TIẾC THƯƠNG SIMON LEYS
Chân Phương giới thiệu và dịch
Sự ra đi của Pierre
Ryckmans ( bút danh Simon Leys) vào ngày 11-8-2014 là một mất mát khó
bù đắp trong giới học giả quốc tế về Trung Quốc và văn hóa Trung
Hoa. Sinh ở Bruxelles năm 1935, ông bắt đầu quan tâm đến TQ sau lần viếng
thăm đầu tiên và được tiếp kiến Chu Ân Lai năm 1955 . Sau khi lấy tiến
sĩ luật học và lịch sử mỹ thuật tại đại học Louvain, quyết chí
theo đuổi sở nguyện ông sang Đài Loan để học chuyên sâu về văn học và
mỹ thuật Trung Hoa - Đại Lục TQ lúc ấy không có chính sách thu nhận
sinh viên phương Tây - rồi lấy vợ là dân Đài Loan. Năm 1968 ông sang Hương
Cảng giảng dạy tại Hong Kong University, vừa làm dịch giả cho phái bộ
ngoại giao Bỉ để kiếm thêm thu nhập vì sinh hoạt nơi đây quá đắt đỏ.
Sự tình cờ lịch sử vừa là định mệnh học thuật đối với Simon Leys
đã diễn ra trong thời gian ấy; đó là thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa mà
ông phải bám sát (qua báo chí Hoa Lục cùng vô số thường dân bỏ trốn
TQ bằng cách liều mạng lội trong đêm vượt biển đến Hương Cảng) để
cập nhật hóa tin tức cho phái bộ Bỉ. Nhật ký ông ghi chép trong giai
đoạn ấy là tác phẩm đầu tay của ông khi được Paris xuất bản năm 1971 – LES HABITS NEUFS DU PRESIDENT MAO/ Y PHỤC MỚI CỦA MAO CHỦ TỊCH .
Nhờ thông thạo cả ngữ văn và ngôn thoại, Simon Leys nhìn thấu qua màn
sương huyền thoại bao quanh Mao Trạch Đông lúc ấy và phát giác sớm
nhất sự tranh chấp quyền lực máu me của các phe cánh đảng CSTQ núp
sau mấy phong trào quần chúng và thanh niên bị giật dây. Trong khi trí
thức phương Tây, đặc biệt là tả phái Âu-Mỹ ,ngưỡng mộ họ Mao và hoan
nghênh một cách ngờ nghệch từ xa cuộc “Cách Mạng Hồng Vệ Binh” ,
Simon Leys đã chứng minh qua những trang viết thông minh, cương trực, hóm
hỉnh những đức tính cần thiết cho nhà sử học hay nghiên cứu chính
trị khi chạm phải đề tài tối ám là chế độ toàn trị Á đông: sự tỉnh
táo tri thức cộng với kiến văn uyên bác và lão thông ngôn ngữ. Năm
1972, nhờ cơ hội sang Bắc Kinh làm chuyên gia-tùy viên văn hóa tại sứ
quán Bỉ ông có dịp tham quan nhiều thành phố và thôn quê để tiếp tục
đào sâu nhận thức chính trị của mình về đất nước bao la đông dân nhất
thế giới đang bị chủ nghĩa Mao phá hoại và bạo hành từng ngày. Quá
trình quan sát và trải nghiệm ấy được nâng lên thành tác phẩm văn
học – chính luận đặc sắc và đậm chất humour riêng của Simon Leys: OMBRES CHINOISES/ MÚA BÓNG Ở TRUNG QUỐC
xuất bản năm 1974 được giới học
thuật đánh giá như một kiệt tác gợi nhớ văn phong Voltaire,
Montesquieu... Kể từ đó, sự nghiệp học thuật của ông chia làm hai
hướng và đóng góp nhiều tác phẩm mà các trí thức- học giả quan tâm
đến văn hóa và chính trị Trung Hoa bắt buộc phải đọc, như bản dịch
LUẬN NGỮ tài hoa và chuẩn xác bằng thứ tiếng Anh lịch lãm hiếm có.