Saturday, August 20, 2016

MỘT CHUYẾN DU XUÂN - 5


Tượng Đài Chiến Thắng - VICTORY MONUMENT - YORKTOWN.


   Rời Jamestown và Williamsburg, tôi lái xe độ hai mưoi cây số đến Yorktown. Kịp bước vào chụp tấm ảnh với Tướng Lafayette nơi tiền sảnh trước khi nhà Bảo Tàng Lịch Sử đóng cửa lúc 5 giờ.  Chúng tôi trở ra, nhập vào đám du khách rải rác khắp thị xã dưới ánh nắng chiều mềm dịu. Vài người đang rảo quanh đồng đất nhìn ngắm trận địa xưa; một gia đình đông con chụp hình cho nhau cạnh mấy khẩu thần công nằm phơi mưa nắng…

Mấy mẫu ruộng được lính tráng đắp mô làchiến địa .


   Lúc ấy, tám nghìn quân lính Anh đã thấm mệt sau trận chinh phạt North Carolina.  Dưới sự chỉ huy của danh tướng Lord Corwallis, họ đồn trú và tăng cường phòng thủ để lấy sức tại Yorktown trong khi chờ đoàn quân tiếp viện kéo sang. Không ngờ Đô Đốc Pháp De Grasse đã chặn đánh trên biển đoàn hải thuyền, cắt đường viện quân Anh.  Trong khi đó toán quân của tướng Lafayette đã mai phục chặn đường tháo lui trên bộ, và tướng Rochambeau phối hợp với nguyên soái Washington kéo quân từ New York xuống.  Sau sáu ngày chịu đựng cuộc tiến công và bao vây của mười bốn nghìn lính tráng Mỹ-Pháp, lực lượng hoàng gia Anh kiệt sức và Lord Cornwallis chịu đầu hàng vào ngày 19-10-1781.
   Cũng nên lật lại vài trang sử.  Câu chuyn bắt đầu ở một chốn xa xăm khác, tận Massachusetts.  Sau mấy năm biểu tình chống sưu thuế ở Boston, tiếng súng khởi nghĩa đã nổ vào sáng mùa xuân 19-4-1775 tại hai làng Lexington và Concord.  Đúng 6 năm 6 tháng sau đoàn quân khởi nghĩa cách mạng được Pháp tiếp viện đã đánh bại quân Anh tại Yorktown.


Tại đây tiếng súng khởi nghĩa đã nổ ngày 19-4-1775 ở Concord.

   Đi dạo quanh quẩn nhìn mấy mẫu ruộng được lính tráng đắp mô để nấp bắn giữa dăm ba rặng cây xanh, tự nhiên tôi nhớ Waterloo bên Bỉ nơi Napoleon từng đại bại . Hai chiến địa đã thay đổi lịch sử thế giới này không có gì đặc biệt về điạ hình.  Chỉ có một điều khác biệt là tại chiến tuyến này quân đội Hoàng Gia Anh bị dồn vào triền đá dựng, dưới kia là biển sâu.

    



   Chúng tôi đi dạo thăm viếng Yorktown, đến Tượng Đài Chiến Thắng rồi qua ngôi nhà của Thống Đốc Virginia Thomas Nelson - một trong những lãnh đạo địa phương trong cuộc khởi nghĩa.  Bị tướng Cornwallis chiếm đóng làm tổng hành dinh, ngôi nhà này đã được phục hồi như xưa cho du khách có thể nhìn thấy một chứng tích hiếm quý. Cũng như cây cầu ở Concord hoặc quả chuông ở Philadelphia, ngôi nhà của Nelson là một chương quyết định của nền độc lập Mỹ - các viên đá tảng xây nền dân chủ đầu tiên của loài người hiện đại.


Bên phi là ngôi nhà của Thomas Nelson bị tướng Cornwallis chiếm đóng.

  
    Chụp xong tấm hình kỷ niệm với tượng đài Victory Monument, chúng tôi lên đường. Nhắm về hướng Nam, lái qua Norfolk - hải cảng đóng tàu số một của nước Mỹ, tôi vòng về Virignia Beach để ăn tối và nghỉ qua đêm.

   Ngày mai tôi sẽ dành cho các bạn đường một vài thú vị trước khi quay về Boston. Khi kéo hành lý vào đại khách sạn của Diamond Resort, tôi vưà nghĩ đến đoạn kết của chuyến du ngoạn vưà nói th, last but not least !




   Lấp lánh ánh dương rắc vàng trên biển sớm. Một bóng người lẻ loi trên bãi cát trước Đại Tây Dương bao la. Đúng ra là du khách nên rong chơi tắm nắng ít hôm tại thắng cảnh Virginia Beach nầy, nhưng cuộc du ngoạn đường trường chưa kết thúc!


   Ăn sáng xong, chúng tôi lại lên đường. Tôi lái xe dọc bãi biển đến địa điểm xưa nơi ba hải thuyền đã ghé vào năm 1607. Trước khi tìm ra cửa vịnh Chesapeake rồi ngược dòng sông đi sâu vào đất liền tìm vùng đất thích hợp để lập thôn xã Jamestown, dám di dân đã bỏ neo nghỉ ngơi ít hôm tại Cape Henry.

   Lâu nay Cape Henry đã trở thành căn cứ quân sự và khách đến thăm phải khai báo và làm đơn tại cổng gác.Tôi phải trình bằng lái, cả giấy tờ chủ quyền và bảo hiểm xe.  Hai người lính canh yêu cầu mở cốp xe trước sau cho họ khám xét tường tận trước khi cho phép kẻ l đi vào. Khi đậu xe xong trên bãi parking trống vắng, chúng tôi mới hay là chẳng có bao nhiêu du khách chịu khó lặn lội đến chốn nầy - dù đây chính thức là nơi bắt đầu lịch sử thuộc địa Anh-Mỹ ngày xưa!


Nơi diễn ra cuộc hải chiến Battle of the Capes sáng ngày 5-9-1781.


   Không hiểu Thần Lịch Sử có phải là một nhà soạn kịch có óc hài hước khi sắp xếp cho nền thuộc địa Anh ở Mỹ kết thúc ngay điểm bắt đầu là Cape Henry ? Từ mũi đất nầy nhìn ra khơi, ta có thể hình dung cuộc hải chiến Battle of the Capes sáng ngày 5-9-1781 khi hạm đội của đô đốc Pháp de Grasse  bắn phá hư hại sáu chiến thuyền của Anh. Dù trận đụng độ trong hai tiếng đồng hồ ấy bất phân thắng bại, đô đốc Thomas Graves đã phạm sai lầm chiến lược khi ông đưa hạm đội mình về New York sửa chữa và bỏ cửa khẩu Chesapeake cho hải quân Pháp kiểm soát hoàn toàn. Trong khi liên minh quân sự Mỹ-Pháp được tiếp quân và súng đạn từ phía đại dương, lực lượng Anh bị vây hãm ở Yorktown phải chống cự tuyệt vọng đến lúc thất thủ.


Đô đốc Pháp François Joseph Paul de Grasse.

   Nhìn bức tượng ghi công đặt cạnh bờ biển nơi đã diễn ra trận hải chiến, tôi có ý nghĩ : Người có công đầu trong chiến thắng Yorktown là đô đốc De Grasse. Cùng Lafayette và Rochambeau, De Grasse đã tiếp viện đúng lúc cho cuộc khởi nghĩa Hoa Kỳ đã đuối sức sau sáu năm dài chiến đấu với quân lực hoàng gia Anh thiện chiến hơn nhiều.  Không chỉ khai sinh một nước Mỹ độc lập, chiến thắng Yorktown còn giúp người Pháp rửa mối hận khó quên khi tướng Montcalm thất trận ở Quebec 22 năm trước khiến Pháp phải nhường thuộc địa Canada cho đế quốc Anh.


CAPE HENRY MEMORIAL CROSS.

   Đối diện với tượng De Grasse là cây Thập Giá Tưởng Niệm. Tôi cùng các bạn bước đến chụp ảnh và đọc dòng chữ khắc trên bệ thập giá . Xin tạm dịch cho các độc giả không rành Anh ngữ: 

Tại Mũi Henry này, dân Anh sang lập thuộc địa ở Mỹ đã đặt chân lần đầu lên đất liền vào ngày 26 tháng 4, 1607.  Những di dân này đã lập nên khu định cư đầu tiên của người Anh ngày 13-5-1607 tại Jamestown, Virginia.

HERE AT CAPE HENRY FIRST LANDED IN AMERICA, UPON 26 APRIL 1607, THOSE ENGLISH COLONIST WHO, UPON 13 MAY 1607, ESTABLISHED AT JAMESTOWN VIRGINIA, THE FIRST PERMANENT ENGLISH SETTLEMENT IN AMERICA.

                                                                            ***
   
   Thay vì theo lộ trình cũ để quay về Boston, máu phiêu lưu khiến tôi chọn tuyến đường khác băng qua Chesapeake Bay Bridge-Tunnel lên phương Bắc qua tiểu bang Delaware. Đây là một kỳ công kiến trúc, không chỉ riêng đối với nước Mỹ, gồm nhiều cầu nối các đường hầm dưới biển. Đoạn Bắc và đoạn Nam lần lượt được hoàn thành sau 88 tháng, tổng cộng là 17.6 miles tương đương 30 cây số. Ai có dịp qua đây sẽ được ngắm quan cảnh trời biển bát ngát bao la của Chesapeake Bay - cửa biển rộng nhất của nước Mỹ. Khi phóng xe lần đầu tiên (và có thể là lần cuối) trên tuyến đường này, tôi đã trải nghiệm cảm xúc hiếm có tương tự một mùa hè xưa khi tôi lái dọc biển miền Tây trên Route One vào thăm lâm viên redwood ở California.

   Không kể các chuyến du lịch trước đây bên Á châu hoặc Âu châu, lần du ngoạn về quá khứ này là cuộc lữ hành có ý nghĩa văn hóa-lịch sử nhất đối với tôi trên đất Mỹ. Hôm nay ngồi viết mấy dòng du ký vừa đọc thêm vài tư liệu tham khảo, tôi sống lại một chuyến đi kỳ thú, chắc không còn dịp lặp lại! Nhưng dư vang của nó sẽ đọng lại lâu dài trong ký ức của tôi và các bạn đồng hành, nhất là những khi nhìn ngắm các tấm ảnh ngoạn mục chụp dưới ánh sáng đầu xuân Virginia năm 2016.

                                                                      CHÂN PHƯƠNG

                                                                                        Hingham Bay, August 20, 2016