SAIGON, QUI
MEURT…
Tháng
Tư 1975! Sau Ban Mê Thuộc, Đà Nẵng, Nha Trang mất…Dân tình nhốn nháo, một số tìm
cách theo Mỹ ra đi, bạo lực chiến tranh trùm phủ bầu khí Sàigòn, ngoại ô xa đã bị pháo
kích…
Một buổi
trưa rời đại học Văn Khoa và đám sinh viên đang hoảng loạn, tôi phóng mô tô qua
Institut – viện Văn Hóa Pháp ở Đồn Đất – tìm chút tĩnh lặng trong mấy trang
sách báo, cố duy trì thói quen trầm tư với chữ nghĩa dù binh lửa cận kề. Cầm
trên tay LA NOUVELLE REVUE FRANCAISE , Avril 1975 – nguyệt
san từ Paris vừa gửi đến – tôi mở ra trang đầu và gặp phải bài L’année quarante của nữ thi hào Anna
Akhmatova. Đây là bài thơ khóc Paris vào năm 1940 khi nước Pháp thua trận và thủ
đô bị quân Đức chiếm đóng. Tại sao nhà Gallimard lại cho đăng bài thơ này khi
Sài gòn đang hấp hối từng ngày ? Ban biên tập của NRF có chủ ý
gì chăng? Dân Pháp làm gì không biết là Nam Việt Nam sắp mất!
Kỷ niệm
văn học ấy khó phai trong trí nhớ, như một vết bỏng thời thế còn hoài dấu tích.
Mỗi lần sang Pháp đi lùng sách báo cũ khắp các nhà sách lạ hay quen, tôi vẫn
chú tâm tìm lại vài tài liệu gắn bó với đời mình – trong đó có số tạp chí tháng
Tư 1975 trên đây. Và, điều không ngờ vẫn đến, tôi đã lục tìm ra tờ nguyệt san
đó trong một quán sách bên sông Seine…
* * *
Khi người ta chôn một thời đại
Chẳng lời hát tang chế nào cất lên.
Để
trang trí cho mộ phần kia
Chỉ thấy
cúc gai với tầm ma
Và
chỉ có bọn đào huyệt hối hả
Ra
tay nhanh gọn vùi lấp nó.
Giữa niềm im lặng
sâu không đáy
Khiến
ta nghe được thời gian đi qua.
Rồi
thời đại nổi lên như thi thể
Lênh đênh sông nước lúc xuân về.
Nhưng đứa con chẳng còn nhìn ra mẹ
Và thằng cháu quay lưng vì quá chán.
Các cái đầu lại càng cúi thấp hơn
Dưới đòn cân chậm chạp của vầng trăng .
Niềm im lặng ấy trị vì
Trên Paris
đang chờ chết.
Có lẽ cần diễn giải đôi chút về mấy câu trên đây : không chỉ khóc thương nước Pháp, nhà thơ còn muốn gửi gấm tâm tư với dân tộc mình đang rên siết dưới chủ nghĩa Stalin tàn bạo. Người chiến sĩ của lương tâm và chứng nhân của thời toàn trị (với trường ca REQUIEM bất hủ), Akhmatova đâu ngờ sẽ có lúc một độc giả từ phương trời xa đọc thơ bà với nỗi xúc động của kẻ vừa nghe lời sấm giảng.
Hôm nay tôi dịch bài thơ này như một nỗi niềm
riêng, đồng thời tặng các thân phận một thời từng gắn bó với Sài gòn. Đã bốn mươi
năm qua, một thời đại cùng vô số nhân mạng bị chôn vùi theo số mệnh miền Nam.
Và ngày 30-4-2015 này, ngoài bao nhiêu thứ đang ngắc ngoải sống mòn tại quê nhà
dưới bóng chế độ âm u, còn chăng những mầm hạt đang đâm chồi cho Mùa Phục Sinh Dân
Tộc ?
CHÂN
PHƯƠNG
Ảnh chụp một ngày mưa Sài gòn sau 30-4-1975. |