Sunday, December 30, 2018

LẬT TRANG



                                                      


                                       

                                        LẬT  TRANG 



   Lật trang… sông suối, đêm ngày, gió mây, tàu xe, phố chợ - ẩn hiện mớ tín hiệu giữa mấy tờ kinh của biến dịch –

   2018 – 2019 – hai điểm theo nhau giữa liên tục những con số nặc danh trên đường thẳng hoặc vòng tròn thời tính –

  Để soi chiếu bước ngoặt phức tạp giàu kịch tính của một thế kỷ mới hình thành, giới sử gia cùng các nhà triết học đã và sẽ biên soạn hàng núi sách báo nhằm bình luận phân tích các biến cố kinh tế,  chính trị hay xã hội- nhân văn - họ tiếp tục trò chơi minh giải luận mà loài người bắt đầu từ thuở tập gieo mớ quẻ hào Dịch lý , khắc chạm văn tự Vệ đà hay gõ cửa thần Hermes với các nữ tu đền Delphi 

  -  Nhưng Lão tử cữơi trâu về núi, Zarathustra trò chuyện với trẻ thơ, còn đám thi nhân thì chăm chú lắng nghe tiếng vọng của thời gian - mà thời gian chẳng qua là vọng âm của một Big Bang huyền bí-

                                                                                                                       CHÂN PHƯƠNG




VỀ  NHỮNG  VÙNG  BIỂN  MỚI

Chốn ấy – Tôi muốn đến
với niềm tin vào bản thân
cùng tài nghệ của mình,

Biển mênh mông dàn trải đón mời
và chiếc thương thuyền Ý * của tôi
nhắm thiên thanh hướng tới.

Mọi thứ với tôi  lấp lánh  trong ánh rực tinh khôi,
Chính Ngọ lim dim giữa không gian  -
Chỉ có Vô Biên mở tròng quái vật
nhỉn tôi không chớp mắt.

 *mein Genueser Schiff = chiếc thuyền Giênoa của tôi .
[Genoa – trung tâm hải thương Ý từ đó các thương nhân và thuyền trưởng  
như Christophe Columbus chinh phục Địa Trung Hải và Đại Tây Dương].

                                               NIETZSCHE  Nach neuen Meeren


KHOẢNH  KHẮC

Để viết tất cả những gì tôi chất chứa trong khoảnh khắc này
Tôi phải dốc tuôn sa mạc vào đồng hồ cát
Đổ cạn biển vào đồng hồ nước

Từng hạt từng hạt     từng giọt từng giọt
đại dương và sa mạc
biến hóa      vô biên     không vết tích

Trần thế ngày đêm vỗ đập tôi
Thủy triều và cát xuyên qua tôi
Ôm lấy trường sa và trùng khơi
chỉ có đôi tay tôi với trái tim thôi.

Tôi cất giữ được gì ? Nó trốn thoát tôi.
Sa mạc di động dưới chân,
Thủy triều cuốn xóa.

                              KATHLEEN  RAINE  The Moment


 SỦA

Trăng mọc.
Trăng lặn.

Nói thế để báo với bạn
rằng tôi đã chẳng chết non.

Tuổi tác vượt qua tôi
nhưng tôi đuổi bám không rời.

Ở đây xuân đã bắt đầu
mỗi ngày từ Mexico
bay về những cánh chim mới.

Hôm qua trần gian gọi mời tôi
nhưng tôi nói KHÔNG như sấm.

Tôi từng là con chó cột vào sợi xích ngắn
và giờ đây xiềng xích chẳng còn.

                     JIM HARRISON  (Barking)


(không đề)

Từng ngày các ghi chép này
là mớ vụn bánh
để tìm lại lối xưa
xuyên qua rừng già năm tháng
Nhưng lũ sáo sậu sẽ kéo đến
xóa sạch vết tích
mổ gặm  thực phẩm rơi
bám theo hành trình
ăn mất đường về
và nhai nuốt mi.

                   VALERIO  MAGRELLI



DẤU  VẾT

im ỉm các cửa khép
tuyết ngập từ sân đến nóc

chân trời trống xám
đảo to đảo nhỏ co ro không chăn màn   

óc tưởng tượng ngủ vùi
cạnh mấy kệ sách năm cũ

bạo chúa mùa đông
bắt đi từng tù nhân hoài niệm

trước bậc thềm trắng

           còn hằn vết chân người

                                  chưa kịp đóng băng

                                               CHÂN  PHƯƠNG

  
Hy vọng mấy bài thi tuyển dịch trên đây (trừ bài cuối của người viết) sẽ cống hiến bạn đọc
chút giải khuây văn học kèm nụ cười đạo  để đưa đón giờ phút trời đất sang trang.  C.P.                                                                                                                                                                         


Saturday, September 29, 2018

WALLACE STEVENS






Bắt đầu làm thơ khi còn học Harvard, tham gia các nhóm văn nghệ tiền phong ở
New York vào những năm khai mạc thế kỷ 20, hợp tác với tạp chí POETRY do Harriet
Monroe chủ biên từ 1914 cho đến khi qua đời, WALLACE STEVENS (1879-1955) là
một nhà thơ Mỹ hàng đầu của thế kỷ hai mươi. Chịu ảnh hưởng thơ Pháp - đặc biệt
các đỉnh cao của phái Tượng Trưng như Mallarmé, Laforgue và Valéry – ông trở thành
gương mặt lớn trong dòng thơ trí tuệ phương Tây, liên tục đối thoại với triết học hiện
đại như hiện tượng luận hoặc tri giác luận. Thơ văn Wallace Stevens mang vài đặc điểm
chính của chủ nghĩa hiện đại: vừa tra vấn thực tại vừa thử nghiệm khả tính của ngôn ngữ,
đồng thời không quên tháo ráp cái Tôi giả lập với óc tự trào và giễu nhại ( thi pháp này
về sau được ngôn thuyết hậu hiện đại khai thác tối đa trong cố gắng soán ngôi các thế hệ
đàn anh bằng chính thủ pháp sáng tạo của họ !) C.P.

GIAI THOẠI VỀ CHIẾC ĐỘC BÌNH

Tại Tennessee trên một ngọn đồi
Tôi đặt chiếc độc bình tròn trĩnh .
Làm tăng cảnh trí hoang dã
Vây quanh con đồi ấy.

Sự hoang dã leo trèo rồi quấn quít chiếc bình,
Nay hết còn man dại.
Trên mặt đất là cái độc bình tròn
Cao to bề thế giữa không trung.

Nó chiếm ngự khắp nơi.
Chẳng giống bất cứ thứ gì ở Tennessee, 
Không chứa chim chóc hoặc bụi lùm .
Chiếc bình xám xịt trần trụi.


LEBENSWEISHEITSPIELEREI *

Yếu dần yếu dần, ánh dương rơi
Trong chiều hôm. Bọn ngạo mạn đám quyền uy
Đã ra đi.

Phần còn lại là những kẻ bất toàn,
Rốt ráo là những con người thật –
Thổ dân của một quả cầu teo tóp.

Sự bần cùng của họ là nỗi nghèo
Của ánh sáng
Vẻ nhạt mờ tinh tú treo lửng lơ...

Cảnh cơ hàn của không gian mùa thu
Từ từ biến thành cái nhìn
Ít lời .

Với trọn vẹn bản chất trung thực
Từng cá nhân chạm đến cảm xúc của ta
giữa sự hoành tráng mốc thếch của diệt vong.

* trong tiếng Đức ( Leben = đời sống + Weisheit= minh triết, nghĩa lý; + Spielerei= trò chơi, chuyện đùa...  ) =  NGHĨA LÝ CUỘC ĐỜI NHƯ TRÒ CHƠI.


Ý NGHĨA THÔ TRẦN CỦA SỰ VẬT

Khi lá rụng sạch, ta quay về
Với ý nghĩa thô trần của sự vật. Như thể
Ta đã đi đến cùng óc tưởng tượng
Chết cứng trong một tri kiến bất động.

Cũng khó mà chọn hình dung từ
Cho nỗi lạnh hoang trắng này, nỗi buồn vô cớ này.
Cấu trúc to tát đã hóa làm ngôi nhà thứ cấp.
Trên các mặt sàn sụt giá chẳng còn mũ mão bước qua.

Nhà kính trồng kiểng chưa khi nào cần tô lại như bây giờ.
Ống khói năm mươi tuổi thì vẹo cong sang bên.
Một nỗ lực phi thường đã thất bại, trò tái diễn
Trong sự lặp đi lặp lại của ruồi với lũ người.

Vậy mà phải tưởng tượng ra
Sự vắng mặt của tưởng tượng. Khoảng ao rộng,
ý nghĩa thô trần của nó không phản chiếu gì ráo,
Lá, bùn, nước như thủy tinh bẩn, phô bày một dạng im lặng,

Thứ im lặng khi con chuột bò ra nhìn ngóng,
Cái ao rộng cùng đám hoa súng héo tàn, mỗi thứ này
Phải được tưởng tượng như một kiến thức không tránh được,
Bắt buộc như một nhu cầu thiết yếu.

Ba bài thơ trên đây được chọn từ 
Wallace Stevens, The Collected Poems, Vintage Books , N.Y. 1982.


                                                CHÂN  PHƯƠNG
                                               Boston,  9-29- 2018



Wednesday, August 29, 2018




                              ĐỌC THƠ TRÂN SA
               
     Mùa hè năm nay nhàn hạ , tôi tìm trong mớ sách báo ngày trước đọc lại thơ văn các bạn đồng hành một dạo...Những độc giả thuộc thế hệ di dân đầu sau biến động 4-75 và các đợt sóng thuyền nhân chắc chưa quên trên mâ'y trang VĂN ( Mai Thảo), VĂN HỌC ( Võ Phiến, Ng. Mộng Giác )  ...các bài thơ giàu sáng tạo của Ngu Yên, Lê Thị Huệ, Phạm Việt Cường, Trân Sa, Thường Quán,   Vũ Quỳnh Hương, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn thị Thanh Bình, Đỗ Kh...- những ngòi bút sẽ là nòng cốt cho các tạp chí hào hứng như HỢP LƯU, TRĂM CON, TẠP CHÍ THƠ...lần lượt ra mắt văn đàn hải ngoại sau biến cố lịch sử Bá Linh 1989.  Ba mươi năm trôi nhanh nhưng tôi vẫn nhớ cảm giác thích thú khi cầm trên tay tạp chí TRĂM CON do Trân Sa cùng nhóm bạn Toronto, Canada chủ biên...    như tôi từng đọc đi đọc lại các bài thơ in trong Thơ TRÂN SA. Sau đó nữ thi sĩ còn tặng cho đời hai tập thơ tình ĐIỂM TÂM CHO NGƯỜI TÌNH và CANH THỨC CÙNG THƠ MỘNG ( viết chung với Vũ Quỳnh Hương , Lê Thị Huệ). Mời các bạn đọc bài nhận định của tôi về thơ Trân Sa trên GIAO ĐIỂM  ,mùa thu 1990 (tác giả có nhuận strước khi cho đăng lại trên Mạng ) . 

Hi vọng các vị biên soạn thi tuyển Việt tương lai sẽ quan tâm và không bỏ sót những gương mặt  như Trân Sa...                                                                            

·        THƠ TRÂN SA , Tập Hợp xuất bản, Úc Châu, Jan.1989.

  
   Tin vui đã đến bất ngờ với những độc giả khát khao mong đợi cái Mới trong thơ Việt.. Thoạt đầu, cầm tập thơ TRÂN SA trên tay tôi có cảm giác đang mơ - giấc mơ của khách yêu thơ. Nhưng đây là sự thật, không nghi ngờ gì nữa một tài năng vừa xuất hiện, độc đáo khác xa các âm điệu rập khuôn đang mô phỏng nhau trên mấy trang giấy thiếu máu. Đọc Trân Sa khiến tôi nhớ thơ Nhã Ca trước 1975 do chất trữ tình nồng thắm cộng vào nội dung bức thiết của nỗi thao thức từ thân phận làm người. Điều đáng khích lệ khác là tập thơ còn thể hiện một cố gắng sáng tạo hiếm có luôn tìm cách đi xa hơn những cảm nhận và diễn đạt quen thuộc.

  Phải nói ngay là có giới hạn nhất định về sáng tạo, học về mặt ngôn ngữ hay thi từ trong một số bài. Đó là những lúc thi sĩ phụ họa hơi dễ dãi vài mẩu triết lý bình dân bằng vần điệu như bài Jesus nói, Sakya Muni nói...(t.33) hoặc để cho thói quen thiếu ý thức của các ngữ điệu thuộc lòng đưa đẩy như bài Đi Về Với Tôi (t.47). Vài điểm khác cần khắc phục là phong cách trần thuật trực tiếp các sự việc phổ thông hay giảng lý mô phạm như trong bài Tiếng Thét (t.38), Vừa Đi Vừa Ăn Vừa Hát Vừa Cười (t.40)... Thi ca trên hết là sự tìm tòi những cách nói, cách nghĩ khác với những gì ta quen gặp từng ngày trên trang báo, trong các nghị luận, diễn văn hay đầu môi của đám đông lười động não. Nhận định trên đây tuy vậy không làm kém đi giá trị tập thơ bởi lẽ đa số các bài thơ đều tân kỳ giàu có về mặt ngôn từ và cấu tạo, nổi bật hơn cả là Mắc Xích, Cỏ, và Ong (t.9)  ; Khoảng Không và Gió (t.16)  ; Kiến và Bộ Xương của Gide (t.2). Những bài này xứng đáng có mặt trong bất cứ tuyển tập thơ hiện đại nào vì nỗ lực cách tân không chỉ nằm trong cách viết, cách cấu tạo mà trên hết là phong thái tư duy bất ngờ, cô đọng, thông minh cao độ buộc người đọc phải tham dự bằng tất cả óc tim và cảm xúc để nắm bắt vô vàn liên tưởng được phát sóng từ một từ trường thơ mãnh liệt. Ngay cách đặt tên những bài thơ ấy cũng đã là ngoại lệ so với ngôn ngữ trong thơ Việt thường gặp trên các tạp chí văn chương.

                                                      
                                                                     *


      Thơ TRÂN SA  một tập hợp trải dài trên dưới 15 năm từ bài đầu viết năm 1973 cho đến mấy bài sau cùng sáng tác cuối 1988. Điều này giải thích sự phong phú và phức tạp của thế giới thơ Trân Sa, chất chứa đủ các cung bậc tình tự, cảm xúc và suy tư của một phụ nữ Việt trải qua những bão táp với cuồng nộ lịch sử những thập niên qua. Noi theo thứ tự năm tháng khi đọc 80 bài thơ trong tập, chúng ta vui mừng chứng kiến sự tiến triễn của một ngòi bút đầy ý thức và trách nhiệm trong sáng tạo. Điều này không khỏi khiến ta liên tưởng đến một số thi sĩ Việt đang trên đà suy thoái mặc dù họ từng có thành tựu đáng kể trước kia. So sánh các sáng tác đầu tay với chùm thơ đặc sắc mấy tháng cuối năm 1988, ta dễ dàng nhận ra sự chín rộ của một tài năng đang hăng say khai phá cõi thơ riêng. Giới nghiên cứu thơ phương Tây có nói : Đọc hai bài thơ khác nhau không đề ngày tháng của một thi nhân người ta có thể chứng minh bài nào viết trước và bài nào viết sau căn cứ vào sự tôi luyện tay nghề. Đặt mấy bài của những năm đầu như Xin Tha (t. 50); Từ Giả (t. 3); Hiu Hắt (t.69) hay Hoài Hương (t. 54) bên cạnh các bài thơ tình cảm của giai đoạn cuối như Bất Tuyệt (t. 104); Gặp Lại (t.76), Rượt Bắt Giữa Mơ Hồ (t. 72)...  người đọc chăm chú sẽ nhận ra thành quả của nhiều năm lao động nghệ thuật, một mặt thăng hoa mất mát khổ đau thành một triết lý thanh cao, mặt khác hoàn thiện các tiềm năng thẩm mỹ trên hành trình tự giác của người nghệ sĩ. Cần nhấn mạnh chữ tự giác vì trong thực tế sinh hoạt thi ca hải ngoại, yếu tố tối quan trọng này hầu như vắng mặt. Có lẽ sự khai thác một vài đề tài với cung bậc quen thuộc đến mức nhàm trong một thời gian dài đã điều kiện hoá tư duy của khá nhiều người làm thơ cũng như sự thưởng ngoạn của độc giả.


   Giá trị tập thơ còn được nâng lên bởi những vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống hiện tại mà nhà thơ quan tâm đến. Dù có thể xếp một số lượng đáng kể trong thi tập vào hai mục thơ tìnhthơ đạo ( đề tài phổ biến của thơ Việt hải ngoại), phần quan trọng nhất về mặt tư tưởng và sáng tạo là thơ thế sựthơ nhân nghĩa. Không như phần đông các nhà văn thơ lưu vong quanh quẩn với nỗi niềm quá vãng hoặc mê mải truy tìm một giải thoát cá nhân bằng phương tiện thẩm mỹ hay tâm linh, thơ Trân Sa là tiếng kêu gào thống thiết cho các giá trị nhân bản bị chà đạp hay phản bội giữa thế giới của thù hận, thú tính và dối trá. Đây không phải là mớ diễn văn với tuyên ngôn trừu tượng cho các nguyên tắc đạo lý mà là sự cảm nghiệm bằng thể xác nỗi đau đồng loại, là sự xúc động tim óc trước bi kịch kiếp người. Một lần nữa, thơ ca xuất hiện để kéo ta ra khỏi lưới nhện của truyền thông, màn ảnh tivi và những hàng tít lớn - bắt chúng ta trực diện với Tiếng Gào (t. 20)  và không cho phép tránh né thảm kịch của lương tâm dân tộc:

Từ nơi nào tôi đang nghe
Ôi tiếng khóc giãy giụa đơn độc
...
Em đang chết em đau đớn 
Gã đàn ông đang hiếp em đang giết em
...
Em trẻ thơ vô tội
...
Sao lấy đi sự sống của em

   Sự thù tạc bằng vần điệu, thói trang điểm tháng ngày vô vị bằng chữ nghĩa hoa mỹ không cứu được ai, càng không thể thay thế quê hương đã mất! Các người cầm bút làm thơ hãy coi chừng! Czeslaw Milosz trong The Witness of Poetry từng nói: Các nhà thơ không làm chứng cho thi ca mà thi ca sẽ làm chứng cho các nhà thơ." Nghĩa là thi ca mới là nhân chứng và kẻ phán xét những ai cầm bút! Một thi hào lớn khác - Octavio Paz - cũng phát biểu rằng:  "Đặc tính cốt tủy của thơ là tính xã hội, thơ tái thiết nền móng cho cuộc sống chung giữa con người." Trân Sa đã viết những câu thơ mạnh và sâu trong chiều hướng ấy, chẳng hạn bài Ethiopias (t.10)  :

Những bàn tay chìa ra xương xẩu
Ethiopia
...
Những đứa trẻ sinh ra để đói khát
Những mẹ cha hấp hối vẫn làm tình
Ethiopia.
Và những Ethiopia-s

Ở một phía người ta vẫn bày rượu thịt
Ở một phía vũ khí vẫn rầm rộ chở tới

Ethiopia.
Và những Ethiopia-s.

Ruồi nhặng xương da...
Để làm gì ?
Hỡi Ethiopia...


    Không phi trích tiên từ mặt trăng rơi xuống - nhà thơ là con người của thời đại. Thi nhân có thể mộng mơ về cái Tuyệt Mỹ, tưởng tượng cõi Cực Lạc ngôn từ để làm giàu cho cuộc đời thường nhật vốn đã bị thị trường và cơ khí tước đoạt quá nhiều. Nhưng bể khổ trầm luân của hàng tỉ kiếp người rên siết không cho phép ngòi bút say mê với vườn kiểng bonsai đẹp mắt và lạc lõng của tứ với vần. Trước hết và trên hết, thời đại này đòi hỏi ở thi sĩ cũng như ở mọi người cầm bút tinh thần liên đới trách nhiệm trước các tai họa lịch sử đã và đang giáng xuống cho nhân loại. Bởi lẽ -  " không có cá nhân nào là ốc đảo và đừng bao giờ hỏi tiếng chuông đang khóc gọi hồn ai…”(John Donne)  !

       Dù Thơ Trân Sa không hiếm những bài bi quan, chán chường của kẻ " muốn rút chân khỏi tấn tuồng tâm lý xã hội tạp nhạp buồn cười "  (Nàng. Kẻ Quên, t.80), lương tri không cho phép Nàng quên. Trong bài mở đầu - phải chăng tác giả đã đặt nó vào vị trí của bài tuyên ngôn với trọn vẹn ý thức của mình ?  bài thơ mang tên trào lộng đắng cay là Kiến và Bộ Xương của Gide (t. 2), chúng ta được nhắc nhở về sự việc đã bị vùi chôn vào vô thức tập thể bên cạnh các núi xương nặc danh khác:

Tự Do. Tự Do. Tự Do.
Lời nói dối của Nhân - Loại - Hôm - Nay
Tất cả mọi người đều nói dối
Tất cả mọi người đều bị cầm tù
Bởi lòng ích kỷ.

   Trên mặt đất vắng giá trị nhân nghĩa, con người còn thua thú vật trong sa mạc. Bởi hệ thống đạo lý nhân văn đối với xã hội - cộng đồng cũng quan trọng như các mạch máu của hệ thống tuần hoàn trong cơ thể. Thế mà, thay cho các mối quan hệ trong sáng và chân thật giữa người với người, giữa cá nhân và tập thể, lối sống vật chất ích kỷ đã giam cầm từng cá thể trong rọ đạo đức giả, biến xã hội thành Rừng Loài Người (t. 18) độc ác, vô luân của loài sinh vật chỉ còn giống nhau ở cái Mặt Nạ Giả Dối (t. 22). Không cần quan điểm kinh tế - chính trị, nhà thơ đã trực nhận sâu xa nguyên nhân của căn bệnh hiện đại, điều mà giới triết gia vẫn mệnh danh là sự tha hóa hoặc vong thân khiến con người đánh mất bản thân mình mà chẳng hay biết.

   Hãy lắng nghe Trân Sa i v “thiên đường đầy nước mắt và bóng tối" bên cạnh "địa ngục đầy đủ tiện nghi"  :

Con người đã biến trần gian thành địa ngục
Và đã biến địa ngục thành thiên đường
Và không nơi nào họ có thể sống cùng niềm an vui
Tội lỗi của con người là đày đọa chính mình
Bằng quá nhiều ảo tưởng.    
                                          (Tội Lỗi của Chúng Ta, t. 94)

   Nếu ảo tưởng là tội lỗi thì ích kỷ với đạo đức giả là tội ác. Được guồng máy và lối sống cơ tâm tiếp sức, chúng sinh sản ra đám đông cô độc. Bằng "khối óc nhạy bén sấm chớp của Nàng" nhà thơ nhìn thấy như một liễu ngộ bi thương "đôi mắt cô đơn sa mạc khô"  :;

Có kẻ đi trên đường
thèm ngã xuống và chết lập tức
vì đôi mắt lạnh ngắt
lây cô đơn vào hắn như cơn sốt rét dữ dội

Cơn sốt rét làm hắn sợ hãi
vì hắn biết nguyên nhân của cô đơn và tàn phá
phát xuất từ những đôi mắt
mở lớn và lạnh ngắt
                               ( Hay Rót Tình Vào Đôi Mắt Sa Mạc Khô  t.96)

   Nhịp sống của thị trường và cơ khí đã bịt tay bịt mắt phần đông chúng ta. Còn ai thao thức lắng nghe những tiếng thét gào với nhà thơ ? Còn ai hoảng kinh trước cơn điên loạn cơ tâm của thế kỷ này ?


Cái máy làm hoài không nghỉ
Phát điên

...  tiếng ru của nó rung động tất cả các bộ phận
...  nó nằm rã rượi, âm thầm như một đống sắt vụn.


Con người làm hoài không nghỉ
từ lúc lớn lên cho đến khi chuẩn bị chết ...  

Con người phát điên
Rời xưởng trở về nhà
Hắn khóc lóc trong chiếc giường quạnh quẽ ...
Rồi ngủ 
                                           (Âm Thầm Điên , t.11 )

   Đúng là âm thầm điên như tất cả chúng ta trong guồng máy; và sự phản kháng còn lại là tiếng khóc với giấc ngủ cô quạnh !

   Nếu như các thông điệp xã hội trên đây đặt Trân Sa vào đội ngũ các nhà thơ nữ dấn thân như Adrienne Rich , Denise Levertov...  - mức nhạy cảm cao độ trong các bài thơ vừa trích dẫn còn khiến người đọc nhớ đến dòng thơ "điện giật" của Sylvia Plath hay Anne Hébert. Chính là cường độ của xúc động đã bảo chứng cho tính chân thật của thi sĩ, phân biệt dứt khoát với các loại thơ, nhạc giả trá của đám phù thủy văn nghệ thèm danh lợi.

   Bài nhận định khá dông dài này vẫn chưa làm tròn chức năng. Nếu có điều kiện và thời giờ một dịp khác nhà phê bình sẽ đề cập và phân tích cụ thể hơn các yếu tố và đặc tính mỹ học của Thơ Trân Sa, với các trích dẫn và đối chiếu cần thiết. Nhưng có lẽ trong trường hợp thi tập này điều quan trọng cần được nhấn mạnh là nội dung: cái thông điệp của nhà thơ đang mong đợi những ai đồng thanh khí như vì sao xa trong một tối sương mù. Mấy dòng chữ khá trễ tràng này là sự chuộc tội của một kẻ yêu thơ nhưng mắc phải bệnh lười cầm bút. Nhà thơ đã hoàn thành vượt mức công việc của mình; phần còn lại là tấm lòng và bổn phận của chúng ta - những độc giả còn mãi rong chơi.

 
                                                                                                       
                                                                               CHÂN PHƯƠNG
                                                                         Paris, đầu tháng Tám 1990

Sunday, June 18, 2017

KHÓC CHA



  Trời xanh, gió mát, nắng cuối xuân lấp lánh trên vịnh trưa. Du khách từ nhiều nơi tụ về Boston tham quan Lễ hội Parade of Sail hoành tráng với nhiều chiếc thuyền buồm lừng danh tham dự. Nhưng Chúa Nhật hôm nay còn một ý nghĩa đặc biệt khác. Với người Mỹ đây là ngày lễ Father's Day - những buổi ăn gia đình đầm ấm, các bàn tiệc xum vầy trong các nhà hàng, những cuộc du ngoạn cuối xuân có cha mẹ con cái quây quần chụp ảnh bên nhau......
  Nhìn trời nhìn biển với mấy ca nô, du thuyền lướt sóng trước nhà, tôi hình dung các quán ăn phố Tàu trên nước Mỹ đang bày dọn những món điểm tâm bốc khói cho các gia đình gốc Á đông hôm nay ăn mừng tuổi thọ cha với ông. Tôi nhớ cha nhớ mẹ, nghĩ ngợi bao chuyện xưa nay... Tôi may mắn còn mẹ già, giờ này trên 90 và đang sống với em gái tôi ở Chợ Lớn; nhưng không may đã mất cha năm tôi 33 tuổi. Hè này tôi đúng 66 - mấy con số đơn giản nhắc cho tôi nhớ khoảng thời gian mồ côi cha đã ngang bằng những năm tháng buồn vui sống bên cha. Ôi chớp mắt mà tôi đã sống thêm nữa đời thiếu vắng Người! Và niềm hối tiếc lớn nhất của tôi là chưa làm được bao nhiêu để đền đáp Ơn Cha mà ông đã vội ra đi bỏ vợ con lại giữa một Sàigòn ngột ngạt, túng thiếu đầu năm 1984!
  Buồn quá tôi lục mớ hình ảnh thư từ gia đình trước đây xem lại, và tìm thấy bản thảo bài thơ KHÓC CHA tôi viết vào lúc cha con vĩnh biệt!  C.P.

   KHÓC CHA

đốt nén hương lòng con vĩnh biệt cha

trăng liềm vừa treo
chưa kịp nguyên tiêu
mùa xuân cuối cùng ngắn quá!

ngồi với từng phút còn lại
trong canh tàn mê mệt
vuốt lọn tóc muối tiêu
mấy vết bầm tĩnh mạch
nhìn con mắt hết thần
rình nghe nhịp tim thoi thóp
nắm từng lóng tay co lạnh

động cơ xe chạy về khuya
tiếng côn trùng rỉ rả
bệnh viện ngoại ô Sài gòn
con ngồi suốt đêm với cha
đêm trắng đầu tiên thiên cổ

còn ngỡ thời gian xoay ngược
chiều tan học
trên yên xe đạp
hồi hộp hy vọng chưa vội về nhà
cha con một vòng xuống phố
cùng ngồi nhai đậu phọng
xem trận đá banh khỏi mất tiền

thế mà
bánh xe khập khiễng băng ca
đã phân biệt rõ ràng
âm dương đôi ngã

dưới bóng đêm thượng tuần hiu hắt
cái xác được phủ đậy đó là

cha

mười bốn tháng nín câm
nửa thân già liệt bại
phủ tạng dắt díu nhau
trong cuộc di tản cuối cùng

hỡi kiếp sống phù du
ơi cõi trần tạm bợ

này phương Đông đoạ đày
mặt trời từ đây không mọc nữa
trên bờ trán ố vàng vĩnh cửu của cha

phương Nam cơ hàn hề
cơn gió bụa vẫn bủa vây
bầy con lưu lạc

kìa phương Tây khói sương
từ đây là buổi xế bóng của vợ goá mẹ già

phương Bắc xa xăm hề
tên thầy cúng làng sẽ leo nóc nhà gọi tên cha
cầm bút lông kết thúc một đời người trong tộc phả


trời đất mông lung
mịt mờ mây chó

còn đâu những ngày
Sài Gòn  Nam Vang  Quảng Châu  Hương Cảng
đình công  tranh đấu  xếp chữ  gánh than

chẳng phải anh hùng
chẳng phải thánh nhân
ngâm Lục Vân Tiên
khoái truyện Đào Viên
sáu mươi năm một kiếp bình thường

hỡi nhà xác trống không
lạnh buốt tàn canh khuya muộn
phút lâm chung - ba có nghe con gào hỏi:

Còn lại chi sau kinh nghiệm làm người ?

sao không tiếng trả lời
chỉ có nước mắt lăn ra
từ hai khóe hôn mê mòn mỏi
hạt lệ lăn ra từ kết toán cuộc đời

lăn qua hành lang bệnh viện tanh hôi
mấy sạp thuốc tây chó đói

lăn qua y thuật thế giới thứ ba còm cõi
lăn qua tấm thông hành vô dụng
sau khi xuyên thấm mọi sa mạc văn thư

lăn một vòng quanh quả đất tật nguyền
hành tinh của ngục tù công an cá mập diều hâu

lăn qua móng kên kên của bọn đạo tì
tan biến vào thớ áo quan chật chội

                            *

này phướn triện đèn lồng lư hương bài vị
cát bụi phải trở về cát bụi

lửa vô sinh vô diệt
hãy bùng lên

cho thuyền cha rời bến nghiệp
cho cha từ giã chim chóc cỏ cây
cho cha chia tay châu Á đọa đày
cho cha rời bỏ một thế kỷ máu xương
cho cha hoà nhập trời mây


Cha ơi
lần theo dấu tàn tro

vĩnh viễn từ đây

                   chỉ còn dấu chân con rướm máu

                                           bước trở lại con đường nước mắt


CHÂN PHƯƠNG