Theo dòng
Potomac, cảnh quan hoang dã như thời đầu thuộc địa lúc thổ dân
còn săn bắn và hái lượm.
Chuyến du ngoạn này không chỉ để
ngắm hoa anh đào, thật ra đây là cuộc hành hương lịch sử. Đến Roma thì
phải thăm Vatican; đã tới Washington DC không thể không viếng Mount
Vernon. Theo dòng Potomac từ Alexandria xuống Mount Vernon khoảng hơn chục
cây số, du khách có thể ngắm hoa lá đầu xuân vừa thả tâm tưởng về
thời hoang sơ của văn minh thổ dân còn hái lượm săn bắn quanh vùng ba,
bốn trăm năm trước...Nhưng khi đến nơi, đậu xe mua vé để vào thăm hương
quán của George Washington, tôi nhìn quanh đoàn người xếp hàng chẳng thấy một bóng thổ dân nào. Toàn
bộ đất cát quanh sông Potomac đã trở thành tài sản của các địa chủ
da trắng từ lâu – trong đó có gia tộc của vị anh hùng lập quốc.
Trong khi chờ nhân
viên xoát vé gọi đến nhóm mình, chúng tôi dạo qua trang viên vừa chụp
ảnh vừa thăm các chái hiên nơi thợ thuyền sản xuất công cụ và đám nô
lệ ăn ngủ, mường tượng các sinh hoạt của nền kinh tế nông nghiệp tự
túc ở Virginia 250 năm trước. Washington đã thừa hưởng gia tài tổ phụ năm
1743 rồi mở mang cơ nghiệp sau khi cưới bà góa Martha giàu có. Trước
khi tham gia khởi nghĩa, ông đã cai quản thuần thục năm trang trại cùng
đồn điền rộng tám nghìn mẫu – về điểm này, Washington không khác gì
Lưu Bang hay Lê Lợi vì cả ba đều là hào phú dám ôm mộng bình thiên
hạ.
Ngắm hoa anh đào thủ đô xong,
thiên hạ kéo về Mt Vernon thăm gia trang Washington.
Theo thống kê du lịch, Mount Vernon
là điểm thu hút du khách cao nhất nước. Chưa kể quan khách ngoại quốc
hay các chuyến tham quan học đường, hàng triệu người Mỹ mỗi năm lần
lượt ghé đây không chỉ để tưởng nhớ “Cha già Dân tộc” mà còn để
khẳng định tình cảm của những công dân một quốc gia còn thanh xuân
với bản sắc đa văn hóa chưa định hình.
Nhân
viên canh gác trước dinh thự của cựu điền chủ Virginia kiêm tổng thống lập quốc Washington.
Chúng tôi vào
nhà, đi qua gian phòng trọ dành cho bạn bè phương xa trước khi bước vào sảnh đường trưng bày
một vài đồ vật lịch sử như chiếc ghế tổng thống xưa. Khách viếng
thăm chỉ được nhìn, không được sờ mó hay chụp ảnh trong tòa nhà khang
trang nhưng vẫn giữ kích thước thân thiện, khác xa các cung điện lâu
đài của vương hầu châu Âu cùng thời. Phòng khách có lối ra sân sau
với hàng hiên thoáng rộng nơi chủ khách có thể vừa trò chuyện vừa
ngắm phong cảnh trời nước thanh bình.
Hòa vào đám đông
du lịch, tôi cùng các bạn rảo bộ quanh triền dốc mượt mà cỏ xanh bên
dưới các tán hoa dogwood trắng và redbud tím hồng đang phô sắc cùng
ánh nắng trưa sáng ấm. Dù không học phong thủy, ông điền chủ George
đã biết chọn một địa điểm hữu tình để xây cất mái ấm vừa làm
chốn tiếp tân để mưu toan đại sự.
Sân
cỏ sau ngôi nhà Mount Vernon nơi triền dốc tiếp giáp với bờ sông
Potomac.
Không cần làm sử gia hoặc nhà
nghiên cứu chính trị, có lẽ những ai từng ghé qua chốn này đều xúc
động dù chẳng nói ra khi chiêm ngưỡng ngôi nhà huyền thoại này:
Bao nhiêu hào kiệt và nghĩa sĩ Âu-Mỹ đã tiệc tùng và bàn
bạc chính sự dưới mái ngói kia? Đây có phải là cái nôi đã sinh ra
nền dân chủ đầu tiên trên thế giới ?
Tuy nhiên phần ly kỳ nhất của Mount Vernon lại nằm
cách dinh cơ này chỉ vài trăm thước nơi khu mộ táng Washington. Vừa
bách bộ đi thăm mộ, tôi vừa tóm lược cho các bạn đồng hành nghe câu
chuyện hậu sự khi vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ qua đời.
Sau khi quốc hội nhất trí biểu quyết xây một lăng tẩm
uy nghiêm bằng cẩm thạch cho đấng
anh hùng lập quốc đặt dưới chính điện tòa nhà quốc hội
Capitol,nhiều chính khách miền Nam đã chống lại dự án, vịn cớ là
nơi an giấc nghìn thu của Washington phải nằm tại quê quán là Mount
Vernon. Lại xảy ra chiến tranh lần hai với Anh quốc và nhà Capitol bị
hư hại nên mọi thứ đều đình trệ. Đến hơn ba mươi năm sau gần dịp kỷ
niệm trăm năm sinh nhật cố tổng thống, vào đầu năm 1832 quốc hội lại
họp và tranh cãi kịch liệt về việc cải táng đưa di hài Washington
cùng với phu nhân Martha về thủ đô. Mọi sự lại bế tắc khi người cháu
John Augustine Washington – lúc ấy là chủ nhân gia trang ở Mount Vernon –
cự tuyệt không cho phép ai đụng đến phần mộ thiêng liêng kia. Ông ta xây
mộ táng mới có cổng khóa rồi vứt luôn chìa khóa xuống sông Potomac.
Chúng tôi chen vào đám du khách, cố nhìn tường tận
nấm mộ vĩ nhân yên giấc bên cạnh hiền thê Martha. Rõ ràng có lão gác
cổng tay cầm chìa khóa, chỉ mở cho quan khách có giấy phép đặc biệt
bước vào.
Còn chìa khóa xưa kia ném đáy sông có bị chú cá nào nuốt
vào bụng chưa ? tôi bật cười thầm, vừa nghĩ ngợi về biện chứng
quyền lực trung ương-địa phương ở Hoa kỳ.
Trò chơi dân chủ
cũng lạ – chỉ cần thân hào nhân sĩ miền Nam cùng cháu chắt trong nhà
chống đối mà chính quyền trung ương chịu bó tay thua cuộc. Tưởng
tượng đây là Trung Hoa hay Nga xô, xe tăng đã cán nát khu mộ và thi hài
di cốt của bậc quốc phụ đã bị tịch thu quân quản bất cần ý kiến
dân chúng.
Người viết bài phóng sự du ký
đứng trước mộ phần của George Washington và bà vợ Martha.
Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy vậy
mà hay vì chắc đâu nhà khai sáng chế độ dân chủ Hoa Kỳ muốn đời đời
nằm trong lăng tẩm như đế vương Ai cập hoặc như chủ tịch Mao, Kim,
Hồ... Đã có quá nhiều hài cốt
quá khứ được tôn làm thần thánh để lừa mị lịch sử hôm nay và cả
số phận của nhân loại tương lai. Ta hãy nghiêng mình mặc niệm rồi để
cho bậc vĩ nhân yên nghỉ với giấc mơ dân chủ lý tưởng vẫn chưa thành
sự thực ngay trên đất nước của ngài.
CHÂN PHƯƠNG
Bài viết rất hay và hữu ích cho người muốn du lịch tham khảo thêm
ReplyDeleteCám ơn tác giả Chân Phương
Các bạn đón đọc tiếp du ký và mời chia sẻ bài viết.
Delete