Wednesday, November 2, 2016

DU KY' PHÁP- MISSIONS ÉTRANGÈRES

Missions Etrangères de Paris.

   Chuyến đi Paris lần này đã đưa tôi ngao du quanh Quận 7. Khi đi tìm nơi cư ngụ trước đây của Chateaubriand và Malraux trên đường rue du Bac, tôi cùng cô bạn văn khoa cũ đã viếng Missions Etrangères.Vì Monique theo đạo Công giáo nên được dịp thăm lại các nhà thờ, thánh đường xưa tại Paris là niềm vui tinh thần đồng thời cũng là cuộc hành hương về quá khứ tín ngưỡng bên Pháp.

   Không cần là dân công giáo, người Việt có học ai cũng biết Alexandre de Rhodes. Vị cố đạo dòng Tên đã tham quan nước Việt từ Nam ra Bắc (giai đoạn 1624 - 1645) là tiếng nói uy tín đầu tiên từ châu Á khiến Giáo Hội La Mã bắt đầu quan tâm đến việc truyền giáo quốc tế. Năm 1659, giáo hoàng Alexandre VII phong chức bốn giám mục - trong đó có Pierre Lambert de la Motte sang An Nam giảng đạo vào khoảng 1660. Các vị này chính là nhóm sáng lập Séminaire des Missions  Etrangères (Trường Truyền Giáo Nước Ngoài) tại rue du Bac, Paris.
Sang tk.18, Trường Truyền Giáo đưa qua châu Á nhiều giáo sĩ để đặt nền móng cho giáo hội trên những đất nước xa lạ với đạo Ki tô; đặc biệt ở Việt Nam là giám mục Louis Néez ngoài Bắc và Pierre Pigneau de Béhaine trong Nam. Qua tk.19, Missions mở rộng ảnh hưởng với các nhà truyền giáo sang tận Cao Ly, Nhật Bản, Mãn Châu, Miến Điện, Tây Tạng...


Các vị truyền giáo sang châu Á.Tranh bên phi là Giáo Hội công giáo Cao Ly.


   Hơn 200 giáo sĩ đã hy sinh trong lịch sử truyền giáo trên thế giới. Trong số 23 vị được phong thánh có Pierre Borie bị tử hình thời Minh Mạng năm 1838, Jean-Louis Bonnard bị xử trảm năm 1852 Theophane Vénard năm 1861 dưới triều Tự Đức.  


   
  Cái gông trồng vào cổ Borie được trưng bày nơi vị trí trung tâm của Nhà Bảo Tàng các nhà truyền giáo tử đạo của Missions. Tại đây, khách tham quan nhìn thấy di vật của các giáo sĩ đã hy sinh : các loại thập giá, những dụng c thánh lễ, y phục tôn giáo chịu ảnh hưởng địa phương, thư tín và bút ký các loại...Đặc biệt có nhiều tranh vẽ nặc danh minh họa những cuộc lùng bắt, hành quyết hay lễ táng các vị tử đạo. 



 
   Bức tranh nặc danh trên đây là chứng tích quí hiếm trong lịch sử Công giáo VN. Theo lời chú thích, đây là cuộc truy bắt ba thầy giảng Bắc kỳ Paul Khoan, Pierre Hiếu và Jean-Baptiste Thành năm 1837 dưới triều Minh Mạng ( trong tranh thầy Khoan vì tuổi già nên bị trói lưới khiêng theo trong lúc hai thầy Hiếu và Thành bị bắt giải với gông kẹp cổ).


Lễ tang Jean-Louis Bonnard sau khi bị hành quyết.

   Một vị tử đạo khác sau này được phong thánh là Jean-Louis Bonnard.  Sau ba năm truyền giáo ở An Nam, ông bị bắt năm 1852 và chịu tội tử hình chết chém. Xác giáo sĩ bị vứt xuống sông đã được giáo dân vớt lên an táng, sau khi nhận thánh lễ của Cha c Monseigneur Retord .

                                       Bức tranh này cho thy cảnh tượng một cuộc hành quyết các giáo sĩ.

   Trong mớ tro xương các vị truyền giáo tử đạo khắp nơi mang về rue du Bac táng trong các áo quan tượng trưng dưới hầm nhà Bảo Tàng có hài cốt của một nhân vật đặc biệt - Pierre Pigneau de Béhaine. Vị giám mục đặc mệnh (vicaire apostolique) này là ân nhân của nhà Nguyễn, từng mang Hoàng tử Cảnh sang trình diện trước vua Louis thứ 16 để xin viện binh cho Gia Long. Người Việt đọc sử biết tên ngài là Cha Bá Đa Lộc, khi chết được Gia Long xây lăng mộ và an táng trọng thể ở Gia Định.
 
   Số phận hậu sự của vị giám mục Adran này cũng lắm thăng trầm! Cuối thập niên 1950, Ngô Đình Diệm đã ra lệnh bứng tượng Bá Đa Lộc trước Nhà thờ Đức Bà đem đi đâu mất. Đến tháng Ba 1983, chính quyền cộng sản VN lại giải tán khu Lăng Cha Cả khiến di thể vị giám mục phải xuất dương lần cuối để hồi hương! 

                                         Nơi an nghỉ sau cùng của các giáo sĩ tử đạo.


    Khi viếng thăm địa chỉ 128, rue du Bac, tôi vừa nghĩ ngợi vừa liên tưởng: Lịch sử nước Việt cận đại cũng như hiện đại một phần quan trọng đã bắt đầu từ đây. Đạo Ki Tô rồi chính sách thực dân đã chinh phục nước An Nam; các vua chúa triều Nguyễn không chống cự nổi thế lực toàn diện của nền văn minh Tây Dương. Phải đợi đến Nguyễn Ái Quốc và cộng sản đệ Tam - cũng bắt nguồn từ Paris - để giải phóng dân Việt khỏi ách thuộc địa và ngăn chặn làn sóng truyền giáo của nước Pháp.
   Nh
ưng vở kịch sử thi này chưa kết thúc. Cuộc tranh chấp văn hóa và đối thoại lịch sử giữa Ki tô giáo và đảng trị vô thần vẫn đang diễn tiến từng ngày nơi Lò Luyện Ngục có tên là Việt Nam ! 

CHÂN PHƯƠNG 
 Mùa Toussaint 2016 

                                               Quan cảnh Lễ Tưởng Niệm Các Thánh Tử Đạo ở Missions Etrangères

No comments:

Post a Comment