Saturday, August 2, 2014

CHARLES SIMIC







Charles Simic
Photo credit: Richard Drew
 Vừa đọc xong bài Thi Thoại thú vị và thâm hậu của Ngu Yên,khác xa loại ngôn thuyết phê bình và lý luận tràng giang made in VN về thơ ca. Mượn cái cớ bàn về kinh nghiệm sáng tác của Charles Simic, Ngu Yên đã trình bày một cách dung dị về quá trình hình thành cốt cách và sáng tạo ở người làm thơ, đồng thời cho thấy sự trầm tư dài hơi của mình về loại hoạt động nghệ thuật lắm bí ẩn này. Sống trong cô đơn tịch mịch dưới Mái Nhà Thơ, mở hết thần trí đón chờ sự Bất Định và điều Bất Khả Tư Nghì – thi nhân có khác chi một đạo sĩ khi viết ra những câu thơ như thần chú hoặc lời kinh…

   Tôi từng nghe Simic đọc thơ tại Lamont Library ở Harvard trước đây khoảng chục năm. Tôi đã dịch và giới thiệu môt số các ý kiến và suy tưởng về thơ của ông trích từ WONDERFUL WORDS, SILENT TRUTH (University of Michigan, 1990), đăng lần đầu trên website ăn mày văn chương mà Đỗ Kh. cho in lại trên Tạp Chí Thơ. Mời các bạn yêu thơ tìm đọc như một phụ họa cho bài viết trên đây của thi sĩ Ngu Yên. Để kết thúc, tôi xin chép lại một câu cô đọng của Simic gói trọn quan điểm của ông về thiên chức nhà thơ:” The poet asks the philosopher in us to consider the world in its baffling presence.” ( dịch: Nhà thơ kêu gọi triết gia trong mỗi chúng ta nên quan tâm đến cái thế gian đầy  nghi vấn này.)
                                                                                                                                                                 Chân Phương


               Charles Simic – The Uncertain Certainty 
                                                  
                                NGU YÊN 


  Nháp 1: Tứ Thơ Lên Đường Sáng Tạo

"A poem is an invitation to a voyage. As in life, we travel to see fresh sights." – Charles Simic. Bài thơ là một sự mời mọc, một vé mời du ngoạn, để có dịp thưởng thức, nhìn ngắm những sự kiện tươi mới. Người đọc là những người du lịch. Cuộc du ngoạn có khi chỉ là một chuyến dạo chơi nơi cảnh lạ. Có khi là một cuộc thám hiểm rừng già hoặc biển sâu. Có khi là một không gian vô tận.

Thi sĩ là người gửi ra vé mời, thông thường không biết địa chỉ, không biết người nào sẽ nhận lời mời. Một hành động có mục đích nhưng không có mục tiêu. Là người tổ chức cuộc du ngoạn, thi sĩ đã đi với phương pháp bất định. Ông bắt đầu từ một nơi, có mục đích và phương hướng nhưng rồi thường sẽ đến một nơi không hề dự định. Điều ông kinh ngạc sẽ là điều người du lịch kinh ngạc. Ông kinh ngạc càng lớn, thú vị càng nhiều, suy tưởng càng sâu, tâm tình càng mở, trực giác càng nhạy, người du lịch theo sau càng thừa hưởng những giá trị quí báu này.

Người tổ chức giả, tổ chức lấy tiếng, người du lịch bị bắt buộc, người du lịch có ý đồ thất lương, là những người mất thời giờ vô ích. Vì cuộc du lịch có thể vĩ đại nhưng không tìm ra kho tàng châu báu cũng không tìm thấy ngôi vị đế vương.

"I’m in the business of translating what cannot be translated: being and its silence." Dọc theo đời sống biết bao nhiêu những sự việc bị bỏ sót, bị nhìn ngắm chỉ trong một lăng kính quen thuộc. Những sự việc này đã có mặt, đã lặng im. Thi sĩ là người tìm đến. Nhìn bằng lăng kính khác. Nghe bằng nỗi niềm khác. Phát tâm ý bằng một trực giác bất định. Rồi ông sẽ kể lại mới mẻ cho những người đã nhận vé mời đi du ngoạn theo ông.

It isn’t the body
That’s a stranger.
It’s someone else.
Không phải xác thân
Là một kẻ xa lạ
Mà là người khác

We poke the same
Ugly mug
At the world.
When I scratch
He scratches too.
Chúng tôi trơ
Cái mặt xấu
Ra ngoài đời
Khi tôi gãi ngứa
Nó cũng gãi theo
There are women
Who claim to have held him.
A dog
Follows me about.
It might be his.
Những đàn bà
Tuyên bố chiếm hữu hắn
Con chó
Lẩn quẩn theo tôi
Có thể của nó
If I’m quiet, he’s quieter.
So I forget him.
Yet, as I bend down
To tie my shoelaces,
He’s standing up.
Nếu tôi im lặng nó lặng im hơn
Tôi quên mất nó
Rồi khi cúi xuống
Cột dây giày
Chợt nó đứng lên
We cast a single shadow.
Whose shadow?
Chúng tôi cùng chung một bóng
Bóng của ai?
I’d like to say:
“He was in the beginning
And he’ll be in the end,”
But one can’t be sure.
Tôi muốn nói:
“Nó là sự liên hợp ban đầu
Cho đến khi kết thúc”
Nhưng không chắc như vậy
At night
As I sit
Shuffling the cards of our silence,
I say to him:
“Though you utter
Every one of my words,
You are a stranger.
It’s time you spoke.”
Ban đêm
Khi tôi ngồi
Xóc trộn sự lặng im kỳ quặc
Tôi nói với nó:
“Mặc dù anh sử dụng
Tất cả ngôn ngữ của tôi
Anh vẫn là kẻ lạ
Bây giờ, đã đến phiên anh nói”
(Đọc Inner Man của Charles Simic)

Tôi biết đến thi sĩ Charles Simic vào năm 1988. Trong một cuộc gặp gỡ qua The Uncertain Certainty, sách xuất bản năm 1985 bởi Đại Học Michigan. In lần thứ 4, năm 1988. Tôi mua cuốn sách này lúc mới vừa tái bản. Lúc đó tôi rất thích ông. Thơ của ông có bản chất nguyên khởi của sáng tạo và độc đáo.

And then finally there’s your grandmother
Sweeping the dust of the nineteenth century
Into the twentieth, and your grandfather plucking
A straw out of the broom to pick his teeth.
(Charles Simic (b. 1938), Yugoslav-U.S. poet. Brooms (l. 55-58). . .
 American Poetry Anthology, The. Daniel Halpern, ed. (1975) Avon Books).

Rồi sau cùng bà nội xuất hiện
Quét cát bụi thế kỷ 19
Vào thế kỷ 20. Ông Nội nhổ
Một cọng chổi xỉa răng.

Charles Simic nguyên là một nhà thơ Siêu Thực. Thơ ông đầy dẫy những hình ảnh khác thường, đôi khi quái lạ. Sức tưởng tượng của ông không phải đến từ giấc mơ như một số các nhà thơ trong phái Siêu Thực mà đến từ quan sát những sự vật với óc liên tưởng của một kiến thức sâu rộng. Dần dà ông chuyển sang lối thơ có nhiều nhạc tính hơn, ít hình ảnh hơn. Có nhạc thì chưa chắc cần lời. Nhạc thế vào những khoảng không chữ.

The truth is dark under your eyelids.
What are you going to do about it?
The birds are silent; there’s no one to ask.
All day long you’ll squint at the gray sky.
When the wind blows you’ll shiver like straw.
Sự thật đen thầm dưới mắt anh
Làm gì cho sạch sắc màu đen?
Con chim im lặng; không ai hỏi
Anh liếc ngày dài trời xám thêm
Run như rơm rạ khi gió thổi.
……………………………………..
……………………………………..
Winter coming. Like the last heroic soldier
Of a defeated army, you’ll stay at your post,
Head bared to the first snow flake.
Till a neighbor comes to yell at you,
You’re crazier than the weather, Charlie.
Đông đến, anh hùng như người lính
Thất trận thủ đồn ở trạm canh
Tuyết rơi rét lạnh đầu không mũ
Hàng xóm thương tình la thất thanh
Ông đã điên rồi sao, Charlie.
(Đọc Against Winter. Charles Simic)

Điểm độc đáo trong thơ của ông mà tôi muốn giới thiệu là cách sử dụng Tứ Thơ rất tài tình. Đọc thơ của ông ngay câu đầu tiên và mỗi câu tiếp theo, khó mà đoán ông định viết cái gì. Những tứ thơ sung mãn liên tục, những hình ảnh thú vị quấn vào nhau chạy dài theo câu, theo đoạn, những tầng lớp sâu bên dưới của tứ, khiến cho bài thơ đọc xong thấy thích thú, thấy có điều phải suy tư, sau lại khoan khoái khi cho rằng đã cảm được điều ông gửi trong chữ nghĩa. Thật ra, chưa chắc đã đúng theo ý ông nhưng chẳng sao.
Đọc thơ vốn dĩ là cho mình. Người không đọc thơ, khó hiểu được cái lợi ích của thơ. Càng đọc nhiều thơ càng nhìn thế sự bằng những góc cạnh khác nhau. Càng thấy sáng sủa những phức tạp mà người sống cạnh bên thấy rất tối tăm. Đọc thơ hiểu đúng cũng lợi. Hiểu sai, có khi lại lợi hơn. Ông Âu Dương Phong đọc Cửu Âm Chân Kinh lộn ngược mà tạo ra võ công cái thế. Một mình đánh Nam Tăng, Đông Tà và Bắc Cái mà vẫn không thua. Nhưng người tìm đến thơ không phải vì lợi ích mơ hồ đó, chẳng qua đọc lâu ngày tự dưng nghiệm ra khi thấy mình thay đổi.
Thi sĩ Charles Simic đã ảnh hưởng tôi không ít trong một thời gian. Nhất là khi tôi đọc The Old Poetries and the New của Richard Kostelanetz, tôi hiểu được vì sao những nhà thơ Cụ Thể, Thơ Trình Diễn, Thơ Âm Thanh, Thơ Phim Ảnh…. đã chọn những nghệ thuật tín hiệu khác với ngôn ngữ để diễn đạt thơ. Thay vì chọn những tứ thơ bằng chữ bằng lời, họ chọn những phương tiện của nghệ thuật khác làm tứ thơ.
Trong bài thơ Read Your Fate, Charles Simic đã kể lại tâm lý của một người bị ám ảnh về chuyện tình nhân đã bỏ đi. Những hình ảnh cậu bé, con chó, con đường nhỏ trong tứ thơ mở đầu cho thấy một không khí ảm đạm, dằn vặt, cô đơn, buồn buồn. Chuyển qua tứ thơ người tình phản bội vì ham mê sắc dục, vật chất với hình ảnh xe tải mở mui chở cặp tình nhân đú đởn trên ghế dài. Đột ngột. Sắc sảo. Chuyển qua tứ thơ lắng xuống. "Đời việc gì đến sẽ đến nhưng ai bạc bẽo mình cũng không, đành lòng quên". (Sầu Lẻ Bóng. Anh Bằng). Ông chấm dứt bằng cảnh tượng cậu bé, con chó và con gà đuổi theo mối tình phản trắc vào những nơi lạc lõng. Hình ảnh con gà trống bị chặt mất đầu chạy hoảng hốt, chạy không phương hướng trở thành sâu đậm và bàng hoàng. Ông để cho người đọc ngẫm nghĩ về một chuyện rất thường tình trong đời sống: Phản bội. Ai đã từng là con gà trống bị chặt đầu vẫn cố chạy, sẽ hiểu rất rõ điều gì ông muốn nói ở đây. Chỉ những người chặt đầu gà mới không hiểu chuyện này.

A world’s disappearing.
Little street,
You were too narrow,
Too much in the shade already.
Thế giới đang biến dạng
Này con đường nhỏ
Ngươi vừa hẹp
Vừa chìm trong tăm tối quá nhiều
You had only one dog,
One lone child.
You hid your biggest mirror,
Your undressed lovers.
Someone carted them off
In an open truck.
They were still naked, travelling
On their sofa
Ngươi có mỗi con chó
Là đứa bé bơ vơ
Ngươi chôn dấu bóng hình trung thật
Người tình không quần áo
Có kẻ chở họ đi
Bằng xe tải mở trống
Họ vẫn còn trần truồng
Trên băng ghế dài
Over a darkening plain,
Some unknown Kansas or Nebraska
With a storm brewing.
The woman opening a red umbrella
In the truck. The boy
And the dog running after them,
As if after a rooster
With its head chopped off.
Qua cánh đồng tối sẫm
Đâu đó ở Kansas hoặc Nebraska
Có mưa giông kéo đến
Người đàn bà mở dù đỏ che
Trên xe tải. Thằng bé
Và con chó chạy theo
Như theo con gà trống
Đã bị chặt đầu
(Đọc Read Your Fate của Charles Simic)

Tôi lại học được từ Tập thơ Bóng Chữ của Lê Đạt và những lời nhận xét của nhà phê bình Đặng Tiến. Thơ mà khó như những bài toán đầy ẩn số và phương trình thì chỉ dành cho một ít người có trình độ văn học cao. Cái im lặng của thơ Thiền không có nghĩa là "bất khả tư nghị". Cái bí hiểm của Siêu Thực không phải là câu đố, giải án dùng để treo mãi theo thời gian.
Tứ thơ dùng để diễn đạt ý thơ. Cho dù tứ thơ đó chỉ là tín hiệu thông tin. Tứ thơ trong thơ Charles Simic rất khác nhau, có khi đối nhau, nằm bên nhau, nằm trong nhau trong nhưng vẫn phối hợp cho một tứ toàn diện hoặc toàn bài.
Nếu chỉ hiểu Chữ Nghĩa, tự nó là thơ. Cứ sắp vào. Cứ lên xuống. Cứ nhảy hàng, tôi cho rằng đó là một quan niệm sai lầm về thơ. Thơ "bí hiểm" là tự nhu cầu đòi hỏi những tứ thơ có nhiều tầng lớp sâu và nội dung có ý khác thường hoặc cách tư duy, hoặc cách lý luận, hoặc cách sắp đặt không theo tâm lý bình thường. Thử trở lại quá khứ của thi ca, những loại thơ "bí hiểm trình diễn" này, nay đã chìm vào dĩ vãng. Có thể chỉ vì có vỏ mà không ruột. Có thể vì quá hiểm hóc, không mấy ai có khả năng thưởng ngoạn. Hoặc vì thể hiện một cá tính vượt nhân loại.
Thơ không cần người đọc nhưng nếu không có người đọc chắc chắn không có thơ theo lịch sử nhân loại. Vậy thì người đọc là một phần chính yếu cho thơ sinh tồn.

(còn tiếp )

nguồn : damau.org 

No comments:

Post a Comment