Saturday, July 11, 2015

ĐỌC VÀ XEM TRANH TRỊNH LỮ



   Còn gì thích bằng, một sáng đầu hè ghé quán cà phê thị xã còn vắng, gọi một cốc đen thơm với chiếc croissant rồi bắt đầu các lạc thú nhỏ cuối tuần với cuốn sách mới tinh chất chứa nhiều bất ngờ thú vị! Đó là tác phẩm của họa sĩ-dịch giả TRỊNH LỮ vừa gửi tặng. Do NXB Hội Nhà Văn ấn hành trang nhã, với hình bìa vừa cool vừa thân thiện – bên bờ hồ cát trắng trời xanh mây phủ, chiếc xe đạp cùng mớ hành trang, họa cụ của tác giả đã chụp bắt phần nào cái thần của cuốn ĐI VẼ - mang thêm tiểu tựa nhật ký hội họa 2014 của Trịnh Lữ do Phạm Long biên soạn và đề tựa.

   Tôi trích một đoạn từ MẤY LỜI THƯA TRƯỚC của nhà biên soạn in trên bìa sau – những dòng chữ phẩm bình của một ngòi bút điểm sách tri âm :

     Càng xem tranh ông, đọc các ghi chép đi vẽ hàng ngày của ông, người mê tranh chữ như được đồng thỏa niềm khát.  Bảng màu của ông dung dị mà sang trọng, bút pháp hàn lâm, thâm hậu, ấn tượng và biểu cảm. Giọng văn ông gần gũi, nhẹ nhàng giàu thi tính, khiến người đọc như đang được rong ruổi xe đạp cùng ông, dựng giá vẽ bên lối mòn trong rừng hay ngồi phệt xuống đâu đó bên vệ cỏ một chiều ẩm ướt; nghe ông thủ thỉ chuyện đời trong khi chứng kiến những nét thiên nhiên hiện dần lên dưới tay bút kỳ tài. …

   Nhâm nhi café croissant và lướt qua ít trang – kiểu cưỡi xe đạp xem tranh – tôi nhận ra ngay phẩm chất lưỡng năng của nghệ sĩ họ TRỊNH, vừa điêu luyện với chất liệu và kỹ xảo sơn dầu trong hàng loạt tranh phong cảnh, vừa ung dung ghi chép kinh nghiệm sáng tác từng ngày với ý thức sáng tạo giàu lý trí phân tích và óc hoạt kê nhẹ nhưng thâm thúy của mặc khách phương Đông. Người đọc may mắn sẽ được tham dự vào quá trình sáng tạo thẩm mỹ ngay tại giao diện của ngoại cảnh và tâm hồn tác giả, nghe họa sĩ tâm sự chuyện bếp núc nghề nghiệp cùng nhiều hé lộ suy tưởng mỹ học. Là kẻ từng có nhiều dịp nhìn ngắm tranh của các họa gia rải rác khắp các bảo tàng Âu-Mỹ, một lần nữa tôi được thưởng ngoạn tinh thần và phong cách impressionist qua các trang ĐI VẼ khi ngọn bút lông của họa sĩ chụp bắt tài tình cảnh vật với màu sắc tùy theo sự biến thiên của ánh sáng và khí tượng. Nếu cẩn trọng đọc từng trang, độc giả sẽ thấy trang nào cũng chứa nhiều câu, đoạn đáng nhớ. Rõ ràng đây là loại sách ta không thể chỉ đọc một lần ! Và tôi xin đọc lại vài đoạn tiêu biểu sau đây :


      …Dự báo mưa cả ngày. …Chiều thì sáng sủa. Và hay nhất là có mây. Vậy là mang panel nhỏ ra vẽ mây trên hồ…Bài tập hôm nay là ký họa mây càng nhanh càng tốt, sau cho bút đưa cùng nhịp với gió mây…Sẽ để đó vài ngày, xem lại và rút kinh nghiệm sau.

   …giải lao một chút thì thấy đã 5 rưỡi, ráng chiều đã thay đổi hẳn, bèn lấy panel khác ra vẽ một bức nữa – lần này thì thu cả một chút đồi cây và rặng cỏ ngay trước mặt vào tranh. Tư nhiên thấy bút đưa phóng khoáng hẳn lên, mà cũng chủ động hơn hẳn : xác định ngay bố cục sáng tối của mây lúc bấy giờ, và không thay đổi theo kiểu đuổi theo nữa. Phần trời mây chỉ một nhoáng đã thành hình gần như hoàn chỉnh. Phần cây cỏ cận cảnh cũng theo đà ấy mà hình thành rất nhanh…. Cảm thấy những nét bút như vấn vít theo mây, sáng lên tối đi với từng khắc biến đổi của nắng chiều…Kết thúc sau khi đưa bút làm sáng hồng mấy chỗ chân trời và mặt nước bên trái. Cảm giác sảng khoái.   (MÂY, 64)



  Trời không có nắng, mây âm u suốt từ sáng. Lại tìm chỗ rừng cây xung quanh Esta Brook. Hôm trước đã để ý chỗ lối đi bộ dẫn vào rừng, hôm nay vì thiếu nắng mà chỗ ấy hóa ra rất đẹp. Mà cảnh thật đã bố cục đâu đấy cả rồi….Lối đi đã phủ lá rụng đầu thu.
   Ngồi một lúc để có giao cảm với bức tranh đang dần hiện ra trước mắt thì lại thấy một bài đàn vọng lên, vẫn là dương cầm, với bè trầm tay trái cầm trịch và tạo hình khối hiện hữu cho tay phải đi giai điệu. Một chương andante còn đang viết dở. Những nét sẫm đầy nhịp điệu kia của cây cối phía sau, cùng những mảng tối khác như đi theo với chúng, đúng là âm hưởng của bè trầm. Giai điệu chính hơp thành từ nhiều dáng vẻ mà màu sắc khác nhau của cây cỏ hai bên lối đi từ xa đến gần. Những nốt sáng điểm xuyết thật kín đáo, đúng chỗ và duyên dáng. Chỉ vừa vặn để cho thấy sự hiện hữu của mọi thứ. Nặng nhẹ mau thưa như phải thế. Không có một chi tiết nào lạc giọng với toàn cảnh. …
   Cảm nhận ấy khiến mình tự nhiên muốn nói lời cảm tạ. Mà chẳng biết nói với ai. Chỉ mơ hồ biết rằng để tạo bè trầm thì mình phải chọn màu này để vẽ lót, chọn cái local color này làm tông chủ đạo cho bức tranh, không phải lưỡng lự half-tone nữa…
   Thiên nhiên vừa bắt đầu nhận mình làm học trò rồi chăng ?
  ( ÂM NHẠC Ở LỐI VÀO RỪNG ,114)

  Tả cảnh, tả tình và thăng hoa cảm nghiệm như thế thì đâu kém văn Colette hay Prishvin. Riêng tôi, một phút bị cuốn theo dòng chữ cùng liên tưởng cảm xúc synesthesia này - trong đầu lại vang vọng mấy câu Baudelaire : 

     Comme de long échos qui de loin se confondent
     Dans une ténébreuse et profonde unité,
     Vaste comme la nuit et comme la clarté,
     Les parfums, les couleurs et les sons se répondent.
                                             (CORRESPONDANCES)


   Nhưng tác giả chưa hết làm chúng ta thán phục. Sau một ngày sáng tác dã ngoại với những thu nhập chân mỹ hay ho như thế, tối hôm ấy ông lại tiết lộ thêm một kiến giải căn bản từ quá trình tu tập của một nghệ sĩ tự trọng và cầu thị - đồng thời là lời nhắc khéo cho thế hệ trẻ đang múa bút huơ cọ loạn xị hôm nay :

   Đêm chưa ngủ bỗng hiểu ra tại sao mình cứ hay nghe thấy đàn nhạc khi giao cảm với phong cảnh. Mối quan hệ giữa các quy luật hòa âm trong âm nhạc và tỷ lệ cũng như nhịp điệu hài hòa trong kiến trúc và hội họa đã được nghiên cứu và tổng kết từ sơ kỳ Phục Hưng…về cây compass thời Trung Cổ và con số 1,618 đã chết đi sống lại nhiều lần trong bí mật về bố cục và thiết kế. Nhưng chỉ khi đọc Charles Bouleau mình mới gặp Alberti và biết đến quan hệ giữa hòa âm và các tỷ lệ hài hòa. Mấy cuốn sách của Alberti viết từ thế kỷ 15 đã được nhiều thế hệ kiến trúc sư và họa sỹ gối đầu giường. Thời « hiện đại » hoài thai từ tâm lý ấm ức phá phách nổi loạn đã xóa bỏ nhiều « khuôn vàng thước ngọc » kia và bắt đầu ngượng ngùng lục tìm trở lại, và cố tìm ra những khuôn vàng thước ngọc mới. Thái độ « nghệ thuật là cuộc sống » cũng bắt đầu thành vô duyên ngớ ngẩn. …Mình cũng thế thôi. Sẽ phải học lại và học tiếp cẩn thận, đầu óc dù có mòn cùn nhưng chắc cũng chưa thành han rỉ.
( ÂM NHẠC Ở LỐI VÀO RỪNG , 116 )

   Giới họa sĩ cũng như tạo hình Việt Nam hầu như không có thói quen ghi chép, đàm luận về chuyện mỹ học hay bếp núc nghệ thuật ; ngoại lệ có lẽ là cụ NGUYỄN GIA TRÍ trong cuốn sách NÓI VỀ SÁNG TẠO do họa sĩ Nguyễn Xuân Việt ghi lại. Theo thiển kiến, tác phẩm của TRỊNH LỮ là loại sách hiếm trong ngôi làng nghệ thuật của chúng ta. Nó sẽ làm bạn tour guide thoải mái dẫn dắt người đọc tham quan không gian kỳ thú và bí ẩn của sáng tạo mỹ thuật. Với một số ít có cơ duyên và văn hóa hội họa, tác phẩm này là một loại yếu lược nhập môn,  PROLÉGOMÈNE POUR UNE ESTHÉTIQUE DE LA PEINTURE  thấm đượm tính cách Việt trong xu hướng vươn lên các chiều kích mỹ học toàn cầu hôm nay.

CHÂN  PHƯƠNG           Hingham Bay, vào hè 2015.

1 comment:

  1. Kính anh Chân Phương, hôm nay tình cờ gặp được bài viết này của Anh, tôi vừa mừng vừa giận mình. Mừng vì như gặp được Anh là tri kỷ trong cách nhìn cách cảm nghệ thuật. Còn tôi giận mình vì sao giờ mới gặp bài anh viết, để lỡ mất những 4 năm trời nhẽ ra đã được trò chuyện hoặc thăm viếng Anh. Dù sao thì muộn vẫn hơn không. Mong Anh nhận ở đây cái tình thực của tôi, viết đôi lời này bày tỏ lòng cảm động vì được một độc giả như anh đón nhận những trang nhật ký của mình thật tự nhiên, trang nhã mà trân trọng. Hy vọng có dịp gặp anh, và những người bạn văn nghệ sỹ của anh nữa. Và cũng xin có lời chào và chúc an lành mạnh giỏi mọi người trong gia quyến Anh. Nay kính. Trịnh Lữ.

    ReplyDelete