Wednesday, September 30, 2015

WASS ALBERT

















TÂM   TRẠNG



Em có nghe? vọng triền xanh núi biếc


tiếng thu vàng xao xác dội về


đúng không em, giờ không thể bằng trái tim vỗ cánh


thổ lộ bình minh cây tý tách đâm chồi?



Thảm lá vàng: cũng là hoa đó


sự sống trong cái chết phập phồng,


trong hoang tàn- đổ nát, hồi sinh



Tin đi em: cuộc đời cũng chỉ là một tâm trạng



Em hãy tin: khuôn mặt hè cháy bỏng


rồi thu vàng lá phủ buồn bã rơi,


cũng chỉ là tâm trạng, thêm một lần tâm trạng…



Hãy tin anh,


trong cái chết không có gì mất mát,


cái chết là quay lại:


bởi tất cả tâm trạng đều là một đời sống


và mọi đời sống cũng chỉ là một tâm trạng


thôi em …



Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung






Monday, September 28, 2015

Thơ CHÂN PHƯƠNG 21



TỪ  NGÀY  EM  RA  ĐI


I

từ ngày em ra đi
tôi tiếp tục sống sót
thỉnh thoảng ghé quán uống cà phê

như sáng nay
với mưa bụi bay bay trên con đường xưa
mỗi buổi trưa đưa em về nhà trọ

từ khi em đi
trời đất có buồn thêm đôi chút
và mưa có vẻ rơi nhiều hơn trước

tôi cũng chẳng còn khinh bạc như xưa
thách đố quỉ thần trên hành tinh vắng

chừ tôi đã quên hết các tình ca
chỉ còn dăm thoáng thẩn thờ
vây quanh câu chuyện ngày qua
cứ ấm ức ấm a:

giấc mơ tái ngộ biết đến bao giờ ?


II

chiều công viên
én chao cánh trong sương

trên mớ vỡ vụn thời gian
cỏ vẽ vời lời vô nghĩa

California
California
giờ này mặt trời sắp mọc

ước gì
tôi có thể quên em
như vừa quên

                                           lũ én bay ngang



III

đêm qua mơ thấy em
em đi em đứng em nói em cười
vô thức trong tôi gào thét
cho cuộc đi dạo hôn mê thành hình
em ơi
bây giờ đâu mất
cho lá vàng xơ xác ăn xin
trời đã cuối thu
hàng cây lối xưa xanh mát
tôi đi về
vắng tiếng nói thần tiên
mây trắng vút cao
em ở nơi nào
có biết
lúc tôi gục mặt nghẹn ngào
gọi nhỏ tên em ?


IV

không còn hướng dương
chẳng thấy mặt trời

tình yêu
đang cạn nguồn diệp lục

Mùa Xuân ơi !


V

hoa hồng
với những nụ hôn

một cái tên
mở đầu mọi thư tình

bao nhiêu ký ức cùng kỷ vật

*

để minh họa
cho một nấm mộ

đời đời
bơ vơ

giữa người chết
tứ bề lạ mặt







Sunday, September 27, 2015

PETRI GYöRGY

Petri György (Budapest,December 22,1943- Július 16,2000)



    Petri György sinh trong một gia đình viên chức tại Budapest ngày 22.12.1943.
1966, ông ghi tên theo học tại khoa Văn học - Triết học Hungary của trường đại học tổng hợp Budapest.
Đầu tiên ông trở thành nhà báo, từ 1974, ông là nhà văn tự do.
Từ 1975 đến 1988 tác phẩm của ông bị cấm xuất bản và lưu hành chính thức. Thơ của ông in trong các báo szamizdat (không chính thức) và ở nước ngoài.
Từ 1981 đến 1889 ông biên tập tờ szamizdat Beszélő (Tờ Phát ngôn viên - tờ báo không chính thức). Là thành viên của đảng đối lập dân chủ Hungary.
Từ 1989 đến lúc mất ông làm trong ban biên tập tạp chí Holmi.
Năm 2000, ông mất vì bệnh ung thư khí quản.

   Nhà phê bình văn học Hungary Ambrus Judit đã viết về Petri Gyorgy như sau:

"…Thơ của Petri György chắc chắn chỉ những ai hiểu và ưa thích ông mới đọc, bởi thơ ông khi đọc lên chắc chắn không đi vào hư vô như một nhà tiên tri, ông không biết gì về tương lai, những giấc mơ êm đềm ít cám dỗ nhất có trong thơ Petri, cũng như sự hung tợn hay dịu dàng không lưu lại nhiều trong tim chúng ta từ những vần thơ của Petri.
…Người hiểu và yêu thích Petri sẽ đọc thơ ông, vì thơ ca của ông vô cùng mạnh mẽ, nó gắn chặt với sự thật bằng những sợi dây cứng rắn, và cũng như thế với cả những sự thật không muốn nghe. Petri không biết đến Thượng đế, hay con người, khi nói về những người bạn có tên là Sự thật và Trí tuệ. Những lúc đó ông không nương nhẹ và rất cứng cỏi. Ông ca ngợi tự do và tình yêu trong các tác phẩm thi ca của mình, một cách châm biếm, khiến những chấn song của hệ thống - nô lệ hàng chục năm trời phải tan ra (tất nhiên, cả những chấn song của tình yêu cũng thế). Nếu có thể tin vào sức mạnh của thi ca, có thể nói thơ Petri György đã góp phần làm tan bức Mành Sắt ( thời Chiến tranh lạnh) trong sự châm biếm và tố cáo.
Sự châm biếm, tố cáo sâu sắc trong thơ Petri dành cho những kẻ không muốn nhận ra, những gì đang xảy ra trên thế giới này. Và nỗi đau ma quỷ của thơ Petri dành cho những kẻ không thừa nhận nỗi đam mê, cùng cái chết. Với những kẻ quen tự lừa dối bản thân, đây là một nền thi ca khó tiêu hóa.
Tất nhiên thật nực cười nếu chúng ta nói, chỉ những người như thế này, thế nọ đọc Petri György. Bởi vì ông đã hút vào tâm hồn mình toàn bộ chất truyền thống của thi ca Hungary. Người nào ngày hôm nay đọc thi ca hiện đại của nước nhà, người đó chắc chắn đọc Petri György. Ông nằm trong số những nhà thơ được thường xuyên trích dẫn, như một trong những nhà thơ Hungary lớn nhất và khó quên nhất của thế kỷ 20 : Petri György – một thi sĩ ma quỷ."

Nguyễn Hồng Nhung 
(08/03/2009)

Thursday, September 24, 2015

LUCIO MARIANI

  NHÀ THƠ Ý  LUCIO  MARIANI



    
     CHÚT  GIÓ  THOẢNG  QUA

Không ồn ào đàn bà chết vào mùa thu
khi mọi cuộc tình từ lâu đều tan cuộc. Không tin
cứ kiểm tra ngày tháng khắc chạm
nơi các nghĩa trang vùng núi với miền duyên hải.
Những giọng nói vừa rời các căn phòng
đàn bà hiểu ngay họ chẳng phải tốn công đợi
chờ tương lai chạm mặt,
và rụng khỏi trái tim theo lóe chớp đầu thu
tựa mớ lá dâu tằm. Không chống trả họ rơi
xuống đáy mẩu tin cáo phó
được lũ âm tiết kín đáo của muộn phiền canh giữ.
Chút hơi gió thoảng qua là đủ.                                        
 (Basta Il Piú Tenue Vento)


                                                                                               CHÂN PHƯƠNG  dịch.






Tuesday, September 22, 2015

BYE BYE SUMMER - Chân Phương



khoảng cách


gió rượt theo giông
trên mặt phẳng thời gian
thổi tứ tán tiếng chim và lời nói

kẻ đã làm thất lạc
trên mọi bờ môi
nụ hôn buồn từ các bài thơ dang dở ---

đối với tôi
mùa hè nào cũng là hè cuối

bàn tay người
bàn tay tôi

có khác chi hai cánh buồm rã rượi
vờn đuổi nhau suốt đời

nơi khoảng cách

giữa          gió           và                         tim

Monday, September 7, 2015

THU ĐÃ ĐẾN PARIS


   

BIEN AIME'E,


Dans un coin calme au quai de Bourbon, je t'e'cris sur un petit banc de bois. Sur la pente douce de la saison finissant, les feuillages aux bords de la Seine commencent a` virer au vert-jaune...
 J'entends de'ja` les notes fre'missantes de l'automne et de la solitude - comme un vol de mouette parmi les sombres nue'es couvrant cet apre`s-midi oisif. Tu es a`la fois si proche et si loin de moi! C.P.








https://www.youtube.com/watch?v=CNGofMQsS8s


ADY   ENDRE


THU ĐÃ ĐẾN PARIS


Thu trốn đến Paris hôm qua
Lướt im lặng trên đường St. Michel
Trong nóng bức, dưới những tán lá mềm
và cùng tôi gặp gỡ.


Đúng lúc ấy tôi đi về phía sông Seine
Đang cháy trong tôi những bài ca-cành khô vụn:
tựa khói vương, kỳ lạ, buồn bã, tím hồng
rằng: ta chết.


Thu lướt đến và thì thào điều gì đấy
Đường St.Michel run rẩy,
Bay bay: lá veo bay rợp phố
những chiếc lá giỡn đùa.


Trong một phút: Hè không hề chùn bước
Thu phá lên cười và bỏ Paris đi mất.
Thu đã đến đây, tôi biết, 
dưới những tán cây rên rỉ,
Thu đã đến đây.




Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung

( Budapest. 2015. september 7.)

https://www.youtube.com/watch?v=CNGofMQsS8s


Tuesday, September 1, 2015

NHỚ DIỄM CHÂU

                                      

  Chạng vạng chúa nhật 16 tháng 8-2015, tôi ngồi xe lửa từ Áo-Đức trở về Pháp. Tàu hỏa dừng ở ga Strasbourg – nơi tôi và Diễm Châu từng chia tay nhau khi tôi có dịp đến Lộ Trấn thăm bạn. Trong ánh ngày tàn, tôi chụp vội tấm ảnh thấp thoáng bóng người đơn chiếc nơi bến ga – như tôi đã đứng 23 năm trước lần đầu ghé Strasbourg. Trong tim óc  vọng lại những cuộc trò chuyện tri âm giữa hai chúng tôi vào thời đen tối sau 1975 tại Saigon, chút hoài bảo văn chương bạn gửi gấm cùng tôi, mấy bài thơ chui chuyền tay nhau…Diễm Châu ơi, tôi xin phép công bố bài thơ này – những câu ông tặng riêng tôi vào lúc ra đi năm 1983 – một bản thảo inédit hiếm tôi còn cất kín cho đến hôm nay.  CHÂN PHƯƠNG
 


GỬI  LẠI  PHƯƠNG  SINH

Hãy cám ơn người họa sĩ thiên tài đã bôi đen giấc mơ anh
Hãy cám ơn người đàn bà có đuôi mắt mũi tên đã biến anh thành thi sĩ
Từng ngày  từng ngày
Những giọt cường toan khắc lên chúng ta những hình thù quái dị
Khi cuộc tình bùng cháy giữa bình minh

Hỡi Phương Sinh !
Kẻ đào huyệt chôn Thượng Đế siêu hình biến những tháp Hời thành biển gió !
Chàng sinh viên có mái tóc Gogol thiêu trong hồn một ông Trang Tử Đỏ !
Này ta hỏi thật anh nhé :
Bây giờ là bao giờ ? Có bao giờ là bây giờ ?

Ba giờ !
Đồng hồ khuya điểm ba tiếng
Kẻ lạ mặt đường đột vào nhà xét hỏi ta quyền cư ngụ trên quả đất
Ta biết hắn là loài cỏ úa mà ta chưa kịp phân chất
Đang đòi quyền leo lên đầu lên óc, bám rễ vào não cân
Nhưng ta ngáp dài, phó mặc cho hắn cả tay chân hai vai rồi mũi mắt

Ta bay khỏi trái tim vào một trời gió lộng
Hỏi áng mây, mây chỉ cánh chim
Hỏi cánh chim, chim chỉ chiếc lá
Ta lại gần chiếc lá
Lá nhủ thầm : trái tim
Cơn bão rứt đứt trái tim ném lên phiến đá

Này Phương Sinh !
Sộng Hoàng Hà đã bao kẻ ngắm ?
Trăng Hoàng Hà còn mấy kẻ say ?
Anh có còn trái tim nào đó – cho ta vay !


   DIỄM  CHÂU
Saigon, tháng 7 năm 1983

 
Trong phòng làm việc DIỄM CHÂU. Hè 1993 tại 14 rue Tacite, Strasbourg.