Nhà thơ TÔ THÙY YÊN được đại học YALE mời đọc thơ để tưởng niệm ngày Sài
Gòn Thất Thủ (The Fall of Sài Gòn) vào chiều 26 - 4 - 2017 cùng với hai thi sĩ
ĐINH LINH và PHAN NHIÊN HẠO. Tôi được vinh dự lên nói đôi lời giới thiệu TÔ
THÙY YÊN bằng Anh ngữ truớc thính giả, phần lớn là sinh viên đại học ; rồi sau
đó tôi cũng đã đọc lời giới thiệu qua tiếng Việt tại trung tâm VIỆT-AIDS ở
Boston khi thi sĩ TÔ THÙY YÊN nói chuyện và đọc thơ với đồng bào tại đây đêm 28
- 4 - 2017. Dưới đây là bài phát biểu của tôi dịch sang Việt ngữ với đôi chỗ hiệu
đính. CHÂN PHƯƠNG
ĐÔI LỜI VỀ NHÀ THƠ TÔ THÙY YÊN
Kính chào thính giả
và các bạn tham dự đêm đọc thơ,
Có lẽ những độc giả quan tâm đến văn học tiếng Việt hôm nay ít nhiều đã
đọc qua Tô Thùy Yên. Tôi chỉ xin nhắc lại vài con số để phác hoạ chân dung lịch
sử của nhà thơ. Sinh năm 1938, khi cuộc chiến VN lên cao điểm năm 1968, Tô Thùy
Yên được 30 tuổi. Sau 1975, qua nhiều trại tù cải tạo cho đến khi được tha năm
1988, nhà thơ đã 50. Năm năm sau, ông theo chương trình H.O. qua Mỹ với gia
đình và sống cuộc đời di dân cho đến hôm nay. Những năm tháng và biến cố ấy là
những cột mốc giúp chúng ta đi sâu vào thế giới thi ca của ông .
Tôi xin kể một giai thoại cá nhân. Mùa xuân 1986, tôi hân hạnh được hội
kiến Thanh Tâm Tuyền trong một quán cà phê ở Đa kao, Sài gòn. Lúc ấy tôi là một
nhà thơ chui, còn Thanh Tâm Tuyền là thi sĩ đầu đàn vừa là một trong những vị
khai sáng văn học hiện đại ở Việt Nam.(Ông là một thành viên của nhóm Sáng Tạo
sáng tác và cỗ xúy thơ văn tiền phong avant-garde.) Lúc ấy, ông vừa được trả tự
do sau nhiều năm học tập cải tạo trong khi Tô Thùy Yên thì còn bị tù giam ngoài
Bắc. Cũng khá trớ trêu, phần lớn các tên
tuổi Sáng Tạo đều trải qua các trại tù cải tạo; vài người nhanh chân trốn thoát
thì lưu lạc xứ người như Mai Thảo...Trong cuộc nói chuyện và đôi lần gặp mặt
sau đó, Thanh Tâm Tuyền đã nhắc đến Tô Thùy Yên với nhiều cảm tình và quí mến -
đặc biệt đối với sự tu luyện về ngôn từ và nghệ thuật của nhà thơ chúng ta. Tôi
được biết biệt hiệu "Ông Tiên" do chính Thanh Tâm Tuyền nói ra. (Tên thật của thi sĩ Tô Thùy Yên là Đinh
Thành Tiên).
Năm 18 tuổi, nhà thơ sáng tác bài Cánh
Đồng Con Ngựa Chuyến Tàu –
Tàu
chạy mau tàu chạy rất mau
Ngựa
rượt tàu rượt tàu rượt tàu...
Tàu chạy mau càng mau càng mau
Ngựa ngã lăn mình mượt như cỏ
Chấm giữa nền nhung một vết nâu
Bài thơ bộc lộ tài năng trẻ tuổi
- một Rimbaud của Sài gòn - với nỗi ám ảnh rất Nietzsche luôn luôn vươn lên đỉnh
cao bất chấp mọi gian truân.Theo tôi, hình tượng con ngựa chạy đua với chiếc
tàu chính là thi nhân đuổi theo Sáng Tạo và Vinh Quang, hoặc Lịch Sử và Định Mệnh.
Nhưng bài thơ đồng thời cũng mang một linh cảm - hai mươi lăm năm sau , không
phải thần mã Pegasus rượt đuổi Sáng Tạo mà là người lính bại trận giữa các đồng
hành tù tội trên chuyến tàu phóng về các trại lao cải tăm tối. Tôi xin đọc lại
vài đoạn trong bài Tàu Đêm –
Tàu
đi. Lúc đó, đêm vừa mỏi.
Lúc đó, sao trời đã ngủ mê.
Tàu
rú. Sao ơi, hay thức dậy
Long
lanh muôn mắt tiễn tàu đi. ...
Toa
nêm lúc nhúc hồn oan khóc
Đèn
bão mờ soi chẳng rõ ai
Ta
gọi rụng rời ta thất lạc
Ta
còn chẳng đủ nữa ta đây. ...
Tàu
đi như một cơn điên đảo
Sắt
thép kinh hoàng va đập nhau
Ta
tưởng chừng nghe thời đại động
Xô
đi ầm ĩ một cơn đau.
Ngồi
đây giữa những phân cùng bụi
Trong
chuyển đời xung xát bạo tàn
Ta
trở thành than, thành súc vật.
Tiếng
người e cũng đã quên ngang.
Ta
nghe rêm nhói thân tàn rạc
Cac
thỏi xương lìa đụng chỏi nhau
Nghe
cả hồn ta bị cán nghiến
Trên
đường lịch sử sắt tuôn mau. ...
Tàu
đi khoan xoáy sâu đêm thép
Tiếng
nghiến ghê người, thác lửa sa.
Lịch
sử dường như rất vội vã
Tàu
không đỗ lại các ga qua. ...
Trên chuyến tàu lịch sử âm u, không chỉ nhà thơ-chứng nhân cùng những kẻ
bất đồng chính kiến hay các tù nhân lương tâm , mà cả một dân tộc đọa đày lầm
than cũng bị chở mang về một nhà tù vô hình - về trại Gulag của chế độ toàn trị
Việt Nam.
Tụ lại bên nhau trong đêm đọc thơ này để tưởng niệm ngày SÀI GÒN THẤT THỦ,
làm sao chúng ta quên được những gì đã xảy ra sau đó! Hơn bốn thập niên đã trôi
qua; sau bao nhiêu tan nát và tai ương, gia đình chia ly, thảm kịch thuyền
nhân, lao động cải tạo, xã hội ngột ngạt bế tắc...hôm nay cho dù mức sống vật
chất được nâng cao hơn nhưng cái giá phải trả cho phát triển kinh tế là khủng
hoảng môi trường như vụ Formosa, là oan ức nông dân như vụ Đồng Tâm...Việt Nam
bây giờ vẫn là một quốc gia bị chiếm đóng, hố ngăn cách giữa chế độ cầm quyền
và nhân dân càng ngày càng sâu rộng.
Trong khi nhà nước toàn trị kiểm duyệt tin tức , những oan khiên thống
khổ của dân lành được phổ biến trên các mạng xã hội nơi mà ý thức chính trị của
công dân Việt càng ngày càng lan rộng. Đã đến lượt các nhà trí thức và văn nghệ
sĩ của thế hệ hôm nay lên tiếng, tiếp tục sứ mệnh chứng nhân của những ngòi bút
bất khuất.
Dù Sài gòn bị thất thủ, nhưng thơ văn Sài gòn không thất thủ. Trước khi
chấm dứt, cho phép tôi trích dẫn nhà thơ Ba lan Zbigniew Herbert:
Nếu
Đô Thành thất thủ nhưng có một người trốn thoát
Người
ấy sẽ mang Đô Thành theo mình
Trên
các nẻo đường lưu vong
Đô
Thành chính là con người ấy!
HONNEUR AU POÈTE! Xin nhường lời
cho nhà thơ Tô Thùy Yên .
YALE
University, New Haven, April 26, 2017 & VIET-AIDS Center, Boston, April 28,
2017