Sunday, June 18, 2017

KHÓC CHA



  Trời xanh, gió mát, nắng cuối xuân lấp lánh trên vịnh trưa. Du khách từ nhiều nơi tụ về Boston tham quan Lễ hội Parade of Sail hoành tráng với nhiều chiếc thuyền buồm lừng danh tham dự. Nhưng Chúa Nhật hôm nay còn một ý nghĩa đặc biệt khác. Với người Mỹ đây là ngày lễ Father's Day - những buổi ăn gia đình đầm ấm, các bàn tiệc xum vầy trong các nhà hàng, những cuộc du ngoạn cuối xuân có cha mẹ con cái quây quần chụp ảnh bên nhau......
  Nhìn trời nhìn biển với mấy ca nô, du thuyền lướt sóng trước nhà, tôi hình dung các quán ăn phố Tàu trên nước Mỹ đang bày dọn những món điểm tâm bốc khói cho các gia đình gốc Á đông hôm nay ăn mừng tuổi thọ cha với ông. Tôi nhớ cha nhớ mẹ, nghĩ ngợi bao chuyện xưa nay... Tôi may mắn còn mẹ già, giờ này trên 90 và đang sống với em gái tôi ở Chợ Lớn; nhưng không may đã mất cha năm tôi 33 tuổi. Hè này tôi đúng 66 - mấy con số đơn giản nhắc cho tôi nhớ khoảng thời gian mồ côi cha đã ngang bằng những năm tháng buồn vui sống bên cha. Ôi chớp mắt mà tôi đã sống thêm nữa đời thiếu vắng Người! Và niềm hối tiếc lớn nhất của tôi là chưa làm được bao nhiêu để đền đáp Ơn Cha mà ông đã vội ra đi bỏ vợ con lại giữa một Sàigòn ngột ngạt, túng thiếu đầu năm 1984!
  Buồn quá tôi lục mớ hình ảnh thư từ gia đình trước đây xem lại, và tìm thấy bản thảo bài thơ KHÓC CHA tôi viết vào lúc cha con vĩnh biệt!  C.P.

   KHÓC CHA

đốt nén hương lòng con vĩnh biệt cha

trăng liềm vừa treo
chưa kịp nguyên tiêu
mùa xuân cuối cùng ngắn quá!

ngồi với từng phút còn lại
trong canh tàn mê mệt
vuốt lọn tóc muối tiêu
mấy vết bầm tĩnh mạch
nhìn con mắt hết thần
rình nghe nhịp tim thoi thóp
nắm từng lóng tay co lạnh

động cơ xe chạy về khuya
tiếng côn trùng rỉ rả
bệnh viện ngoại ô Sài gòn
con ngồi suốt đêm với cha
đêm trắng đầu tiên thiên cổ

còn ngỡ thời gian xoay ngược
chiều tan học
trên yên xe đạp
hồi hộp hy vọng chưa vội về nhà
cha con một vòng xuống phố
cùng ngồi nhai đậu phọng
xem trận đá banh khỏi mất tiền

thế mà
bánh xe khập khiễng băng ca
đã phân biệt rõ ràng
âm dương đôi ngã

dưới bóng đêm thượng tuần hiu hắt
cái xác được phủ đậy đó là

cha

mười bốn tháng nín câm
nửa thân già liệt bại
phủ tạng dắt díu nhau
trong cuộc di tản cuối cùng

hỡi kiếp sống phù du
ơi cõi trần tạm bợ

này phương Đông đoạ đày
mặt trời từ đây không mọc nữa
trên bờ trán ố vàng vĩnh cửu của cha

phương Nam cơ hàn hề
cơn gió bụa vẫn bủa vây
bầy con lưu lạc

kìa phương Tây khói sương
từ đây là buổi xế bóng của vợ goá mẹ già

phương Bắc xa xăm hề
tên thầy cúng làng sẽ leo nóc nhà gọi tên cha
cầm bút lông kết thúc một đời người trong tộc phả


trời đất mông lung
mịt mờ mây chó

còn đâu những ngày
Sài Gòn  Nam Vang  Quảng Châu  Hương Cảng
đình công  tranh đấu  xếp chữ  gánh than

chẳng phải anh hùng
chẳng phải thánh nhân
ngâm Lục Vân Tiên
khoái truyện Đào Viên
sáu mươi năm một kiếp bình thường

hỡi nhà xác trống không
lạnh buốt tàn canh khuya muộn
phút lâm chung - ba có nghe con gào hỏi:

Còn lại chi sau kinh nghiệm làm người ?

sao không tiếng trả lời
chỉ có nước mắt lăn ra
từ hai khóe hôn mê mòn mỏi
hạt lệ lăn ra từ kết toán cuộc đời

lăn qua hành lang bệnh viện tanh hôi
mấy sạp thuốc tây chó đói

lăn qua y thuật thế giới thứ ba còm cõi
lăn qua tấm thông hành vô dụng
sau khi xuyên thấm mọi sa mạc văn thư

lăn một vòng quanh quả đất tật nguyền
hành tinh của ngục tù công an cá mập diều hâu

lăn qua móng kên kên của bọn đạo tì
tan biến vào thớ áo quan chật chội

                            *

này phướn triện đèn lồng lư hương bài vị
cát bụi phải trở về cát bụi

lửa vô sinh vô diệt
hãy bùng lên

cho thuyền cha rời bến nghiệp
cho cha từ giã chim chóc cỏ cây
cho cha chia tay châu Á đọa đày
cho cha rời bỏ một thế kỷ máu xương
cho cha hoà nhập trời mây


Cha ơi
lần theo dấu tàn tro

vĩnh viễn từ đây

                   chỉ còn dấu chân con rướm máu

                                           bước trở lại con đường nước mắt


CHÂN PHƯƠNG
 



Tuesday, May 30, 2017

ĐÔI LỜI VỀ NHÀ THƠ TÔ THÙY YÊN



Nhà thơ TÔ THÙY YÊN được đại học YALE mời đọc thơ để tưởng niệm ngày Sài Gòn Thất Thủ (The Fall of Sài Gòn) vào chiều 26 - 4 - 2017 cùng với hai thi sĩ ĐINH LINH và PHAN NHIÊN HẠO. Tôi được vinh dự lên nói đôi lời giới thiệu TÔ THÙY YÊN bằng Anh ngữ truớc thính giả, phần lớn là sinh viên đại học ; rồi sau đó tôi cũng đã đọc lời giới thiệu qua tiếng Việt tại trung tâm VIỆT-AIDS ở Boston khi thi sĩ TÔ THÙY YÊN nói chuyện và đọc thơ với đồng bào tại đây đêm 28 - 4 - 2017. Dưới đây là bài phát biểu của tôi dịch sang Việt ngữ với đôi chỗ hiệu đính. CHÂN PHƯƠNG



                      ĐÔI LỜI VỀ NHÀ THƠ TÔ THÙY YÊN

   Kính chào thính giả và các bạn tham dự đêm đọc thơ,

   Có lẽ những độc giả quan tâm đến văn học tiếng Việt hôm nay ít nhiều đã đọc qua Tô Thùy Yên. Tôi chỉ xin nhắc lại vài con số để phác hoạ chân dung lịch sử của nhà thơ. Sinh năm 1938, khi cuộc chiến VN lên cao điểm năm 1968, Tô Thùy Yên được 30 tuổi. Sau 1975, qua nhiều trại tù cải tạo cho đến khi được tha năm 1988, nhà thơ đã 50. Năm năm sau, ông theo chương trình H.O. qua Mỹ với gia đình và sống cuộc đời di dân cho đến hôm nay. Những năm tháng và biến cố ấy là những cột mốc giúp chúng ta đi sâu vào thế giới thi ca của ông .
   Tôi xin kể một giai thoại cá nhân. Mùa xuân 1986, tôi hân hạnh được hội kiến Thanh Tâm Tuyền trong một quán cà phê ở Đa kao, Sài gòn. Lúc ấy tôi là một nhà thơ chui, còn Thanh Tâm Tuyền là thi sĩ đầu đàn vừa là một trong những vị khai sáng văn học hiện đại ở Việt Nam.(Ông là một thành viên của nhóm Sáng Tạo sáng tác và cỗ xúy thơ văn tiền phong avant-garde.) Lúc ấy, ông vừa được trả tự do sau nhiều năm học tập cải tạo trong khi Tô Thùy Yên thì còn bị tù giam ngoài Bắc.  Cũng khá trớ trêu, phần lớn các tên tuổi Sáng Tạo đều trải qua các trại tù cải tạo; vài người nhanh chân trốn thoát thì lưu lạc xứ người như Mai Thảo...Trong cuộc nói chuyện và đôi lần gặp mặt sau đó, Thanh Tâm Tuyền đã nhắc đến Tô Thùy Yên với nhiều cảm tình và quí mến - đặc biệt đối với sự tu luyện về ngôn từ và nghệ thuật của nhà thơ chúng ta. Tôi được biết biệt hiệu "Ông Tiên" do chính Thanh Tâm Tuyền nói ra.  (Tên thật của thi sĩ Tô Thùy Yên là Đinh Thành Tiên).
   Năm 18 tuổi, nhà thơ sáng tác bài Cánh Đồng Con Ngựa Chuyến Tàu

Tàu chạy mau tàu chạy rất mau  
Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu...
                     
 Tàu chạy mau càng mau càng mau
 Ngựa ngã lăn mình mượt như cỏ
 Chấm giữa nền nhung một vết nâu

   Bài thơ bộc lộ tài năng trẻ tuổi - một Rimbaud của Sài gòn - với nỗi ám ảnh rất Nietzsche luôn luôn vươn lên đỉnh cao bất chấp mọi gian truân.Theo tôi, hình tượng con ngựa chạy đua với chiếc tàu chính là thi nhân đuổi theo Sáng Tạo và Vinh Quang, hoặc Lịch Sử và Định Mệnh. Nhưng bài thơ đồng thời cũng mang một linh cảm - hai mươi lăm năm sau , không phải thần mã Pegasus rượt đuổi Sáng Tạo mà là người lính bại trận giữa các đồng hành tù tội trên chuyến tàu phóng về các trại lao cải tăm tối. Tôi xin đọc lại vài đoạn trong bài Tàu Đêm

Tàu đi. Lúc đó, đêm vừa mỏi.
 Lúc đó, sao trời đã ngủ mê.
Tàu rú. Sao ơi, hay thức dậy
Long lanh muôn mắt tiễn tàu đi.  ...

Toa nêm lúc nhúc hồn oan khóc
Đèn bão mờ soi chẳng rõ ai
Ta gọi rụng rời ta thất lạc
Ta còn chẳng đủ nữa ta đây.  ...

Tàu đi như một cơn điên đảo
Sắt thép kinh hoàng va đập nhau
Ta tưởng chừng nghe thời đại động
Xô đi ầm ĩ một cơn đau.

Ngồi đây giữa những phân cùng bụi
Trong chuyển đời xung xát bạo tàn
Ta trở thành than, thành súc vật.
Tiếng người e cũng đã quên ngang.

Ta nghe rêm nhói thân tàn rạc
Cac thỏi xương lìa đụng chỏi nhau
Nghe cả hồn ta bị cán nghiến
Trên đường lịch sử sắt tuôn mau.  ...

Tàu đi khoan xoáy sâu đêm thép
Tiếng nghiến ghê người, thác lửa sa.
Lịch sử dường như rất vội vã
Tàu không đỗ lại các ga qua.  ...

   Trên chuyến tàu lịch sử âm u, không chỉ nhà thơ-chứng nhân cùng những kẻ bất đồng chính kiến hay các tù nhân lương tâm , mà cả một dân tộc đọa đày lầm than cũng bị chở mang về một nhà tù vô hình - về trại Gulag của chế độ toàn trị Việt Nam.
   Tụ lại bên nhau trong đêm đọc thơ này để tưởng niệm ngày SÀI GÒN THẤT THỦ, làm sao chúng ta quên được những gì đã xảy ra sau đó! Hơn bốn thập niên đã trôi qua; sau bao nhiêu tan nát và tai ương, gia đình chia ly, thảm kịch thuyền nhân, lao động cải tạo, xã hội ngột ngạt bế tắc...hôm nay cho dù mức sống vật chất được nâng cao hơn nhưng cái giá phải trả cho phát triển kinh tế là khủng hoảng môi trường như vụ Formosa, là oan ức nông dân như vụ Đồng Tâm...Việt Nam bây giờ vẫn là một quốc gia bị chiếm đóng, hố ngăn cách giữa chế độ cầm quyền và nhân dân càng ngày càng sâu rộng.
   Trong khi nhà nước toàn trị kiểm duyệt tin tức , những oan khiên thống khổ của dân lành được phổ biến trên các mạng xã hội nơi mà ý thức chính trị của công dân Việt càng ngày càng lan rộng. Đã đến lượt các nhà trí thức và văn nghệ sĩ của thế hệ hôm nay lên tiếng, tiếp tục sứ mệnh chứng nhân của những ngòi bút bất khuất.
   Dù Sài gòn bị thất thủ, nhưng thơ văn Sài gòn không thất thủ. Trước khi chấm dứt, cho phép tôi trích dẫn nhà thơ Ba lan Zbigniew Herbert: 

Nếu Đô Thành thất thủ nhưng có một người trốn thoát
Người ấy sẽ mang Đô Thành theo mình
Trên các nẻo đường lưu vong
Đô Thành chính là con người ấy!

HONNEUR AU POÈTE! Xin nhường lời cho nhà thơ Tô Thùy Yên .



YALE University, New Haven, April 26, 2017 & VIET-AIDS Center, Boston, April 28, 2017