 16,2000)



    Petri György sinh trong một gia đình viên chức tại Budapest ngày 22.12.1943.
1966, ông ghi tên theo học tại khoa Văn học - Triết học Hungary của trường đại học tổng hợp Budapest.
Đầu tiên ông trở thành nhà báo, từ 1974, ông là nhà văn tự do.
Từ 1975 đến 1988 tác phẩm của ông bị cấm xuất bản và lưu hành chính thức. Thơ của ông in trong các báo szamizdat (không chính thức) và ở nước ngoài.
Từ 1981 đến 1889 ông biên tập tờ szamizdat Beszélő (Tờ Phát ngôn viên - tờ báo không chính thức). Là thành viên của đảng đối lập dân chủ Hungary.
Từ 1989 đến lúc mất ông làm trong ban biên tập tạp chí Holmi.
Năm 2000, ông mất vì bệnh ung thư khí quản.

   Nhà phê bình văn học Hungary Ambrus Judit đã viết về Petri Gyorgy như sau:

"…Thơ của Petri György chắc chắn chỉ những ai hiểu và ưa thích ông mới đọc, bởi thơ ông khi đọc lên chắc chắn không đi vào hư vô như một nhà tiên tri, ông không biết gì về tương lai, những giấc mơ êm đềm ít cám dỗ nhất có trong thơ Petri, cũng như sự hung tợn hay dịu dàng không lưu lại nhiều trong tim chúng ta từ những vần thơ của Petri.
…Người hiểu và yêu thích Petri sẽ đọc thơ ông, vì thơ ca của ông vô cùng mạnh mẽ, nó gắn chặt với sự thật bằng những sợi dây cứng rắn, và cũng như thế với cả những sự thật không muốn nghe. Petri không biết đến Thượng đế, hay con người, khi nói về những người bạn có tên là Sự thật và Trí tuệ. Những lúc đó ông không nương nhẹ và rất cứng cỏi. Ông ca ngợi tự do và tình yêu trong các tác phẩm thi ca của mình, một cách châm biếm, khiến những chấn song của hệ thống - nô lệ hàng chục năm trời phải tan ra (tất nhiên, cả những chấn song của tình yêu cũng thế). Nếu có thể tin vào sức mạnh của thi ca, có thể nói thơ Petri György đã góp phần làm tan bức Mành Sắt ( thời Chiến tranh lạnh) trong sự châm biếm và tố cáo.
Sự châm biếm, tố cáo sâu sắc trong thơ Petri dành cho những kẻ không muốn nhận ra, những gì đang xảy ra trên thế giới này. Và nỗi đau ma quỷ của thơ Petri dành cho những kẻ không thừa nhận nỗi đam mê, cùng cái chết. Với những kẻ quen tự lừa dối bản thân, đây là một nền thi ca khó tiêu hóa.
Tất nhiên thật nực cười nếu chúng ta nói, chỉ những người như thế này, thế nọ đọc Petri György. Bởi vì ông đã hút vào tâm hồn mình toàn bộ chất truyền thống của thi ca Hungary. Người nào ngày hôm nay đọc thi ca hiện đại của nước nhà, người đó chắc chắn đọc Petri György. Ông nằm trong số những nhà thơ được thường xuyên trích dẫn, như một trong những nhà thơ Hungary lớn nhất và khó quên nhất của thế kỷ 20 : Petri György – một thi sĩ ma quỷ."

Nguyễn Hồng Nhung 
(08/03/2009)

ĐƠN GIẢN, NHƯ MỘT BÀI CA

 Những cánh cửa mở ra. Những cánh cửa đóng lại
 Một kẻ nào đến? Một người nào đi?
 Ta không lần ra chìa để mở
 lúc cánh cửa đang còn gây xúc động
 cho cực dương và cho cực âm
 cho những cái khác đại loại như thế.

Ta từng mơ được thật là hạnh phúc
giống tất cả mọi người; khát vọng ta ngần ấy,
rồi đến hạnh phúc cũng thôi. Chỉ là TA.
Bất hạnh, già vêu, sinh linh kiêu ngạo,
và đi tìm ý nghĩa cuộc đời,
rằng tại sao là TA cơ chứ,
tại sao là Nam, chứ không là Nữ?

Sẽ đến cái sẽ đến. Đang có cái…đang
nhưng chúng ta đâu hề bỏ mặc chúng.
Từng có cái đang có. Đang có cái đã… từng
Giữa lúc kiểm kê
tiệm đồ vẫn tưng bừng hoạt động.
Và chúng ta vẫn nguyên si. Cho dù…
Kệ chứ? Rất có thể? Đôi khi?
Sẽ không bao giờ có cái gì như thế.

Thôi thì thôi ta tạm thấy thế này:
tốt cũng tốt, đủ cũng đủ, những gì đang có.




VỆT NẮNG CHIẾU TÔI LÀM SAO VỚI TỚI **

Bắt đầu từ một đêm mùa hè thường lệ.

Tôi dạo từ quán rượu này sang quán rượu khác.
Hoặc đúng lúc tôi đang uống trong Nylon,
cạnh bến cuối tàu HÉV, cầu Margit
(hay lúc đó họ đã phá đi rồi ?) Tôi không biết,
có thể, tại quảng trường Boráros

Những cuộc dạo chơi này luôn luôn

đến sáng, hoặc kéo dài hai ngày liền
và dẫn tới bất kỳ đâu.
Nhưng chắc chắn, tôi ngồi đâu đó, uống
(thuở- bất kỳ cái gì - tuổi thanh xuân thích nếm.)

Thuở đó tôi chưa đọc trong quán,

chưa, chưa, tôi chưa chôn cất tôi
vào sách - báo, chưa cắm mặt xuống mảnh bàn.
Người ta chưa làm tôi điên tiết khi nói với tôi.

"Cậu trả tiền chứ ? " - một giọng khàn thuốc lá

đàn bà, hỏi, sau lưng. Giọng trẻ trung.
"Kêu đi" - tôi nói và quay lại. Năm chục
tuổi suýt soát, người đàn bà đứng chéo sau tôi. Bẹp dí
nhem nhuốc, tóc một thời chắc màu nâu sáng ;
lợi lung lay, môi nứt nẻ, vệt máu chìa cành
kéo màng, những đôi mắt aquamarin*,
áo len sợi tổng hợp trắng, đã xỉn vàng,
quần nâu, giày mỏng nhặt từ thùng rác.
Em xin một ly lẫn lộn, và bia, hai deci. Khẩu vị em tôi không tranh cãi.
"hai chục, tôi đi" - em bảo. Tôi ngạc nhiên
cái giá này -nếu là giá- quá bọt bèo (kể cả lúc đó)
Tôi biết một "cua" của quảng trường Rakoczi. Hai mươi fơrint không là giá.
Mặt khác, em không thể có chỗ
trên quảng trường Rakoczi, thậm chí chẳng quảng trường nào.
Logic hơn, nếu muốn gì, em là người trả tiền.
Trả rất nhiều. Và đúng là em muốn. " Lại đây,
tôi muốn anh" - em bảo- " tôi rất muốn"
Chưa bao giờ tôi xua đuổi đàn bà trong nữ tính
(cho dù đây không hẳn là mục đích của tôi),
No, đâu có …Tôi lên đường ; cảm thấy rằng : bắt buộc
bởi tôi bị đuổi xua, và lộn tùng phèo,
như bùn đã quấy lên, thuở đó, và
chỉ trong những "Quán rượu" "Bufe"
tôi mới cảm thấy mình như một đấng,
giữa rách rưới hiện thực của thiếu thốn và xó chợ đầu đường.

Em kéo tôi đi cả một đoạn đường dài, rúc ngực,

thật rùng rợn, nhưng là phần hữu cơ của sự trả giá.
Tôi choàng vai em.

Chúng tôi đậu lại trong một hầm ngầm, rất nhiều bậc cầu thang

đi xuống một cái gì không biết từ đâu ra
trong ánh mờ bình minh.
Giường. Giấc mộng buộc từ những mẩu vải bông khâu lại
Em không lột trần, chỉ tụt, cùng lắm tụt quần ra khỏi người.
"Tôi quen thế này, nếu đụ dưới bụi cây"
- em nói thẳng. Tôi không phản đối,
tôi cũng chỉ trong mức độ cần thiết nhất,
và ném áo khoác của mình - thà nó bẩn còn hơn nhàu nát.

"Hôn em đi". Đúng thế, điều này không thể tránh.

Miệng em hôi, môi đóng vẩy, lưỡi,
hàm ếch khô cong, như thể trong hộp cá biển szardinia rỗng,
lưỡi tôi sục sạo - cạnh hộp sắc tức thì rỉ máu

Tôi lo sợ, tôi nôn vào miệng em mất,

tôi muốn bật cười hô hố, ý nghĩ này,
nước mắt tôi tưới đẫm da thịt em thô thiển, tận khi
tôi làm chủ, cơn đau quặn thắt. Giữa háng em
chật, khô cằn. Hé mở chút ít, nhưng không thèm ẩm ướt.
"Đợi tý !"- em bảo. Và lấy ngón tay khoét
hộp bơ thực vật nham nhở, tự xoa bóp cho mình,
rồi bôi thêm đợt nữa.
"ĂN tiếp được từ cái này ?"

"Tôi có thể rửa ráy ở đâu ? - sau rồi tôi hỏi.

Em chỉ mẩu vòi. Nước tóe ra, đích thực
nhầy nhụa mảng quần tôi, như thể tôi đái dầm.
"Thêm cái này nữa" - tôi lầu bầu. Còn mỗi
năm mươi fơrint. Em lắc đầu : " Tôi nói rồi, hai chục
và giá này bèo bọt. Tôi muốn anh, và hai chục,
và đơn giản là cần. " "Thì thối lại tiền lẻ đi !" - tôi bảo-
"em hiểu chứ, tôi không có hai chục" "Anh thật ngu ngốc"
-em bảo- "Nếu tôi thối tiền lẻ cho anh từ năm chục,
tôi đã không cần hai chục của anh" - em nói, thừa lôgic
Và từ giây lát tiếp theo, đôi môi mở của em đi ngủ.
Tôi nhún vai ("nếu em kiêu hãnh nhường này")
Nhét năm chục vào túi, bắt gặp lại áo khoác của mình,
tôi gõ nhịp chân, bước lên những bậc thang.

Làm sao tôi với tới được tia nắng chiếu
nơi áo quần màu sữa, sơ mi trắng rạng ngời
từ những bậc thang hụt, đến tận nơi trong sạch.
Nơi: gió hú, nước sủi bọt thét gào,
buồn bã tan ra, hững hờ đe dọa,
những bậc thang buồn nôn, những tầng gác – âm không muốn dứt,
bình minh hè, chín trăm sáu mốt.




GẦN NHƯ




„Chúng mình không phải là trẻ con”- em bảo

dù chúng mình đúng là như thế

Em còn trinh nữa là khác, gần như…


thậm chí, em sần sùi gai góc

từ đờ đẫn chất nguyên thủy vô sinh.


Viên ngọc quý nửa vời của anh,

giọt pha lê đục mờ vô cùng sáng giá.



- " Cú điện thoại ngu xuẩn! thật mà…"

quá nửa đêm

- " Vâng…vâng…không…” – bằng một tay

em cuốn sợi dây,

như khư khư kéo hẹp dây giữ chó,

còn tay kia em nắn sửa điệu đàng

váy lót trên thân,

em lạnh, hay che đậy trước giọng phôn (hay trước anh)

cái thân hình trinh nguyên trần trụi

(dù cổ khoét sâu trên, ren viền dưới che gì đậy gì) anh

từ giường, rót rượu, nhả khói

ngắm.


Sau rồi - có thế chứ - em lại chui vào

nhưng thật ra em rúc

tìm hơi ấm lứa đôi đậm đặc, gắn bó với

chăn hơn là với Nhau.

Cho dù ”Chúng mình không phải là trẻ con”

cắt ngang cái hôn đầu tiên (tất nhiên

em không thể cất tiếng) rồi đầy tràn tự trọng

(loại trừ mọi õng ẹo, úp mở) em lột áo quần,

một cách cơ bản, đường hoàng,


nữ anh hùng bất khuất: ”Thì cho qua…”

Cho ai? Qua? - và thế là:

chẳng bao giờ qua (gần như thế…)



Bằng bữa sáng em tỉnh dậy, như thể…

giăm bông, bơ, bánh mì nướng, cafe và chút tàn cô - nhắc.


Từ thang máy, ngoài cổng, trước khi lên xe buýt

Em bình thản, ân cần (không nhìn anh)

Anh đánh trống lảng (vai, chạm khuỷu tay)

như một thằng chồng cũ, một người bạn xa lắc.


-------------------------------------------------------------------------------------

*Ngu ngốc. Em có đôi mắt aquamarin.
Đàn bà có ? Tôi làm sao biết.
Giống như nước trong bể tắm có chất xuyn phát ?
Tôi chỉ muốn, tặng gì đó cho em bất hạnh
như, màu mắt em, và một từ hiếm hoi,
để em đừng nom thảm hại đến tởm kinh
còn tôi, hãy biết cảm thông hơn một chút.

 **Vì bài thơ tuyên chiến với "cái Đẹp"của nền văn học xã hội chủ nghĩa Hungary, Petri bị "tống" ra khỏi văn đàn công khai, nhưng bù lại, cho đến tận hôm nay, người đọc vẫn phải ngạc nhiên vì tính nhân đạo, tình người trong nỗi chua xót của chàng thanh niên đôi mươi với cô gái điếm già...
Bài thơ này được coi như một trong những bài thơ hay nhất của Petri György. NHN.


Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung
(Budapest. 2009-02-14)






No comments:

Post a Comment