Sunday, July 26, 2015

GỬI CỐ NHÂN Chân Phương



Trong vườn chiêm bao




nắng trong vườn chiêm bao


hoa cỏ vọng lời chào


dấu chân ai lạc kiếp


hằn vết suốt đời nhau?



mưa trong vườn chiêm bao


tôi ướt dầm cơn đau


đôi môi nào nếm vội


cho cuộc tình hư hao ?

Sunday, July 12, 2015

BA BÀI TÌNH BUỒN Chân Phương


                                                                                              ĐỘC  HÀNH

suối đục cùng núi thẳm
cất tiếng trễ tràng mời
tay bị với tay gậy
lang thang quá nửa đời

tỉnh mê mê tỉnh mãi
mòn mỏi hai con ngươi
đi cùng trời cuối đất
lỡ làng giữa cuộc chơi

ẨN DỤ LÀ GÌ ?





   Sau khi đã công bố 10 chương sách trên DA MÀU (damau.org), nhà văn-học giả TRẦN HỮU THỤC (bút hiệu TRẦN DOÃN NHO) đã giao việc ấn hành cho nhà xuất bản Người Việt. Vào hè 2015 này quyển khảo luận ẨN DỤ, cuộc phiêu lưu của chữ chính thức ra mắt độc giả bốn phương. Bức tranh bìa đậm chất ý niệm trừu tượng của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi cùng Lời Tựa do nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc cũng góp phần không ít cho  phẩm chất chung của tác phẩm này.

Saturday, July 11, 2015

ĐỌC VÀ XEM TRANH TRỊNH LỮ



   Còn gì thích bằng, một sáng đầu hè ghé quán cà phê thị xã còn vắng, gọi một cốc đen thơm với chiếc croissant rồi bắt đầu các lạc thú nhỏ cuối tuần với cuốn sách mới tinh chất chứa nhiều bất ngờ thú vị! Đó là tác phẩm của họa sĩ-dịch giả TRỊNH LỮ vừa gửi tặng. Do NXB Hội Nhà Văn ấn hành trang nhã, với hình bìa vừa cool vừa thân thiện – bên bờ hồ cát trắng trời xanh mây phủ, chiếc xe đạp cùng mớ hành trang, họa cụ của tác giả đã chụp bắt phần nào cái thần của cuốn ĐI VẼ - mang thêm tiểu tựa nhật ký hội họa 2014 của Trịnh Lữ do Phạm Long biên soạn và đề tựa.

   Tôi trích một đoạn từ MẤY LỜI THƯA TRƯỚC của nhà biên soạn in trên bìa sau – những dòng chữ phẩm bình của một ngòi bút điểm sách tri âm :

     Càng xem tranh ông, đọc các ghi chép đi vẽ hàng ngày của ông, người mê tranh chữ như được đồng thỏa niềm khát.  Bảng màu của ông dung dị mà sang trọng, bút pháp hàn lâm, thâm hậu, ấn tượng và biểu cảm. Giọng văn ông gần gũi, nhẹ nhàng giàu thi tính, khiến người đọc như đang được rong ruổi xe đạp cùng ông, dựng giá vẽ bên lối mòn trong rừng hay ngồi phệt xuống đâu đó bên vệ cỏ một chiều ẩm ướt; nghe ông thủ thỉ chuyện đời trong khi chứng kiến những nét thiên nhiên hiện dần lên dưới tay bút kỳ tài. …

Friday, July 3, 2015

WALLACE STEVENS

  


   Bắt đầu làm thơ khi còn học Harvard, tham gia các nhóm văn nghệ tiền phong ở New York vào những năm khai mạc thế kỷ 20, hợp tác với tạp chí POETRY do Harriet Monroe chủ biên từ 1914 cho đến khi qua đời, WALLACE STEVENS (1879-1955) là một nhà thơ Mỹ hàng đầu của thế kỷ hai mươi. Chịu ảnh hưởng thơ Pháp - đặc biệt là các đỉnh cao của phái Tượng Trưng như Mallarmé, Laforgue và Valéry – ông trở thành gương mặt lớn trong dòng thơ trí tuệ phương Tây, liên tục đối thoại với triết học hiện đại như hiện tượng luận hoặc tri giác luận. Thơ Wallace Stevens mang vài đặc điểm chính của chủ nghĩa hiện đại: vừa tra vấn thực tại vừa thử nghiệm khả tính của ngôn ngữ, đồng thời không quên tháo ráp cái Tôi giả lập với óc tự trào và giễu nhại   (thi pháp này về sau được lý luận hậu hiện đại khai thác tối đa trong cố gắng soán ngôi các thế hệ đàn anh bằng chính thủ pháp sáng tạo của họ !)

   Tôi chọn dịch một số cách ngôn (aphorism) sau đây của Wallace Stevens; phần nào hi vọng giới thiệu đôi chút tư tưởng của một nhà thơ còn khá xa lạ với  độc giả Việt chúng ta.
                                                                                                   
                                                                                   CHÂN  PHƯƠNG