Sunday, March 13, 2016

ĐÔI DÒNG TÂM SỰ - Phan thị Trọng Tuyến





ĐÔI DÒNG TÂM SỰ
Phan Thị Trọng Tuyến

Phải bắt đầu từ chỗ đầu tiên.
Và chính lòng can đảm mở đầu cho mọi bắt đầu.

Vladimir Jankelevitch ( 1903-1985)

    Thông thường, sau khi xong việc, người dịch chỉ còn một thỉnh cầu quan trọng: mong
độc giả thông cảm, lượng thứ cho những lỗi lầm và sơ sót chắc chắn có, khiến tác phẩm
gốc có thể bị hiểu sai hoặc giảm giá trị.
    Trong trường hợp chúng tôi ở đây, một điều lo lắng phân vân khác đã có mặt từ lúc
bắt tay vào việc, đó là làm thế nào đến thật gần tinh thần nguyên tác, hay ít ra không xa
lắm giọng Sài Gòn thời ấy, và cố sức tránh dùng những từ ngữ chưa có mặt trước thập
niên 30 hay 40 của thế kỷ 20 ? Làm sao chuyển / dịch được cái " u mặc ", tính khôi hài
và đặc biệt tài chơi chữ (Pháp) của Trần Văn Thạch đến người đọc ?
    Dần dà tôi nhận ra đây là những ước vọng quan trọng vượt trên ý chí và khả năng có
giới hạn của mình, tôi đành cố gắng chỉ chú ý vào việc hiểu đúng tư tưởng để phản ảnh
trung thực tấm lòng Trần Văn Thạch. Xem việc mình làm như góp bàn tay đẩy ra biển
lớn cái chai nhỏ chứa một bức tâm thư, một trang sử.
    Và tôi không hề ngờ trước được là việc đóng góp này đã đem lại cho chính tôi nhiều
điều hữu ích và lý thú.
    Lúc dịch xong các bài báo cuối cùng, được chị Châu "ra lệnh" nghỉ ngơi và "giải trí".
Dù phần việc chị giao cho tôi chỉ là giọt nước so với công trình đại dương của chị từ bao
nhiêu năm qua, nhưng tôi vâng lời, cuối tuần đó nghỉ phè, nhân tiện sắp xếp lại tủ sách
nhỏ ngổn ngang những tác phẩm đã mua hay được con cháu tặng từ vài năm nay mà
chưa đọc xong.


    Thì tình cờ đọc Le Vin de Solitude của Irène Némirovsky1, vào những ngày cuối năm
lạnh lẽo. Một tuổi thơ kể lại, với quyển sách đầu tay ra đời năm bà 26 tuổi.
Những quyển sách tiếp nối được xuất bản tại Paris, trong nước Pháp trước thềm
một thời kỳ biến loạn kinh hoàng đến độ cuốn theo mạng sống của bà, năm đó Némirovsky
mới 39 tuổi. Sách bà sẽ bị cấm khi Đức chiếm đóng Pháp.
    Bất ngờ nghĩ đến chị Châu và cuộc đời hoạt động cũng trong cùng khoảng thời gian
đó của cha chị, ông Trần Văn Thạch. Ông mất lúc chị 7 tuổi, trong những ngày cuối cuộc
thế chiến thứ hai. Những người con của Irène là Denise và Elisabeth Epstein cũng mất
mẹ (và cha) rất sớm.
    Lập tức có so sánh không cưỡng được giữa chị với họ, vì tấm thiệp xuân chị gửi đầu
năm 2009 với bức ảnh chị và mẹ là bà Trần Văn Thạch.
    Hai chị em bà Elisabeth và Denise Epstein, con gái Irène Némirovsky, cất giấu giữ
gìn những bản thảo của mẹ, nhưng không dám giở ra xem vì những kỷ niệm quá đau
đớn, mãi đến mấy mươi năm sau khi bà mất họ mới khám phá tác phẩm sau cùng của
mẹ và cho xuất bản. Năm 2004 đó, quyển Suite française, hai tập đầu trong bộ truyện
dang dở, nhận được giải thưởng Renaudot, một giải thưởng văn học từ trước đến nay chỉ
trao cho các tác giả còn sống. Từ đó, các độc giả thế hệ trẻ ở Pháp và thế giới cũng khám
phá ra Irène Némirovsky.
    Bà kể lại khung trời thơ ấu bên người mẹ lãnh đạm, nông cạn, bề ngoài và thế giới
trưởng giả về chiều với người cha yêu dấu yếu đuối, ham mê cờ bạc. Những trang bản
thảo bà viết trong những năm tháng trốn tránh cuộc truy nã, được các con bà khi đó, dù
tuổi nhỏ nhưng biết cất giấu, giữ gìn như báu vật. Némirovsky bị giết trong trại tập
trung Đức Quốc xã. Lịch sử người Âu châu gốc Do Thái bị Đức tàn sát trong thế chiến
thứ hai được cặn kẽ iải bày, bằng chứng cũng trùng trùng tỏ rõ.


    Trần Văn Thạch, không phải là nhà văn thuần tuý, nhưng là một chính trị gia, một
nhà báo; ông bị giết một cách mờ ám vì chủ trương triệt hạ có hệ thống của những người
stalinít đối với phái trốtkít.
    Chị Trần Thị Châu, hơn 60 năm sau, cũng tìm được gần trọn vẹn những gì cha đã viết
và sau khi sắp xếp, chú thích bối cảnh và dẫn giải diễn tiến lịch sử, giới thiệu với độc giả.
Khác với hai người con gái trên, chị đã phải đi khắp nơi tìm dấu vết cha để lại. Chị lùng
sục khắp các thư viện. Hỏi han các sử gia trên thế giới. Chị theo dõi từng bước đi của cha,
kiếm tìm từng bài trong những tờ báo cũ, như những mẩu đời ngắn, gọn với những con
số cho biết ngày tháng, như một thứ nhật ký cha để lại
    Chúng ta biết số lượng báo in La Lutte không nhiều, báo tuy công khai hợp pháp
nhưng bị cấm phát hành rộng rãi, cho nên hơn nửa thế kỷ sau, đi tìm những tờ báo này
không dễ dàng chút nào. Chị tỉ mỉ lắp ráp, chụp hình, sao chép từng bài viết. So sánh,
hỏi thăm, bởi vì có những bài không chữ ký người viết, tìm những tài liệu nói về cha chị
và các bạn đồng nghiệp với ông, những người đã viết nên những trang sử thật đẹp đẽ tại
miền Nam Việt Nam thời Pháp thuộc. Đó cũng là một điểm khác biệt nữa so với hoàn
cảnh Némirovsky.
    Bà Némirovsky tâm sự về đời mình trong bối cảnh Nga lưu vong, còn Trần Văn
Thạch viết báo nói lên bất công và ngược đãi do thực dân áp đặt lên con người và đất
nước Việt Nam thời thuộc địa.
    Điều liên tưởng của tôi chỉ đến từ hoàn cảnh những người con đi tìm dấu vết của cha
mẹ, hình ảnh cội nguồn. Điều gì đã thôi thúc họ phải nhắc nhở, phải kể lại ? Để chia sẻ
và trả lời ? Vì những kỷ niệm trước đó quá mỏng manh mơ hồ ? Vì di vật để lại mang giá
trị nội tại cực kỳ quan trọng vượt lên trên ranh giới gia đình ? Một cách để giải oan và
phục hồi danh dự của người đã vùi dập trong oan ức, khuất tất ?
    Chị đã như thế nào khi tìm ra tài liệu, khi ghi lại từng chữ, từng câu các bài báo của
cha, khi hình dung tâm trạng của ông lúc viết cho tờ báo lịch sử lừng danh một cõi Nam
Kỳ thuở trước?
    Từ lâu lắm nguyên nhân và các lý do quan trọng sâu kín cũng như các chứng từ,
chứng nhân về cái chết của Trần Văn Thạch và các bạn đồng hành đồng chí, tưởng chừng
như đã chìm khuất trong cát bụi thời gian và bị dẫm nát dưới sức mạnh quyền lực chính
thống. Cho nên hành trình chuyến đi tìm cha cũng là hành trình của sử gia. Kiếm tìm, so
sánh, sàng lọc... Hành trình của cả một đời người.
   Khi việc thực hiện Tuyển tập Trần Văn Thạch đi đến giai đoạn cuối, tôi nhận được bài "
Một giấc mơ độc đáo 2, do sinh viên triết Thạch viết trong tạp chí sinh viên do anh xuất
bản, nói lên ước vọng nhìn thấy xứ An Nam thuộc địa được thoát khỏi gọng kềm đế quốc Pháp. Mục sư Martin Luther King vài chục năm về sau đã bắt đầu bài diễn văn bất hủ cũng bằng câu tôi đã mơ như vậy khi ông tranh đấu cho dân quyền người Mỹ da đen. Dĩ nhiên, hầu như tất cả những kẻ bị áp bức, bị mất tự do đều có giấc mơ mở tung được xiềng xích. Giấc mơ tự nhiên và bình thường hợp lý này luôn luôn trở thành khác thường, bất khả trong hoàn cảnh nghiệt ngã, éo le. Nhất là khi đó, Việt Nam thành thuộc địa Pháp đã hơn 60 năm. Với Trần Văn Thạch, đây là "một giấc mơ độc đáo" vì tác giả nhìn thấy đoàn kết dân tộc qua (hai) đảng phái, nhìn thấy dân trí mở mang, hứa hẹn cuộc đấu tranh (bất bạo động cho) dân tộc tiến triển tốt đẹp. Đó là mơ ước đoàn kết giữa hai khối tạm coi là giới tư sản trưởng giả và giới nông dân, lao động. Giấc mơ thanh niên trên mẫu quốc Pháp, nơi đó chủ nghĩa thuộc địa được nhiều
người Pháp và kể cả kẻ bị trị, nhìn qua lăng kính khai hoá tốt đẹp, trừ một vài trường
hợp hiếm hoi 3.
Ở tuổi đôi mươi sinh viên vào thời buổi đó, vấn đề thuộc địa cũng như chánh sách
độc tài toàn trị tàn ác của Staline chưa phải là vấn đề lương tâm hàng đầu của giới sinh
viên, trí thức Pháp, và đám đông chưa đọc được Trotski cũng như chưa được đọc báo
cáo của Khrustchev vài mươi năm sau đó. Còn André Gide chỉ nhắc đến những bất công
đối xử với Phi Châu thuộc địa trong CHUYẾN ĐI CONGO và TỪ TCHAD TRỞ VỀ 4,
phải đợi thêm gần hai thập niên sau nữa với Albert Camus, Jean Paul Sartre và lại André Gide
(tất nhiên, với TRỞ VỀ TỪ LIÊN XÔ ).
Giấc mơ khác thường vì tại Việt Nam tuy Nguyễn An Ninh, Phan Bội Châu, Phan
Châu Trinh… từ đầu thế kỷ 20, không ngừng kêu gọi dân tộc, thanh niên thức tỉnh, đòi
lại quyền độc lập tự chủ nhưng tiếng nói họ cũng không ngừng bị che lấp, bản thân họ
không ngừng bị thực dân tù đày, đàn áp 5.
Chàng sinh viên Thạch mơ thấy dân tộc mình sẽ vùng dậy và tìm lại được nền độc
lập khoảng trên dưới 25 năm sau đó, khoảng thời gian hợp lý theo chàng để mọi sự chín
muồi cho lý tưởng, cho hoài bão thanh niên, khát vọng đồng bào.
Sau khi trở về nước, Trần Văn Thạch và nhiều nhà cách mạng Việt Nam khác đã
dùng lý luận và báo chí cũng như nương vào luật pháp ban hành bởi chính phủ thuộc
địa để đấu tranh giành độc lập. Ước vọng đất nước có độc lập bằng tranh đấu bất bạo
động quả thật độc đáo vì nó được hình thành trong một thế giới đầy bạo động, tàn ác.
- Tức là đảng của anh không nhận lệnh từ đâu hết?
- Không nhận bất cứ từ đâu, không nhận từ Mạc tư Khoa hay từ Quảng Đông. Chúng
tôi sợ nhất là người Tàu.
Đọc lịch sử riêng lẻ là một cách nhìn lại lịch sử chung, vì sự thật và vận mạng riêng
lẻ góp phần cho sự thật và vận mệnh chung, huống hồ là lịch sử hoạt động của mộtngười ngoại hạng như Trần Văn Thạch. Khi đọc phần chị Châu kể chuyện gặp Trần Văn Giàu, tôi xúc động bàng hoàng trước sự trầm tĩnh của chị và lập tức nhớ lại cuộc gặp gỡ giữa ông Giàu và cha chị hơn 60 năm về trước. Một bàn tay vỗ trên báng súng và ngón tay chĩa vào trán sỉa sói, hăm dọa, và lời lẽ không phải để dẫn giải bày tỏ mà là để đe dọa và át tiếng. Hai cử chỉ một con người bên thắng cuộc với khoảng cách thời gian thật dài và với hai thế hệ thua cuộc, nhỏ bé, bất động, trên tay chỉ có ngòi bút và tâm trí sáng ngời. Cuộc song hành lửa bạo lực và nước kiên nhẫn vẫn còn đang tiếp diễn, trong bối cảnh khác Tôi thấy chị đầy vị tha và tự tin. Tôi chắc chắn thái độ ông Giàu đã nhắc chị nhớ đến khung cảnh dầu sôi lửa bỏng của những ngày cuối tháng 8 năm 1945. Thật vậy, trong phần viết về tâm trạng khi tìm ra bức ảnh của cha vào một ngày hè tại Aix-en-Provence và nét tả thanh niên Trần Văn Giàu trong quyển sách của P. Franchini, tôi nhìn thấy nơi sự im lặng của chị, đường hoàng và ngay thẳng, luồng ánh sáng soi rõ cuộc chém giết thuở xưa. Như một bằng chứng cuối cùng, quý giá do chính Trần Văn Giàu mang lại. Thì còn cần nói gì thêm hơn nữa, ngoài món quà từ tạ trao tay, coi như oán thù đã cởi bỏ, chỉ còn lòng trắc ẩn trước một sự thật rạng rỡ. Vị anh hùng tài ba ấy thì ra cũng chỉ là một cục đá, một con dao. Thiếu một tâm hồn, một trái tim. Lửa bạo lực chỉ gây chết chóc, tàn phá và sợ hãi còn nước tĩnh lặng rạch ròi, kiên nhẫn nhắc nhở để nhớ lại nhưng khoan dung và nuôi nấng. Tôi vừa thán phục vừa xúc động, tôi tin chắc chắn rằng từ nay với những bằng chứng lịch sử đem lại như quyển sách này, viết bằng nghị lực và trái tim rướm máu, nhưng rõ ràng chính xác, công phu và có phương pháp, khoa học, chẳng còn ai cần đến thứ lửa hung bạo vì nó đã đốt cháy quê hương tôi quá nhiều, quá lâu. Tôi tin chắc rằng lòng kiên nhẫn, tình thương, nghị lực sẽ sáng soi đất nước, thuyết phục và kết nối lòng người. Cho nên đây không chỉ là công trình nhiều giá trị do Trần Thị Châu thực hiện làm quà tặng dâng cho mẹ và người thân trong gia đình. Quyển sách này còn là bản cáo trạng và chứng cớ xác thực bác bỏ lời vu khống của kẻ sát nhân giấu mặt. Quyển sách này tự nó cũng là một đàn tràng giải oan cho cả một thế hệ. Sẽ còn có nhiều đàn tràng khác tiếp nối. Giải oan để biết yêu thương kính trọng những tấm lòng đẹp đẽ cao quý Quyển sách này sẽ còn là nén hương cho tất cả những người đã âm thầm hy sinh cho đất nước Việt Nam, và là gia tài gửi lại cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của Việt Nam. Các thế hệ đấu tranh bất bạo động ngày nay sẽ hãnh diện khám phá rằng 70 năm về trước, một người trí thức, vì yêu đất nước và đồng bào, như họ bây giờ, và như tiên tổ xưa kia, đã dám đối đầu với cường bạo hung tàn nhiều khi chỉ với trái tim, trí tuệ và ngòi bút. Một trong những cách để hãnh diện với tiền nhân có lẽ là luôn nhớ công ơn họ và không ngần ngại nối gót họ trong hành động và cách sống sao cho đất nước vẹn toàn và đời sống đồng bào được tốt đẹp.


                                                                  
1 Irène Némirovsky ( 1903-1942 ): Nhà văn Pháp gốc Do Thái sinh tại Kiev (Nga), cha mẹ di cư sang Pháp khi bà 16 tuổi. Bà nổi tiếng từ năm 1929 với tác phẩm David Golder. Vài tác phẩm bà được biên kịch, quay thành phim. Nhưng vào đầu thế chiến khi Đức chiếm Pháp, theo các luật lệ bài Do Thái, bà bị cấm viết; chỉ một vài quyển sách của bà được in dưới tên giả. Chồng bà không được phép làm việc. Bà tiếp tục viết đến năm 1942 thì cảnh sát Pháp bắt bà đưa vào trại tập trung, chỉ một tháng sau bà bị giết tại Auschwitz, vào tháng 8 năm đó. Vài tháng sau nữa đến lượt chồng bà Michel Epstein cũng bị bắt và chết trong trại tập trung. Hai đứa con gái nhỏ Denise và Elisabeth, được bà vú che giấu, nhưng cũng phải trốn tránh nhiều lần. Denise, 13 tuổi, lúc nào cũng không rời quyển tập mẹ viết trong những ngày tháng sau cùng sống bên các con. Đó là di cảo của mẹ, Denise giấu trong một cái gối. Năm 1945, Pháp giành lại độc lập, hai cô bé mỗi ngày ra nhà ga vô vọng chờ đón cha mẹ trong những lớp người sống sót trở về từ các trại tập trung.

2 Un rêve singulier, báo JEA, số 8, ngày 15-12-1927.

3 Trái lại, sứ mạng đi giáo hoá thuộc địa , truyền bá văn minh Pháp được đề cao đến cực điểm, Trần văn hạch có nói đến việc này trong một bài viết khác. Các ngoại lệ hiếm hoi (làm tiền đề cho phong trào chống huộc địa sau đệ nhị thế chiến ) là Segalen, Paul Vigné d'Octon: vừa là bác sĩ, vừa làm chính trị, Paul d'Octon trong nhóm tả khuynh vì tiếp xúc trực tiếp với dân thuộc địa cũng như với thành phần mẫu quốc tại thuộc địa, nhà văn này bất bình trước những bất công và đối xử dã man dân bị trị, lên tiếng bằng các tác phẩm văn chương: Paul d'Octon viết hơn 20 quyển sách, tên ông được đặt cho một giải thưởng văn học về đề tài xã hội đặc biệt dành cho giới y sĩ.

4 Congo từ cuối thế kỷ 19 và Tchad năm 1900 đều bị Pháp bảo hộ và trở thành thuộc địa hai mươi năm sau đó.

5 Đọc trọn tập sách này, chúng ta thấy trong nhiều bài viết Trần Văn Thạch có nhiều nhận xét chính xác
về việc xảy ra trong tương lai.  

No comments:

Post a Comment