Tác giả bài du ký chụp ảnh với
tượng Einstein nơi góc Viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc Gia tại thủ đô
Washington.
MỘT CHUYẾN DU
XUÂN
Nhân dịp mấy người bạn Cali qua East
Coast để đón Xuân 2016, chúng tôi cùng làm một chuyến du ngoạn đường
trường từ Boston xuống Washington D.C. Rời nhà khoảng 7am, tôi men theo
mấy trục lộ phía Nam, cắt qua tiểu bang Rhode Island rồi vòng ven biển dọc tiểu bang
Connecticut theo xa lộ liên bang 95. Là một trong vài tuyến chủ
yếu trong hệ thống xa lộ Hoa Kỳ – một kỳ quan kỹ thuật tốn kém nhất
trong lịch sử kiến trúc loài người được bắt đầu thi công dưới sự
chỉ đạo của tổng thống Eisenhower – xa lộ 95 nối liền các tiểu bang và trung
tâm đô thị trên bờ biển miền Đông East Coast từ Maine xuống tận Miami
cuối tiểu bang Florida. Nhưng trước khi đến gần New York City, tôi lách
qua hướng cầu Tappan Zee tìm lối xuống phương Nam qua xa lộ Garden State
Parkway của tiểu bang New Jersey để tránh đoạn xa lộ 95 duyên hải có
mật độ lưu thông nhiều nhất nhì nước Mỹ, và nhất là tránh cây cầu
George Washington từ New York băng qua sông Hudson. Còn nhớ mới đây vào tháng Giêng khi cùng lái với Nguyễn Trọng Khôi về Virginia dự
tang lễ họa sĩ Đinh Cường, tôi đã ngồi sốt ruột khá lâu sau tay lái trên
khúc cầu này vì bị kẹt xe giờ trưa. Làm sao tránh khỏi bị kẹt và
mất thời giờ khi xuyên qua đại trung tâm New York có lẽ là mối quan tâm
hàng đầu của mọi tài xế nào từng lái trên xa lộ 95.
Quá trưa qua khỏi New Jersey, tôi lên lại Interstate 95 cắt chéo
tiểu bang Pennsylvania. Dù con đường dài, cảnh vật lập xuân chào đón
khách du lịch theo suốt hành trình khiến cho tâm hồn phơi phới như lộc
non, càng lúc càng chớm nở nhiều thêm trên các cánh rừng xuôi về
Phương Nam nắng ấm. Sắc trắng dogwood cùng màu tím hồng redbud hoan ca
như một khúc song tấu của đất trời vùng Bắc Mỹ khiến tài xế kiêm
tour guide là tôi càng phấn chấn phóng nhanh, thần trí vui tươi như mấy
bụi forsythia vàng rực tựa hoa mai đôi lúc lại xuất hiện bên đường.
Gần 5pm, chúng tôi nghỉ xả hơi và đổ đầy xăng gần Baltimore –
đại đô thị của tiểu bang Maryland và được giới văn chương biết nhiều
vì Edgar Allan Poe đã sống những năm cuối đời ở đây và nơi phố cổ
Baltimore còn dăm tửu quán tiệm sách trước kia thi hào này thường lui
tới. Khi lên xe nổ máy tôi nêu ra vài con số cho các bạn miền Tây có
thể so sánh: “Boston đến Baltimore trên dưới 400 dặm anh, tương đương
khoảng San Francisco – Los Angeles. Từ đây xuống Washington còn thêm một
giờ lái nếu không bị tắc kẹt.” Và đúng như lời, khoảng 6pm tôi len
lỏi tìm chỗ đậu giữa xe cộ thủ đô lúc tan tầm chiều thứ năm, sau khi
đã lái quanh vòng đai Capital Beltway xuống hướng đông-nam tìm lối vào
các đại lộ bên dòng Potomac. Cũng giống Paris hay Boston, thủ đô Hoa Kỳ
triển khai lưu thông bằng các xa lộ vòng đai/beltway hoặc
périphérique/ngoại vi như dân Paris quen gọi. Những ai biết dùng hệ
thống giao thông nói trên sẽ di chuyển thoải mái khi phải lái xe vào
các siêu-đô thị/megalopolis rối rắm phiền toái của thế kỷ 21 nhức đầu
này.
Sắc trắng
tinh khôi của các nhánh anh đào bên sông Potomac gần Đền Tưởng Niệm
Tổng thống Danh nhân Thomas Jefferson.
Chúng tôi có diễm phúc viếng thủ đô vào giai đoạn cực điểm
của tiết anh đào. Sau Phục Sinh, hàng triệu du khách đang hướng về
thủ đô Washington để mừng Xuân và ngắm hoa tươi. Bên dòng Potomac, đất
trời vang vang khúc nhạc hồi sinh. Nhờ luồng khí thái bình dương El
Nĩno hâm nóng lục địa nên mùa đông qua nhanh và ít lạnh giá so với
các năm trước khiến thảo mộc khắp vùng Đông Bắc sinh sôi trước thời
hạn. Chiều hôm ấy 31-3-2016, mặc dù bầu trời nhiều mây che phủ cảnh
quan, chúng tôi nhanh bước cùng các du khách kéo về hai bờ sông quanh Tidal Basin để thăm Công viên Anh Đào vào
tuần khai mạc Lễ hội Cherry Blossoms Festival thường niên kéo dài
khoảng ba tuần.
Công viên ở thủ đô Washington là món quà dân Nhật tặng nước Mỹ
vào năm 1912 gồm 3.020 gốc cây tập hợp 12 giống Anh Đào Nhật Bản. Sau
nhiều năm sinh trưởng và thích nghi với phong
thổ mới, các giống Anh Đào này đã được người Nhật xin mang về trồng
lại nơi cố quốc vì thiên tai và thay đổi sinh thái đã làm hư hại
nặng các vườn anh đào trên đất Nhật . Cần
thêm một chú thích - vì khó thể bám sát thông báo khí tượng như dân
bản xứ cũng như thời vụ anh đào thay đổi với thời tiết mỗi năm,
nhiều du khách nước ngoài đến DC để ngắm Anh
Đào đành ấm ức ra đi dù nụ đã tràn đầy trên mọi nhánh cây. Họ phải hẹn năm
khác sẽ tái đáo chỉ vì họ không thể ở nán thêm vài ngày chờ lúc
khai hoa.
Ngắm hoa xuân, chụp ảnh digital và gửi
ngay bằng smartphone cho gia đình bạn bè là niềm vui phổ biến của
thời đại global tourism/du lịch toàn cầu hóa – phải không bạn đọc gần
xa ? Nếu có thêm văn tài, mượn ngòi bút thuật tả chuyến đi để sống
lại lần thứ hai một kinh nghiệm đáng nhớ – như Anais Nin từng nói –
thì còn lạc thú nào hơn ? Dù sao, lời văn miêu tả giàu liên tưởng
cũng khó tranh đua với nhiếp ảnh khi ngoại vật được chụp bắt ngoạn
mục và phong phú hơn ngôn ngữ. Thế thì ta dại gì không vay mượn lợi
khí của các nghệ thuật thị giác để minh họa thêm vào dòng tự sự
hay du ký ?
Du khách chụp ảnh dưới mấy gốc redbud
gần tháp tưởng niệm Tổng thống Anh hùng – GEORGE WASHINGTON.
Tản bộ loanh quanh ngắm trời mây hoa cỏ cùng cảnh sinh hoạt của
du khách cộng với dân thủ đô cho đến khi chiều xuống, cả bọn lại lên
xe cho tài xế lái về Alexandria dọn hành lý vào phòng khách sạn rồi
đi ăn tối. Dĩ nhiên là mọi người đều ngon miệng sau ngày dài đường
trường và thể dục cặp đùi, chưa kể quán Mai Thai tọa lạc cạnh sông
Potomac là một tiệm ăn Thái thuộc loại uy tín nằm quanh thủ đô có vô
số thương hiệu đẳng cấp với không ít đầu bếp lừng danh. Vừa nhâm nhi
chai bia Singha vừa nhìn đèn đóm từ mấy giang thuyền chở khách trên
sông thanh vắng, chàng tour guide cảm thấy hài lòng vì đã làm xong
nhiệm vụ cam go của bước khởi đầu chuyến đi thiên lý.
***
Sau cơn mưa phùn tinh sương, bầu trời trên thủ đô sáng dần hứa
hẹn cho một ngày nắng đẹp khai trương tháng Tư. Điểm tâm xong, chúng
tôi rời Crowne Plaza Hotel trở vào DC. Tìm được chỗ đậu xe gần
Lafayette Park, cả bọn rảo bước qua công viên tràn ngập cỏ xanh với hoa
tulíp tiến về mặt sau tòa Bạch Ốc đang được tăng cường an ninh vì
cuộc họp thượng đỉnh về an ninh hạt nhân đang diễn ra giữa Obama cùng
giới lãnh đạo các nước. Bất kể hòa bình hay chiến tranh, mục đích
chính của du khách là chụp cho được tấm ảnh trước White House, dù
chỉ thấy mặt sau. Tôi quan sát nhanh và đoán thấy một phần khá lớn
khách viếng thăm chẳng phải dân Mỹ – họ đã bay từ Trung Đông, Âu châu
hoặc Á châu để tận mắt nhìn ngắm dinh cơ của tổng thống Hoa Kỳ.
Trong lúc các bạn chụp ảnh cho nhau, tôi vừa thưởng ngoạn thảo
mộc tràn trề sinh lực dưới ánh nắng đầu xuân vừa liên tưởng mông
lung: Những nụ tulíp thắm tươi trước đây từng làm tiêu vong thị trường
chứng khoán Hòa Lan – có biết chúng đang chứng kiến từng ngày sự
thịnh suy thăng trầm của quyền lực thế gian bên trong tòa nhà sơn
trắng kia ? Tại địa điểm này, nhà sử học hay triết gia không thể
không nhớ đến Caesar, Gengis Khan, Napoleon, Washington...Trong khi cây cỏ
nhảy múa theo chu kỳ sinh thái, nhân loại quay theo cái gì – quy luật
thị trường, biện chứng lịch sử, xung đột văn hóa-tôn giáo, hay sáng
tạo khoa học-kỹ thuật ? Và bức ảnh đẹp như bưu thiếp trên đây vẫn
không thể khiến tôi cũng như đa số dân Mỹ quên đi cuộc vận động tranh
cử quyết liệt đang diễn ra từng giờ khắp nước mà mục tiêu chính là
Cái Ghế trong Toà Nhà Trắng có vẻ hiền lành vô hại kia.
Ghé quán Starbucks gần đó giải khát, tình cờ chúng tôi chứng
kiến nơi góc Farragut Square một chuyện ly kỳ không kém phim trường
Hollywood. Từ mấy xe cơ giới có trang bị chuyên nghiệp, một toán an
ninh DC được huy động nhanh gọn để tiếp tay cảnh sát giao thông canh
chừng và giải tán nhóm thanh niên đang biểu tình giữa bãi cỏ công
viên chống mối nguy vũ khí hạt nhân. Không ngờ được xem action movie
miễn phí, tôi nhanh tay nhanh mắt chụp được vài tấm ảnh tư liệu để
share với cộng đồng facebook. Điều bất ngờ này cũng là phần thưởng
bonus cho các bạn du khách Cali – đâu ngờ tại chốn thủ đô trang nghiêm
họ được tận mắt trông thấy một hoạt cảnh khiến dân Beverly Hills sẽ
ghen tuông.
Các thanh niên biểu tình đang kéo dây hạ bệ cái bong bóng
tên lửa theo lệnh của an ninh.
Thay vì ăn trưa trong thủ đô, tôi lái
qua Georgetown. Khu ngoại thành phía tây-nam này trước kia là thị trấn
đông dân cư khi Washington DC chưa được thiết kế mà chỉ là những mẫu
ruộng hay đất trống bên tả ngạn dòng Potomac. Nay Georgetown là khu
phố thu hút giới sành điệu có tiền với nhiều thương hiệu sang trọng
kiểu luxury boutique và các tiệm ăn tửu quán thượng hạng. Đây cũng là
nơi cư ngụ của giới quyền thế của thủ đô, như ngoại trưởng Kerry. Tiện
đường tôi vào khuôn viên Georgetown University cho các bạn tham quan đại
học Công giáo đầu tiên ở Mỹ do các cha Dòng Tên sáng lập năm 1789. Đại
học này rất quen thuộc với chính khách Washington vì không ít người
trong giới họ đã từng học bộ môn ngoại giao tại đây dưới mái trường
danh tiếng School of Foreign Service thành lập từ 1919. G.U. hiện đang tai
tiếng vì từng buôn bán dân nô lệ vào năm 1838 khi các cha quản trị đại học quá túng tiền - vụ án lịch sử này đang âm vang khắp các đại học Mỹ
từng có quá khứ không minh bạch về mặt này, kể cả vài trường Ivy
League như Harvard, Brown, Columbia...Đứng trên triền đồi nhìn quanh khu
đại học, tôi lại có dịp nghĩ ngợi về lịch sử : Khi những oan khuất
trong quá khứ không được giải quyết, chúng sẽ chờ ngày xé màn đen
lịch sử bước ra đòi công lý trước tòa án lương tâm của toàn nhân
loại, chứ chẳng riêng gì pháp đình của quốc gia A hay quốc gia B...
Ảnh chụp giữa khuôn viên nửa cổ kính
nửa tân trang của Georgetown University khoảng trưa thứ sáu, April 1rst.
Xuống phố tìm
được chỗ đậu xe bên hè đường nhộn nhịp – đây là một cơ may hiếm không
thua gì một khoảng parking giữa New York hay Paris - tài xế hớn hở
cùng các bạn bước vào Café Milano, quán ăn Ý với các món
pasta và pizza đặc chế với cà tươi nhập cảng từ hương quán của chủ
nhân. Trong khi chờ mấy hầu bàn trong đồng phục đen bày dọn thức ăn,
chàng tour guide vui miệng kể lại giai thoại Georgetown của mình. Hơn
chục năm trước, trong một đêm giang hồ solo tìm ra Martin’s Tavern không
còn bàn và chỗ đứng trước quầy rượu, chàng đã nương theo âm thanh
đường phố lạc bước vào Blues Alley – quán nhạc jazz lẫy lừng trong
giới mộ điệu cả nước – Byrd, Mingus, Gillespie...từng trình tấu cũng
như Eva Cassidy đã hát và thâu nhạc sống tại đây. Ôi những kỷ niệm rơi
rớt theo năm tháng tha hương; và những người bạn văn nghệ vùng thủ
đô như Đinh Cường, Phùng Nguyễn...
cũng lần lượt đi mất!
Thôi ta hãy quay về hiện tại, tiếp tục
cuộc du ngoạn đang hào hứng. Có miếng pizza béo dòn dằn bụng, tôi
lại cầm lái vòng vèo các lối xưa xe ngựa nhìn ngắm những biệt thự
colonial tôn nghiêm và sang trọng của giới trưởng giả địa phương. Trước
khi quay ngược vào Washington, tôi không quên ngừng xe nơi góc phố chéo
Martin’s Tavern cho mấy bạn chụp ít tấm lưu niệm. Làm sao họ chẳng
quan tâm đặc biệt khi biết chuyện John Kennedy – lúc ông mua nhà ở Georgetown khi làm thượng nghị
sĩ tại DC – đã hẹn hò Jacqueline và cầu hôn nàng suốt hai năm trong
tửu quán này. Cái bàn nơi bà first lady cao số từng cụng ly champagne
với vị tổng thống bạc mệnh kia vẫn đón thực khách mỗi ngày; và
các cặp yêu nhau vẫn dating tại đây để cùng hy vọng một cuộc hôn
phối tốt lành.
Nơi hẹn hò
của tài tử giai nhân thủ đô Washington – tửu quán MARTIN’S TAVERN trong
khu phố cổ Georgetown.
Trở lại bờ Potomac khoảng 4pm, chúng tôi bách bộ dưới ánh nắng
xế trưa ấm dịu giữa các công sở bề thế của chính quyền trung ương.
Loanh quanh tìm một ngả tư có đèn đỏ để băng qua đại lộ Constitution,
trời xui đất khiến thế nào tôi đụng vào pho tượng Einstein mai phục
chờ đợi nơi góc sân thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc Gia. Số là
trước kia tôi từng theo học Terminale C rồi thi đậu Tú Tài ban Toán có mention , nhưng có lẽ bị óc
tưởng tượng với máu lãng mạn dụ dỗ tôi lại trở thành sinh viên văn khoa
ở Sài gòn.Từ khi “ bỏ Võ theo Văn “, tôi vẫn có mặc cảm của kẻ
phản đạo. Tưởng rằng trọn đời mình sẽ không còn làm phiền các giáo
sư toán học hay các chuyên gia vật lý nữa, đâu ngờ hôm nay tôi lại gặp
Tổ Sư!
Thế là tôi đành bước tới bái tổ và
chụp tấm ảnh với nhà đại bác học cùng công thức kinh thiên động địa
đã gây ra bao nhiêu cuộc họp thượng đỉnh giữa các nguyên thủ và giới
khoa học, chưa kể những lần xuống đường chống vũ khí nguyên tử của
dân chúng khắp nơi vì mối lo tận thế do chiến tranh hạt nhân gây ra.
Kể lại giai thoại cá nhân này, tôi hy vọng các bạn đọc thông cảm và
hiểu ra lý do vì sao tôi đã mở màn bài du ký này bằng tấm ảnh chụp
chung với Einstein ! Dù sao tôi cũng nhủ bụng: Nếu còn đầu thai kiếp nữa,
tôi sẽ trung thành với toán học và cố gắng biên soạn luận án về
thuyết tương đối.
Hứa hẹn như thế xong, tôi thấy nhẹ
lòng và vui bước theo các bạn tiến vào không gian quang đãng của THE
MALL – tập hợp kiến trúc-công viên tráng lệ quy tụ mọi du khách đến
thủ đô. Các bạn tôi muốn viếng tượng đài Lincoln rồi thăm Bức Tường
VN War gần đó. Sau khi đã ngắm hoa anh đào chán chê, thiên hạ tấp nập
tụ về Lincoln Memorial xây theo phong thái đền đài Hy lạp bên trong chứa
pho tượng của vị Tổng thống Cứu Quốc trong Nội chiến Bắc Nam 1861-65
– cuộc tranh chấp đẫm máu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Không chỉ là Anh
hùng Cứu Quốc đã đánh bại liên minh Confederation của 11 bang miền Nam
ly khai, Abraham Lincoln còn được thế giới ngưỡng mộ khi ông tiếp tay
Quốc Hội ra Luật Tu Chính Amendment 13 xóa bỏ chế độ nô lệ trên toàn
quốc sau ngày thống nhất giang sơn.
Quang
cảnh du khách viếng Đền Tưởng Niệm Tổng thống ABRAHAM LINCOLN.
Tượng LINCOLN dưới dòng chữ đại ý: Dân
chúng đời đời nhớ ơn Đấng Cứu Tinh đã tái thống nhất nước nhà.
Không
xa bao nhiêu là Bức Tường VN War bằng hoa cương đen khắc
tên hơn 58.000 quân sĩ Mỹ chết trận ở Việt Nam, hoàn thành cuối 1982
theo đồ án của Maya Lin lúc cô là sinh viên môn Design ở Yale. Mỗi khi
viếng thăm, thân nhân bạn bè các tử sĩ thường để lại chân tường bó
hoa, hình ảnh, huân chương hay đồ vật tùy thân của người chết – tất
cả kỷ vật ấy nay đã trên con số 400.000 và sẽ được trưng bày trong Trung
Tâm Cựu Chiến Binh Việt Nam đang trong dự án thực hiện.
Như tấm gương, mặt đá hoa cương đen phản chiếu giờ phút mặc niệm hay trầm tư của các du khách. |
Ánh nắng chiều xuân tươi sáng mời
gọi đủ thứ máy ảnh. Trên bậc thềm dưới chân đền Lincoln nhìn xuống mặt hồ phản chiếu Reflecting Pool, thiên hạ vui cười
nhìn vào các ống kính. Đằng xa theo đường thẳng là Tháp nhọn tôn
vinh Anh hùng Khai Quốc George Washington, rồi đến Tòa Quốc Hội trên
đồi cao. Trên quả đất chúng ta, ít nơi nào có được cảnh trí uy nghi
như thế. Đứng chiêm ngưỡng kỳ quan, tôi chợt nhớ đến Pierre Charles
L’ENFANT, người đã thiết lập đồ án thủ đô này.
Tòa Quốc Hội phía sau Tháp Washington –
cặp biểu tượng của thủ đô.
Không giống Paris, London, Bắc Kinh,
Moscow...là những kinh thành phát triển theo thời gian từ một điểm
quần cư xa xưa, Washington là một biến cố kiến trúc có một không hai.
Khi thắng đế chế Anh quốc dành được quyền độc lập, quốc gia này chưa
có thủ đô. Lúc chính phủ mới được Maryland và Virginia nhượng cho
vùng đất – nay là quận hạt District of Columbia - nằm giữa hai tiểu
bang bên dòng Potomac, tân tổng thống Washington đã mời nhà kiến trúc
Pháp P.C. L’Enfant trong đội quân tình nguyện theo tướng Lafayette sang
giúp sức cho cuộc khởi nghĩa Hoa Kỳ.
L’Enfant nhận lời và khởi công đo đạc địa hình khắp vùng vào
mùa xuân 1791. Đâu có ai ngờ thủ đô tương lai của đệ nhất siêu cường bắt đầu từ tia lóe chớp trong óc tưởng
tượng của một con người. Dĩ nhiên là cần cả trăm năm để kiến
tạo thủ đô hoành tráng này từ
những thửa ruộng với gò đống bỏ hoang. Nhưng hình thù đại thể của
Washington DC ngày nay đã tôn trọng các nét vẽ trên giấy của nhà kiến
trúc thuở xưa. Đặc biệt nhất Tòa Quốc Hội trên đồi nằm ngay trung tâm
thủ đô là điểm son của một quốc gia dân chủ biết trao cho Luật Pháp
quyền lực tối cao – và điều này chính là ý nguyện tâm huyết của
L’Enfant, người từng nuôi trong óc tim giấc mộng cộng hòa chống lại
vua chúa Pháp và vương quyền khắp lục địa châu Âu lạc hậu.
Coi như mãn
nguyện sau hai ngày cưỡi ngựa xem hoa, tài xế với bạn đồng hành lên
xe , qua sông theo Washington Parkway về Alexandria lúc chiều xuống. Dù
không nói ra, nhưng có lẽ mọi người đều có chung ý nghĩ: Anh đào mỗi
xuân vẫn khai hoa, thủ đô vẫn biến hóa theo lịch sử cả nước cùng thế giới, kẻ du
khách dù từ biệt chốn này vẫn hy vọng có dịp quay lại.
So long Washington DC, see you next time...
CHÂN PHƯƠNG
No comments:
Post a Comment